Để giảm khiếu kiện liên quan đến đất đai:
Đưa pháp luật đến gần dân và cán bộ cơ sở hơn
Theo thống kê, hơn 53% các vụ khiếu kiện trong tỉnh liên quan đất đai, bồi thường giải tỏa. Không những vậy, các thắc mắc, tranh chấp của người dân liên quan đến lĩnh vực này ngày một tăng. Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân và cán bộ cơ sở là một trong những giải pháp hạn chế tình trạng trên.
Từ những câu chuyện trợ giúp pháp lý
Trong quá trình trực tiếp thực hiện trợ giúp pháp lý lưu động và tư vấn nhiều vụ việc, ông Lê Thành Sơn, Trưởng Phòng Lao động - xã hội thuộc Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) nhà nước tỉnh, nhận xét, rất nhiều người dân thắc mắc về các trình tự, thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và những tranh chấp quyền sử dụng đất giữa các hộ liền kề hoặc với họ hàng, anh em trong khi họ chưa có GCNQSDĐ. Mà, theo nguyên tắc, thì nếu đất chưa được cấp GCNQSDĐ thì cơ quan chức năng khó có cơ sở để giải quyết.
Mặt khác, tình trạng tranh chấp mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo kiểu viết tay cũng thường xuyên xảy ra. Khi phát sinh tranh chấp, khiếu kiện thì cơ quan chức năng khó có cơ sở để giải quyết. Như, vụ tranh chấp của 24 hộ dân thuộc thôn Huỳnh Giản Bắc, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp (bằng giấy viết tay) cho các hộ khác. Khi đất này nằm trong diện được đền bù giải tỏa thì phát sinh khiếu kiện giữa một bên là người được nhà nước giao đất hợp pháp và một bên là người đang sử dụng, canh tác trên mảnh đất này. Cơ quan chức năng cũng lúng túng trong việc phân định bên nào được nhận tiền đền bù. Cho đến nay, vụ việc vẫn chưa ngả ngũ.
Cũng theo ông Sơn, khi đất đai ngày một có giá thì tình trạng tranh chấp quyền thừa kế đất đai ở nông thôn cũng như thành thị xảy ra rất nhiều. Điển hình nhất là trường hợp đất đai do cha mẹ tạo lập, khi chết không để lại di chúc; khi hết thời hiệu khởi kiện chia thừa kế (quá 10 năm kể từ ngày cha, mẹ chết), người đang trực tiếp quản lý di sản đề nghị cấp GCNQSDĐ cho mình thì bị anh chị em về ngăn cản, không cho làm và khởi kiện ra tòa án. Tòa yêu cầu cần có đơn khởi kiện nhưng phải thỏa mãn hai điều kiện: có văn bản thừa nhận di sản của người chết để lại chưa chia và không có sự tranh chấp về thừa kế. Tuy nhiên, đến lúc này thì người trực tiếp quản lý, sử dụng di sản không đồng ý vì cho rằng đất đó là của mình. “Nhiều trường hợp rơi vào vòng lẩn quẩn như vậy, đến nhờ chúng tôi tư vấn, nhưng thực sự rất khó giải quyết”, ông Sơn nhận định.
Phổ biến giáo dục pháp luật: cần cho dân và cả cán bộ cơ sở
Từ tháng 10.2012 đến hết tháng 8.2013, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh đã thực hiện được 2.917 vụ, việc trợ giúp pháp lý, gồm: tư vấn 2.671 vụ, tham gia tố tụng 236 vụ, đại diện ngoài tố tụng 5 vụ, hòa giải và các vụ việc khác 5 vụ. Trong số này, các vụ việc liên quan đến đất đai chiếm số lượng lớn.
Ông Huỳnh Văn Chưa, Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh, phân tích: Hiện nay trình độ nhận thức của người dân về luật pháp còn hạn chế, trong khi một số cán bộ ở cơ sở vì chưa nắm vững các quy định về luật pháp nói chung và Luật Đất đai nói riêng, nên giải thích cho bà con thiếu cặn kẽ, nhất là trong các dự án liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng, khiến người dân hiểu lầm hoặc hiểu không đúng bản chất sự việc. Ngoài ra, cũng có trường hợp người dân tuy được giao đất nhưng đất lại chưa “sạch” (đất còn vướng tranh chấp, thi hành án đã xong nhưng bị tái chiếm… -PV) dẫn đến khiếu kiện, thắc mắc. “Để tránh khiếu kiện đất đai, trước hết cần tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân và cán bộ cơ sở cấp dưới, đặc biệt là ở những nơi có thực hiện các dự án, có đền bù giải phóng mặt bằng, để họ hiểu đúng và thực hiện cho trúng. Nếu làm được điều này, thì các thắc mắc, khiếu kiện đến đất đai chắc chắn sẽ giảm”, ông Chưa khẳng định.
Nói về nhu cầu tư vấn pháp luật về đất đai của người dân ở địa phương mình, ông Lê Thành Việt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Thành, huyện Tuy Phước, cũng cho biết: “Nhu cầu được tư vấn pháp luật, đặc biệt các vấn đề liên quan đến đất đai của người dân nông thôn hiện rất lớn. Khi xã Phước Thành thông báo có tổ chức buổi tư vấn pháp luật, nhiều người sẵn sàng bỏ một buổi làm để đi nghe hoặc nhờ tư vấn. Theo tôi, các cơ quan chức năng cần tăng cường các buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là về Luật Đất đai, trình tự thủ tục xin cấp GCNQSDĐ, các thủ tục ly hôn, phân chia tài sản khi ly hôn… để người dân hiểu rõ, từ đó hạn chế tranh chấp, khiếu kiện”.
THU HÀ