Nỗi khắc khoải và hy vọng của nhân loại
Văn chương là kết tinh của cuộc sống, là cuộc sống khúc xạ vào trang viết. Nếu bạn tin vào điều đó và cùng nhau lần giở những trang văn nhiều người đọc, sẽ thấy nhân loại đang khắc khoải, đầy âu lo.
Nụ hôn. Tranh của GUSTAV KLIMT
NIỀM KHẮC KHOẢI CỦA CON NGƯỜI
Giải thưởng Nobel Văn học 2017 đã được Viện Hàn lâm Thụy Điển trao cho Kazuo Ishiguro, nhà văn Anh gốc Nhật. Sara Danius - Thư ký Viện Hàn lâm Thụy Điển - miêu tả văn chương của Kazuo Ishiguro có tính toàn mỹ, là sự kết hợp của Jane Austen, Franz Kafka và Marcel Proust. “Bằng những cảm xúc dạt dào, văn chương của ông đánh thức góc sâu thẳm, huyền bí trong chúng ta về mối liên hệ với thế giới”, Sara Danius đánh giá.
Tác phẩm của Kazuo Ishiguro được dịch sang tiếng Việt khá nhiều và sớm. Điểm nổi bật trong văn chương của Kazuo Ishiguro là ông cảnh báo sự tha hóa của con người, tính ích kỷ và sự bào mòn của tình nhân loại, mà tiểu thuyết Mãi đừng xa tôi (Trần Tiễn Cao Đăng dịch, NXB Văn Học ấn hành) là câu chuyện điển hình.
Trong mấy năm gần đây, tại nhiều diễn đàn, nhiều cuộc thảo luận câu chuyện “nỗi cô độc của nhân loại” thường được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Trong danh sách các ứng viên Nobel văn chương những năm qua, điểm nổi trội chung trong tác phẩm của họ là nỗi cô đơn, niềm khắc khoải đầy âu lo của con người. Năm 2015, Viện Hàn lâm Thụy Điển trao giải Nobel Văn chương cho Svetlana Alexievich “để tôn vinh những dòng văn phức điệu của bà. Văn của bà là tượng đài tri ân sự đau khổ và lòng dũng cảm trong thời đại chúng ta. Những dòng văn phi thường giúp nhân loại hiểu biết sâu sắc hơn về cả một thời đại của thế giới - thời đại Liên bang Xô Viết”. Nếu đọc tác phẩm của Patrick Modiano - người được trao giải Nobel Văn chương 2014, hoặc các ứng viên như Philip Roth, Carol Oates, Haruki Murakami… bạn cũng sẽ nhận ra nỗi âu lo, niềm khắc khoải của con người.
Trở lại một chút với tiểu thuyết Mãi đừng xa tôi. Truyện kể về Hailsham, một ngôi trường nội trú chuyên nuôi dạy những đứa trẻ vốn là bản sao vô tính, để khi đến tuổi trưởng thành, nội tạng của họ sẽ trở thành nguyên liệu ghép cho các bệnh nhân có nhu cầu. Nói một cách trần trụi họ trở thành người nguyên liệu - vật cung cấp tạng. Kathy, Ruth và Tommy là học sinh của trường Hailsham. Dù là “người nguyên liệu”, họ vẫn khát khao sống, ao ước được trải nghiệm cảm giác làm người.
Mãi đừng xa tôi là chuyện khoa học giả tưởng nhưng xét về tính khả thi của tiến bộ y khoa, nó không hẳn xa. Tuy nhiên, xét về mặt đạo đức, như thế là phi nhân tính. Nhân tính hình thành trong con người, nhờ chính con người nuôi dưỡng trong hàng triệu năm mà thành. Nhưng nó sẽ nhanh chóng mất đi khi Con Người lãng quên nó.
Nhưng như thế nào thì đáng gọi là lãng quên? Có hàng chục hàng trăm “Hailsham” ở quanh ta, hiện diện ở ngay trong ta với những mầm mống ích kỷ và tàn nhẫn của bản năng. Chúng được chế ngự bởi trầm tích của hàng triệu năm văn minh. Nhưng ở Mãi đừng xa tôi, sự bàng quan của xã hội khiến cái ác có cơ hội trỗi dậy.
TỪ CUỘC SỐNG ĐẾN TRANG VĂN
Mươi năm trước, người ta say mê với internet do khả năng xóa nhòa không gian địa lý và chừng mực nào đó còn là chênh lệch thời gian. Người ta có cảm giác mỗi ngày dường như có nhiều hơn 24 giờ. Những bài tụng ca net vang lên đến mọi ngóc ngách đời sống. Sự đan xen giữa khả năng phát triển phần cứng - phần mềm khiến tốc độ - cường độ sống của con người càng ngày càng quay nhanh hơn, được nén mạnh hơn. Người ta nói nhiều đến khái niệm “thế giới là một ngôi làng nhỏ” với ý nghĩ mặc định, khi cùng ở trong một ngôi làng nhỏ, nhân loại sẽ dễ dàng trò chuyện và trò chuyện với nhau nhiều hơn. Nhưng thực tế không hẳn vậy.
Khi máy tính bảng, điện thoại thông minh xuất hiện ngày càng phổ biến trong túi xách của con người, nhất là các bạn trẻ, điều kỳ lạ là dường như không mấy ai còn thời gian để định hướng cuộc sống một cách tỉnh táo nữa. Phần đông đều ang áng chừng mục tiêu phía trước và chạy tới thật nhanh dù đôi khi cũng chẳng biết nhanh đến thế để làm gì. Và người ta trò chuyện trong thế giới ảo nhiều hơn là tâm sự với nhau ngay trong thế giới thực.
Trong thế giới đa chiều, có vẻ cũng đưa nhiều người rời xa bản ngã, lẫn lộn giữa mình với những thế thân, thậm chí đôi khi còn quên mình là ai. Con người ngày càng dễ bị cuốn vào trong vòng xoáy công nghệ, bị tách ra, chẻ nhỏ ra, dát thành những phiến mỏng, chuốt thành cọng nhỏ và khi đó, con người trở nên mong manh, dễ bị tổn thương, dễ vỡ.
GÌN GIỮ NHỮNG GIÁ TRỊ CỐT LÕI BỀN VỮNG
Nhiều năm trước, tôi đọc được ở đâu đó rằng tương lai nhân loại thuộc về những kẻ giàu trí tưởng tượng, những kẻ biết hài hước và hồn nhiên. Những kẻ ấy sẽ thống trị.
Chừng 2 năm gần đây, cùng với khái niệm máy tính lượng tử, trí tuệ nhân tạo - AI, một mặt khiến nhiều nhà khoa học hồ hởi, mặt khác lại khiến nỗi âu lo về tương lai nhân loại có thêm những cơ sở mới. Cảnh báo về sự thống trị của máy móc không chỉ có trong văn chương mà đã thành những cuộc thảo luận, tranh luận nghiêm túc, cả điều này cũng đã xuất hiện trên nhiều tác phẩm, mà nhanh nhất có lẽ là những tác phẩm điện ảnh.
Con người đang tự mình đưa mình vào vòng trói buộc của cô đơn. Không ai có thể làm giúp con người trừ con người phải tự làm lấy, bắt đầu từ việc bớt ích kỷ. Có lẽ tác giả gióng lên những hồi chuông đầu tiên, được nhiều người lắng nghe, thú vị thay lại là một tiểu thuyết gia viễn tưởng - Michael Crichton với những tác phẩm như Thế giới nghịch, Dòng thời gian… Chính những cảnh báo như thế lại lấp lánh lên những niềm hy vọng.
Gìn giữ những giá trị cốt lõi bền vững của con người như: tính thiện lương, lòng tốt và đức hy sinh là cách để nhân loại đi tiếp trên hành trình của mình.
BÁ PHÙNG