TĂNG CƯỜNG XÉT XỬ CÁC VỤ TRỘM CẮP TÀI SẢN:
Góp phần ngăn ngừa tội phạm
Theo đánh giá của ngành chức năng, trong tổng số các vụ phạm pháp hình sự, tội trộm cắp tài sản luôn chiếm tỉ lệ cao, khoảng 50%. Nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác với loại tội phạm này, các cơ quan tiến hành tố tụng đã chú trọng điều tra và xét xử nghiêm minh, góp phần ngăn ngừa tội phạm.
Án nặng cho một thủ đoạn
8 năm tù giam là bản án mà TAND TP Quy Nhơn tuyên đối với bị cáo Bùi Minh Hóa (SN 1970, phường Bùi Thị Xuân) vì tội trộm cắp tài sản. Trước đó không lâu, TAND tỉnh cũng đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử và tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Văn Kế (SN 1988, tỉnh Ninh Bình) 13 năm tù giam và Nguyễn Đắc Lộc (SN 1972, TP Đà Nẵng) 14 năm tù giam về tội trộm cắp tài sản. Điều đáng nói trong vụ án này, là Kế và Lộc đã quen biết và bàn bạc đi trộm từ khi còn đang chấp hành án phạt tù tại Trại giam Gia Trung (tỉnh Gia Lai). Bằng việc sử dụng ô tô đi thăm dò các nhà vắng chủ, thấy thời cơ phù hợp thì dùng búa tạ, báy nhổ đinh, mũi đục… phá khóa đột nhập vào nhà lấy tài sản; chủ yếu là tiền, vàng và trang sức. Lộc và Kế đã cùng nhau thực hiện 3 vụ trộm cắp tài sản tại địa bàn TP Quy Nhơn, tổng giá trị tài sản gần 564 triệu đồng. Ngoài ra, chúng còn thực hiện 11 vụ trộm cắp tài sản trên địa bàn TP Đồng Hới (Quảng Bình); 5 vụ tại TP Đông Hà (Quảng Trị) với tổng giá trị tài sản gần 3,3 tỉ đồng.
Qua khám nghiệm hiện trường, cũng như khai nhận của bị cáo và bị hại, điểm chung của các vụ trộm cắp tài sản là bọn tội phạm lợi dụng chủ nhà khóa cửa đi vắng đã dùng dụng cụ cạy phá cửa bên hông nhà hoặc phía sau nhà, đột nhập vào bên trong tiếp tục cạy tủ, phá két sắt để trộm cắp. Có khi, chúng tận dụng sự hớ hênh của bị hại mà ra tay trộm cắp tài sản. Bị cáo Nguyễn Văn Dũng (SN 1974, TP Quy Nhơn) khai nhận tại phiên tòa xét xử sơ thẩm được tổ chức vào cuối tháng 1.2018 rằng: “Lúc đó chỉ đi công việc nhưng thấy nhà bị hại không khóa cửa, lại vắng người nên mới nảy sinh ý định trộm. Sau khi lấy trộm thành công thì tiếp tục lẻn qua nhà bên cạnh trộm vì thời cơ quá thuận lợi”.
Tăng cường nhiều giải pháp
Theo thống kê của ngành chức năng, năm 2017 toàn tỉnh xảy ra 498 vụ phạm pháp hình sự, trong đó có đến 256 vụ trộm cắp tài sản. So với cùng kỳ, tội phạm này giảm 81 vụ (24%) song vẫn chiếm tỉ lệ cao trong cơ cấu tội phạm. Tại phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Văn Dũng (SN 1974, TP Quy Nhơn) từng có 2 tiền án về tội trộm cắp tài sản, chưa được xóa án tích lại tiếp tục phạm tội và vừa bị TAND TP Quy Nhơn tuyên mức án 2 năm tù giam, vị chủ tọa nói: “Có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có thể kể đến một bộ phận thanh niên không chịu khó học tập, lười lao động nên lợi dụng sơ hở của người khác lén lấy trộm tài sản nhằm bán lấy tiền tiêu xài cá nhân. Để kéo giảm tình trạng trộm cắp tài sản cần sớm có giải pháp căn bản, trước mắt và lâu dài để ngăn chặn hiệu quả, nhằm giữ vững an ninh trật tự ở địa phương”.
Là người nhiều lần tham gia bào chữa cho các bị cáo chưa thành niên phạm tội trộm cắp tài sản, ông Huỳnh Văn Chưa, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh, cho rằng, việc nhiều gia đình, phụ huynh do mải làm ăn, thiếu sự quan tâm, giáo dục con cái cũng chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều thanh niên phạm tội trộm cắp và vướng vòng lao lý. Do vậy, để ngăn chặn tình trạng trộm cắp tài sản, ngoài việc thực hiện có hiệu quả đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm của lực lượng công an thì chính quyền địa phương cần rà soát, lên danh sách để kiểm soát các đối tượng có biểu hiện trộm cắp tài sản, chứa chấp, tiêu thụ tài sản trộm cắp; làm tốt công tác quản lý, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư để giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng phát sinh tội phạm mới.
KIỀU ANH