Ra khỏi “ao làng” !
Tuần rồi, báo chí đưa tin nước chủ nhà của kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2013 (SEA Games 27) năm nay đòi Việt Nam phải nhường cho họ một số huy chương vàng thì mới đưa môn Vovinam vào chương trình thi đấu chính thức của đại hội. Thậm chí, nước chủ nhà của kỳ SEA Games kế tiếp sau 2 năm nữa cũng đưa ra yêu cầu phải có huy chương vàng Vovinam kỳ này thì mới đưa vào chương trình thi đấu chính thức của kỳ đại hội mà họ là chủ nhà. Tất nhiên, để quảng bá và đưa văn hóa của nước mình ra quốc tế nên dù miễn cưỡng chúng ta cũng phải chấp nhận.
Không chỉ có chuyện của Vovinam của Việt Nam, từ lâu nay mỗi kỳ Đại hội thể thao lớn nhất đều là những cuộc “mặc cả” huy chương giữa các quốc gia là người trong cuộc. Vì vậy, chúng ta cũng không quá ngạc nhiên đối với những yêu cầu… “hổng giống ai” ở kỳ SEA Games này và coi đó là chuyện tất yếu phải như thế. Tất nhiên, trong các cuộc “mặc cả” này nước chủ nhà bao giờ cũng có lợi nhất bởi họ là người có tiếng nói quyết định trong việc chọn số lượng bộ huy chương cũng như các nội dung thi đấu. Còn nhớ cách đây tròn chục năm, năm 2003 Việt Nam lần đầu tiên là nước chủ nhà SEA Games 22, bằng cách đưa vào đại hội rất nhiều nội dung có ưu thế nên đã dễ dàng chiếm ngôi vị số 1 sau “cơn mưa” huy chương vàng ở những môn này. Và đó cũng là lần duy nhất Việt Nam đứng đầu khu vực tại một kỳ SEA Games.
Khẩu hiệu của phong trào Olympic là “nhanh hơn, cao hơn, xa hơn”. Thể thao chân chính luôn đề cao tinh thần thượng võ và trung thực trong thi đấu. Vì vậy, việc phân chia “thành tích ảo”, “xí phần” huy chương… như đã nêu là cực kỳ phản cảm và phi thể thao. Chính cái nếp “ai đăng cai thì người đó nhất” để tự huyễn hoặc mình, để… “tự sướng” lâu nay chính là nguyên do căn bản nhất khiến cho thể thao Đông Nam Á luôn là vùng trũng của thế giới trong những năm qua và có lẽ cả nhiều năm tới.
Thế giới ngày nay đã hội nhập sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế cho đến văn hóa, khoa học kỹ thuật..., thể thao cũng không là ngoại lệ. Nếu SEA Games không vươn lên mạnh mẽ bằng các môn thi đấu Olympic, cứ dùng các môn sở đoản để lấy thành tích ảo, thì làm sao cải thiện được thành tích? Nếu không hòa nhịp với phong trào thể thao quốc tế thì việc bị bỏ lại phía sau hay bị nhấn chìm trong cuộc đua tranh chính thống mang tính toàn cầu là điều tất yếu. Vì vậy, điều quan trọng và cần thiết là thể thao khu vực phải mạnh dạn bước ra khỏi cái “ao làng” vươn ra biển lớn, để vượt lên chính mình và hòa vào sân chơi chung của thế giới.
Và không chỉ có thể thao mà ở các lĩnh vực khác cũng vậy, bất cứ một quốc gia hay một khu vực nào, nếu muốn phát triển thì phải hòa vào sân chơi chung toàn cầu và nỗ lực đua tranh cùng thiên hạ, chứ không thể chỉ đứng bên lề bằng sân chơi nhỏ bé và… “hổng giống ai” của riêng mình.
Hải Đăng