Chó & người trong tình bạn ngàn năm
Ở buổi bình minh của nhân loại, con người tìm kiếm thứ gì đầu tiên trong tự nhiên? Tôi nghĩ, con người tìm bạn bè. Vì thế, chó là vật nuôi được thuần hóa, được phép có mặt ngay bên bếp lửa, dưới mái nhà của con người sớm nhất.
Nhắc đến loài vật này người ta nhắc ngay đến sự trung thành, tuân phục. Hơn 15.000 năm qua, kể từ khi làm bạn với người, loài chó chưa bao giờ thay đổi.
CHÓ PHÚ QUỐC
Ở Việt Nam, giống chó nổi tiếng nhất là chó Phú Quốc. Ngày 14.12.2008, Hiệp hội Chó giống quốc gia Việt Nam (VKC) đã chính thức đăng ký giống chó Phú Quốc với Hiệp hội Chó giống quốc tế để được thế giới công nhận. Ngày 5.7.2011, lần đầu tiên chó Phú Quốc đã được đưa sang Paris (Pháp) để tham dự FCI World dog show 2011 - Cuộc thi chó đẹp thế giới năm 2011. Tại đây, chó Phú Quốc đã đoạt giải CACS (chứng chỉ chó đẹp cấp thế giới).
Chó Phú Quốc có đặc điểm dễ phân biệt như lưng vòng xoáy chạy từ vai đến xương hông, dáng dũng mãnh. Chó Phú Quốc có 4 màu lông chính: đốm, đen, vàng và vện. Chó Phú Quốc biết đào hang để đẻ, giỏi đi săn thú, chân có màng như chân vịt và bộ lông mượt sát, bơi rất giỏi.
Đốm là chó Phú Quốc đầu tiên đoạt giải Champions của Việt Nam, sinh ngày 8.8.2006. Ảnh: HỮU THIỆN
Trong sách “Nguyễn Phúc tộc đế phả tường giải đồ”, cuốn sách gia truyền ghi chép và lý giải tất cả những chuyện liên quan đến hoàng tộc Nguyễn Gia Miêu, có ghi rõ về chuyện 4 con chó Phú Quốc nhiều lần bảo vệ vua Gia Long trên đường bôn tẩu. Sau khi lên ngôi, khi bình công phong thưởng cho tướng sĩ, vua Gia Long không quên sắc phong cho 4 chú chó này, chúng có danh hiệu “Cứu khổ phò nguy Tá quốc huân thần Thần khuyển đại tướng quân”. Đến khi 4 con chó qua đời, ông đã cho an táng và lập miếu thờ trọng thể.
KHI LOÀI CHÓ ĐI VÀO NGHỆ THUẬT
Trên thế giới có hàng trăm giống chó nổi tiếng, được chia thành nhiều dòng khác nhau, như: chó bảo vệ (Berger, Doberman, Rottweiler…), chó cảnh (Chihuahua, Dachshund, Fox Terrier…), chó kéo xe (Alaska, Husky…)…Chó gắn bó với đời sống con người, bởi thế không có gì lạ khi trong tất cả các ngành nghệ thuật mà con người từng nghĩ ra - hội họa, điêu khắc, điện ảnh và đặc biệt là trong văn học… chó là loài vật chiếm vị trí trang trọng.
Nếu bạn đang đọc những gì tôi viết đây, tin chắc bạn đã từng nghe qua, từng đọc một trong những tác phẩm này: Tiếng gọi nơi hoang dã - Jack London, Marley và tôi - John Grogan, Chó hoang Dingo - Ruvim Fraerman… Và chắc rằng bạn cũng không thể quên Con Bim trắng tai đen của Gavriil Troyepolsky. Tiểu thuyết Con Bim trắng tai đen được xem là một sự kiện văn học của thế kỷ XX. Một con chó tinh khôn, trung thành và tận tụy với chủ - được Gavriil Troyepolsky khắc họa sinh động với đời sống nội tâm tinh tế, đã chinh phục người đọc.
Xác Hachiko hiện đang được nhồi bông và bảo quản tại Bảo tàng Quốc gia về Thiên nhiên và Khoa học Nhật Bản.
TÌNH BẠN NGÀN NĂM
Chuyện viết về những con chó kể trên là tác phẩm của văn chương. Nhưng trong thực tế đời sống, không thiếu những câu chuyện đẹp về loài chó. Chuyện về chú Hachiko - một chú chó thuộc giống Akita, ngày nay đã nổi tiếng khắp thế giới là một ví dụ.
Mỗi sáng, chó Hachiko theo chủ - GS Hidesaburo Ueno (Khoa Nông nghiệp, Trường ĐH Tokyo) ra ga Shibuya (TP Odate, tỉnh Akita), tiễn ông lên tàu tới Tokyo làm việc. Và mỗi chiều, nó lại ngồi trên sân ga chờ đón chủ, rồi cùng ông về nhà. Cứ như vậy đến tháng 5.1925, giáo sư Ueno đột quỵ và chết tại nơi làm việc. Cho đến khi Hachiko chết - 9 năm 9 tháng và 15 ngày tính từ ngày giáo sư Ueno qua đời - ngày ngày con chó vẫn tới nhà ga để chờ đón ông chủ. Lòng trung thành và niềm hy vọng của Hachiko gây ấn tượng mạnh cho người Nhật. Để ngợi ca chó Hachiko, tháng 4.1934, Hội đồng TP Odate đã đồng ý cho dựng tượng đồng Hachiko - tác phẩm của nhà điêu khắc nổi tiếng Nhật Bản Ando Teru - tại nhà ga ở Shibuya, ngay khi con chó còn sống. Xác Hachiko đã được nhồi bông và bảo quản tại Bảo tàng Quốc gia về Thiên nhiên và Khoa học Nhật Bản thuộc quận Ueno, Tokyo.
Chó Phú Quốc tại Trang trại nghiên cứu, huấn luyện, bảo tồn chó Phú Quốc Trần Mạnh tại TP Hồ Chí Minh.
Về sau câu chuyện này được đạo diễn Lasse Hallström dựng thành bộ phim ăn khách “Hachiko: A Dog’s Story” với sự tham gia của nhiều diễn viên nổi tiếng: Richard Gere, Joan Allen, Cary-Hiroyuki Tagawa.
Tôi thích nuôi chó và nhiều người quen của tôi cũng có sở thích này. Ông Nguyễn Văn Hải, một người nuôi chó sinh sản khá nổi tiếng ở TX An Nhơn, tâm sự với tôi: Nuôi con gì cũng vậy, hễ mình thương nó thì nhất định nó sẽ thương lại mình. Nuôi dạy chó có cả trăm cách thức, phương pháp, nhưng tôi cho rằng nguyên tắc đầu tiên và xuyên suốt là phải thương nó.
Tượng đồng Hachiko - tác phẩm của nhà điêu khắc nổi tiếng Nhật Bản Ando Teru - được dựng vào tháng 4.1934 tại nhà ga ở Shibuya.
Tôi có nuôi một con chó nhỏ, giống chó cỏ, tên Shin. Con gái tôi hay cho con chó ăn, mỗi lần cho ăn lại cưng nựng gọi tên âu yếm. Đáp lại, con chó cũng có cách bày tỏ tình cảm đặc biệt với cháu bé. Một tối nọ, con Shin đột nhiên xoắn xuýt, cứ rên ư ử trong họng, dáng vẻ đầy lo lắng… Nó như muốn bứt xích bương cầu thang, chạy lên lầu. Lấy làm lạ, tôi lọ dọ lên xem sao. Té ra con gái tôi đeo ear-phone nghe nhạc, cháu hát ngâm nga nhỏ nhỏ trong miệng, ở tầng trệt phải lắng tai mới nghe thấy. Nhưng con Shin thì nghe rất rõ, có lẽ nó cho rằng cô chủ của nó đang gặp nguy hiểm nên vội vã báo động. Nghe tôi giải thích và sau đó nghe rõ giọng vui vẻ của cô chủ, con Shin trở lại bình thường. Chỉ một chi tiết nhỏ thôi, nhưng đã chứng tỏ, hàng ngàn năm đã qua kể từ khi làm bạn với người, loài chó thật sự chưa bao giờ thay đổi, chúng luôn quan tâm tới chủ, trung thành và tận tụy.
Theo tập tính của chủng loài, một con chó vẫy đuôi là nó đang cười và tỏ ý thân thiện, chào đón. Sau một ngày làm việc vất vả, con vật cưng chạy ra ngõ đón bạn, vẫy đuôi, kêu lên mừng rỡ, đó là một niềm vui nho nhỏ. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để nhân loại duy trì tình bạn ngàn năm với loài vật này.
ĐÔNG A