“Nghề chơi” cũng lắm công phu
Lặn lội vượt hàng trăm cây số chỉ để “săn khoảnh khắc” trong vòng nửa tiếng đồng hồ; không ngần ngại bỏ ra tiền triệu mua trang thiết bị để chụp những bức ảnh phong cảnh đẹp hoặc chụp dưới nước… Nhiều bạn trẻ đang làm tất cả vì niềm say mê với nhiếp ảnh.
Một ngày đêm và 30 phút
Sinh ra ở Quy Nhơn, nhưng Võ Trần Đại Hải hiện đang sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Đam mê với nhiếp ảnh, đặc biệt là ảnh phong cảnh quê hương nên có khi một tháng Hải chạy về Quy Nhơn đến vài lần. Từ ruộng lúa bậc thang ở An Lão xa xôi đến những góc phố Quy Nhơn, anh đều tìm đến. Chỉ riêng những đồng lúa bậc thang ở An Lão, Đại Hải đã đi 5, 6 chuyến. Hải cho biết: “Chuyến đầu tiên tôi tìm đến An Toàn để “tìm góc”, khi đã chọn được góc máy ưng ý rồi tôi chụp một ít để về xem. Sau đó tôi nghĩ, cánh đồng này sẽ đẹp hơn khi lúa chín hoặc có sương mù. Vậy là đợi và theo dõi bản tin thời tiết để chọn thời điểm. Phải đi về nhiều lần, tôi mới chụp được những bức ảnh khi cánh đồng còn xanh, trong sương mù bảng lảng và khi chín vàng rực, giữa mùa thu hoạch”.
Có dịp đi cùng Đại Hải, người viết mới cảm nhận hết niềm đam mê của chàng trai trẻ này. Chiều thứ 6, anh lên xe từ TP Hồ Chí Minh về Quy Nhơn ghé nhà lấy xe máy, chạy thẳng lên An Toàn. 4 giờ sáng, Hải đã thức dậy vác máy móc, thiết bị leo tuốt lên núi cao để chờ bình minh lên. “Khoảnh khắc đẹp nhất của bình minh thường chỉ trong khoảng vài chục phút, lúc ấy lo mà bấm máy, chứ để thêm một tí nữa mặt trời lên cao, nắng rất gắt là hết đẹp rồi”, Hải cho hay.
Yêu thích ảnh phong cảnh không kém Đại Hải là bạn trẻ Võ Duy Việt, ở Đập Đá, An Nhơn. Để chụp được bức ảnh Quy Nhơn trong sương sớm, Duy Việt đã một mình lặn lội lên ngọn núi Vũng Chua sát đài ra-đa đến 6 chuyến. Việt chia sẻ: “Có hôm, lắp máy móc xong, ngồi đợi đã đời, mặt trời vừa ửng lên nhưng mây lại không đẹp đành ôm máy đi về. Hôm sau lại chạy từ Đập Đá lên núi chờ tiếp, “canh” đến khi có bức ảnh ưng mới thôi”.
Thông thường, để chụp được một bức ảnh phong cảnh vừa ý, người chụp ảnh phải đi “săn” vài chuyến. Vậy nhưng, có khi chỉ một lần là được ngay, giới chụp ảnh gọi là “tổ đãi”, có góc máy vừa ý, gặp lúc mây trời đẹp, thời tiết tốt. Duy Việt kể: “Có hôm đi chụp trời sét, một mình ngồi trên đồi cao trong lúc giông gió, vừa sợ vừa hồi hộp. Đến khi chụp được bức ảnh ưng ý, bao nhiêu mệt nhọc tan biến, còn thấy “sướng” đến cả tuần sau”.
Chụp mẫu và những thiết bị độc đáo
Trong nhóm nhiếp ảnh trẻ ở Bình Định, ngoài những bạn chuyên “trị” phong cảnh thì một số khác lại đi theo trường phái ảnh chân dung. Đối tượng để các tay máy trẻ này thể hiện chính là những “mẫu”, vốn là người thân, bạn bè.
Bạn Dương Thanh Huệ (Quy Nhơn) cho biết: “Thông qua trang facebook, tôi biết và nhờ nhóm các bạn trẻ chụp ảnh ở Quy Nhơn như Anh Minh, Thịnh Tôn, Nguyễn Dũng, Chế Tuấn… chụp cho mình một bộ ảnh chân dung. Không chỉ rất hài lòng, mà khi tôi “up” những bức ảnh này lên trang facebook được bạn bè “like” rất nhiều, có người còn liên hệ để được chụp”.
Phần lớn, những chuyến đi chụp ảnh chân dung như thế là “phi lợi nhuận”, các tay máy có “mẫu” để thể hiện và học hỏi nghề, ngược lại các “mẫu” có những bức ảnh đẹp để lưu niệm hoặc đưa lên facebook khoe với bạn bè. Anh Minh (Quy Nhơn) chia sẻ: “Qua những chuyến đi như thế, anh em trong nhóm có dịp trao đổi kinh nghiệm để nâng cao kỹ thuật cho ra đời những tác phẩm đẹp hơn, tốt hơn”.
Hiện nay, nhiều bạn trẻ mê nhiếp ảnh đã chi cả triệu đồng để mua dù, hắt sáng, chân máy, thiết bị chụp dưới nước… Điển hình như trường hợp Thịnh Tôn (Quy Nhơn) với thiết bị chụp dưới nước có xuất xứ từ Hàn Quốc, được mua 2 triệu đồng, đã chụp được nhiều góc ảnh khá lạ mắt. Thịnh Tôn cho biết: “Với thiết bị này, chụp cũng thấy thích, nhưng cũng lo, sợ nhất là bị rò rỉ, nước tràn vào máy ảnh. Tôi đã gặp sự cố này rồi, buồn tê tái nhưng phải chấp nhận để có ảnh lạ và độc”. Chụp ảnh dưới nước đòi hỏi người chụp phải có trang thiết bị, người làm “mẫu” cũng phải biết “diễn”, chí ít là biết bơi và kiểm soát động tác để tạo dáng trong lúc lặn xuống nước.
Dù theo trường phái ảnh phong cảnh, ảnh đời thường hay ảnh chân dung thì điểm chung của các bạn trẻ này là niềm say mê. “Đầu ra” cho những bức ảnh mà các tay máy trẻ chụp được thường là các trang mạng như facebook, vnphoto… Qua đó, họ đã góp một phần nhỏ quảng bá hình ảnh, con người Bình Định với bạn bè, có người còn bán được ảnh. Đơn cử là bức “Bình minh Eo Gió Nhơn Lý” của Phạm Lê Vương đã được một Việt kiều, vốn là người gốc Nhơn Lý, nhìn thấy qua mạng và đặt mua.
Tại triển lãm ảnh Nam Trung bộ - Tây Nguyên năm 2013 vừa qua, không ít tay máy trẻ đã mạnh dạn gửi ảnh tham gia, như Đại Hải, Thanh Huy… Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Tiến Đạt nhận xét có nhiều tác phẩm chụp tốt, vấn đề là các tay máy trẻ cần đầu tư thêm về chiều sâu cho tác phẩm. Việc có được một lực lượng trẻ như thế là tín hiệu vui, song họ cần được quan tâm định hướng để góp phần làm phong phú hơn phong trào nhiếp ảnh của tỉnh.
AN NGUYÊN
Tôi biết dân chơi ảnh, nghệ sĩ nhiếp ảnh ở Bình Định nhiều và có bề dày cống hiến, nhiều tác phẩm đạt giải cao trong nước và quốc tế, được giới nhiếp ảnh đánh giá cao. Đọc bài viết này tôi thấy tác giả thiên về một số cá nhân, một vài chuyến đi, ít thâm nhập vào làng nhiếp ảnh, chỉ thấy cây mà không thấy rừng. Phần lớn bài viết này giành ca ngợi người chụp ảnh tên Đại Hải, thực tế thì tên tuổi này nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh ở Bình Định chưa hề nghe đến. Vậy việc ca ngợi như thế có phải là mối quan hệ cá nhân với người cầm bút? Đây là một đề tài báo chí hay, nhưng PV đã dùng ngòi bút quá hời hợt, thiên vị, chủ quan và cá nhân.