Năm Tuất kể chuyện chó nghiệp vụ
Chứng kiến các chú chó nghiệp vụ luyện tập, tôi hiểu rằng mỗi chú có năng lực nghề nghiệp khác nhau nhưng chú nào cũng như một “người lính” thiện chiến, hỗ trợ đắc lực công tác giữ gìn an ninh trật tự và phòng chống tội phạm.
16 giờ. Tại phòng cảnh sát cơ động CA tỉnh. 5 chú chó nghiệp vụ cùng các huấn luyện viên đang trong tư thế sẵn sàng cho những bài tập về sự tinh nhạy trong đánh hơi và truy tìm vật chứng. Những chú chó được đưa ra sân hôm ấy có những cái tên rất kêu: Hunter, Rox, Gold, Rex... Tất cả đều thuộc giống Berger và Rotweiler, mang từ nước ngoài về. Con nào con nấy trông rất dũng mãnh.
Gold – chiến binh truy tìm thuốc nổ.
Đúng như tên gọi của mình, Hunter thực hiện nhanh chóng và chính xác các yêu cầu của huấn luyện viên. Hunter đã “tốt nghiệp” chuyên khoa bảo vệ, truy tìm dấu vết hơi. Lúc mới về với đội, chú tỏ ra bướng bỉnh, không chịu nghe lời: “Mới đầu, thấy Hunter cao lớn, luôn gầm gừ rồi nhe hàm răng sắc nhọn đe dọa, tôi cảm thấy “khó nhằn”. Nhưng sau một thời gian gắn bó, Hunter tỏ ra rất tình cảm”, thiếu úy Nguyễn Tùng Khánh nhớ lại. Gần 2 năm gắn bó, thiếu úy Khánh xem Hunter như người bạn thân. Mỗi khi anh đi công tác lâu ngày, Hunter cứ lẩn quẩn trong chuồng, thấy anh về, nó chạy xồ tới quấn quýt không rời.
Được huấn luyện viên vuốt ve, âu yếm khi vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ đánh hơi, Gold - chiến binh của truy tìm thuốc nổ- liền lăn ra giữa sân một cách đầy sảng khoái. Thiếu úy Lê Quốc Hưng, huấn luyện viên của Gold, chia sẻ: “Để huấn luyện cảnh khuyển, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, huấn luyện viên phải có tình yêu nghề, yêu chó nghiệp vụ. Vừa là thầy cũng vừa là bạn với nó”.
Ngày ngày, sau giờ tập luyện, huấn luyện viên thường thể hiện sự quan tâm, tình cảm của mình với những chú chó nghiệp vụ bằng các thao tác: vệ sinh chuồng trại, dắt đi dạo chơi hoặc thưởng món ăn mà “học trò” ưa thích. Rồi những khi “bạn cưng” bị ốm, các huấn luyện viên cũng buồn bã cả ngày. Thiếu úy Khánh vẫn nhớ thời gian đầu tiếp cận với Hunter, anh phải trét xúc xích khắp người để gần gũi, thân hòa, thế nhưng khi vừa đưa tay xoa đầu chó, Khánh đã bị ngoặm đến nứt xương cổ tay…
Một bài tập của chó nghiệp vụ.
Trò chuyện với các huấn luyện viên, tôi hiểu thêm, bên cạnh sự say nghề, yêu thương chó nghiệp vụ, còn phải có lòng dũng cảm, sức khỏe tốt. Bởi lẽ, trong quá trình huấn luyện chó, tai nạn nghề nghiệp xảy ra là điều khó tránh. Kéo ống tay áo lên cho tôi thấy vết sẹo lớn và chi chít các vết sẹo nhỏ trên người, thượng sĩ La Xuân Trường giải thích, trong nhiều lần đóng giả “đối tượng” bị chó tấn công, dù đã quấn thiết bị bảo hộ ở tay nhưng khi tấn công thì chó lại cắn vào các vị trí khác. Vậy nên, nhẹ thì trầy da, nặng thì rách thịt, để lại sẹo vĩnh viễn…
Chó nghiệp vụ có mặt ở tỉnh ta chưa lâu, cũng chưa có nhiều cơ hội để tham gia vào các chuyên án lớn. Nhưng những gì các “chiến sĩ” này đang làm, góp phần không nhỏ vào nhiệm vụ giữ gìn ANTT ở tỉnh nhà. Tại Tuần lễ cấp cao APEC được tổ chức tại Đà Nẵng đầu tháng 11.2017, trong số hơn chục cảnh khuyển của cả nước tề tựu về thực hiện nhiệm vụ an ninh cho tuần lễ, Bình Định có 2 “chiến sĩ” góp mặt và được đánh giá rất cao khi thực hiện xuất sắc nhiệm vụ, cùng các lực lượng khác góp phần vào sự thành công của sự kiện trên.
Thượng tá Phạm Văn Khánh, Trưởng phòng Cảnh sát cơ động CA tỉnh, cho biết: “Để những chú chó nghiệp vụ trở thành những chiến binh đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ tuần tra canh gác, bảo vệ mục tiêu, phát hiện tang chứng, vật chứng, mùi... đòi hỏi phải có một quá trình huấn luyện bài bản, kiên trì, tốn nhiều thời gian và công sức”.
KIỀU ANH