Ông Oanh “trống” ở Thượng Giang
Không có tên, không bảng hiệu, lại ở một vùng quê hẻo lánh, nhưng những chiếc trống của gia đình ông Trần Văn Oanh, ở thôn Thượng Giang, xã Tây Giang (Tây Sơn) làm ra lại được khách hàng khắp nơi trong cả nước ưa chuộng.
Ông Trần Văn Oanh bên những chiếc trống do mình làm.
Hôm tôi đến nhà, gặp lúc ông Oanh đang hoàn thành những công đoạn cuối của 2 chiếc trống lớn mà theo ông, được 2 ngôi chùa, một ở An Nhơn (Bình Định) và một ở tận tỉnh Kon Tum đặt làm. Dừng tay tiếp chuyện khách, ông kể: Làm ra cái trống, đánh lên nó kêu, thật sự không khó. Nhưng làm cho ra cái trống đúng loại đạt yêu cầu chất lượng thì rất khó. Từ khâu chọn gỗ, đục, mài thân trống, chọn da trâu, căng niêm mặt trống, rồi bưng trống. Kỹ lưỡng, gọn gàng, đúng việc, không nhanh quá, mà cũng không được rề rà. Gỗ được chọn làm trống trước kia thường là gỗ mít, nhưng nay sử dụng chủ yếu là gỗ trám, bồ đề, hoặc mỡ, vì vậy, một số quy tắc cũ cũng cần tinh chỉnh cho hợp…
Trong làm trống, da trâu là nguyên liệu rất quan trọng. Ông Oanh đặt bạn hàng ở khắp nơi để mua gom bởi không phải bộ da trâu nào cũng có thể đem ra làm trống. Có da rồi, có thân trống rồi, việc bưng trống còn đòi hỏi người làm trống có tai thính để thẩm âm cho trúng với loại trống. Trống làm ra có nhiều kích thước khác nhau tùy theo mục đích sử dụng, trống lớn nhất ông từng làm có đường kính khoảng 1,4 m và cao 2,1 m. Với các loại trống nhỏ, thân gỗ nhỏ có thể mau khô và làm nhanh trong vòng vài tuần nhưng làm trống lớn phải kiên trì, không phải 1 - 2 tháng mà có khi lên đến 1 - 2 năm. Lâu như vậy là vì, thân trống lớn, khi làm xong phải để gỗ qua được 4 mùa xuân, hạ, thu, đông mới biết được độ co giãn của gỗ, như thế, khi bịt mặt trống mới đúng, căng và cho tiếng trống ấm.
Điểm đặc biệt làm nên chất lượng trống và âm thanh trống của ông Oanh còn ở việc ông chọn gỗ nguyên khối làm thân trống, không ghép gỗ miếng từ nhiều cây, nhiều khối với nhau. Ông chia sẻ: “Nghề của họ nhà tôi, đến đời tôi là đời thứ 4. Con cháu luôn yêu nghề của tổ tiên, quý trọng tiếng thơm tổ nghiệp gầy dựng”.
Ông Oanh năm nay mới 49 tuổi nhưng đã có tới 36 năm theo nghề làm trống. Mỗi năm ông nhận làm 30 - 40 chiếc trống, có cái giá chỉ vài trăm ngàn đồng nhưng cũng nhiều cái lên đến cả trăm triệu đồng. Năm ngoái, cái lớn nhất ông nhận làm giá lên đến 140 triệu đồng.
HOÀNG CHI - MINH NGỌC