Chớ để “tiền mất, tật mang”
Chỉ còn hơn mười ngày nữa là Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Từ nay đến lúc đón giao thừa Mậu Tuất cũng là cao điểm mua sắm tết của đông đảo người tiêu dùng. Thị trường “bùng nổ” mua sắm cũng là cơ hội để cho các loại hàng hóa không đảm bảo chất lượng lợi dụng len lỏi, thâm nhập vào thị trường. Chính vì vậy, trong dịp này các ngành chức năng phối hợp với chính quyền các địa phương trong tỉnh ráo riết triển khai kế hoạch bình ổn giá và đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra hàng hóa bày bán trên thị trường. Đây là công tác hết sức quan trọng để bảo đảm đủ số lượng, chủng loại hàng hóa đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng trong dịp sắp tới.
Trong các loại hàng hóa thiết yếu tiêu dùng trong dịp tết thì thực phẩm là mặt hàng tiêu thụ với khối lượng lớn nhất, cũng là mặt hàng có nguy cơ cao về an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, người tiêu dùng hết sức quan tâm đến việc có các loại thực phẩm tươi, ngon, đảm bảo vệ sinh được gói gọn trong một chữ “sạch”. Tuy nhiên, việc đảm bảo hàng sạch cho các mặt hàng thực phẩm không hề dễ dàng, nếu không nói là gian nan, khi mà thông tin về thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc bày bán trên thị trường bị phát hiện vẫn thường xuyên được báo đài nhắc đến hàng ngày. Nhất là khi các thông tin về thịt heo chứa chất cấm, cá ướp urê, rau quả tồn dư thuốc trừ sâu… đã và đang khiến việc chọn mua thực phẩm cho bữa ăn mỗi ngày là một thách thức không nhỏ cho người nội trợ của mỗi gia đình.
Trong số các loại hàng hóa kém chất lượng được đưa ra thị trường vào dịp tết, đáng quan ngại nhất vẫn là các loại thực phẩm chế biến. Hàng thực phẩm chế biến giả nhãn mác, màu sắc bắt mắt nhưng chất lượng không tốt cho sức khỏe, bao bì đẹp nhưng hàng hóa không đúng như thông tin ghi trên bao bì sản phẩm, hàng quá hạn sử dụng bị cạo sửa hoặc dán đè nhãn mác… có thể đánh lừa được không ít người tiêu dùng. Do đa số trường hợp mắc phải có giá trị món hàng thấp nên người tiêu dùng không khiếu nại, hoặc có khiếu nại thì cũng chỉ mất thời gian, tốn công sức mà chưa chắc đã được đền bù.
Vì vậy, để giúp người tiêu dùng tránh mua nhầm hàng giả, hàng kém chất lượng, các cơ quan chức năng cần huy động lực lượng vào cuộc nhằm bảo đảm vừa bình ổn giá cả thị trường, vừa bảo vệ tốt nhất cho các bữa ăn ngày tết của người dân trong dịp tết này. Đồng thời, cũng cần nhấn mạnh quyết định của người tiêu dùng vẫn là yếu tố quyết định để tránh tình trạng “tiền mất, tật mang”. Cụ thể là người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác, chọn lựa kỹ món hàng trước khi mua.
H.Đ