Chắp cánh cho Ước mơ da cam...
Thành lập một nơi nâng đỡ tinh thần cho những đứa trẻ khuyết tật do nghi nhiễm chất độc da cam liệu có cần thiết? Câu trả lời hiển hiện ở nụ cười của trẻ, ánh mắt phụ huynh, sự nỗ lực của những người thành lập Dự án và các tình nguyện viên. Cứ nhìn vào nơi mang tên là lớp học Ước mơ ấy, mọi nghi ngại đã tan biến, chỉ còn lại niềm vui, sẻ chia.
Ðã 5 năm kể từ thời điểm lớp Ước mơ (thuộc Dự án phát triển kỹ năng giao tiếp, ý thức tự chủ của trẻ nhiễm và nghi nhiễm chất độc da cam - gọi chung là Dự án lớp học Ước mơ) đầu tiên thành lập, đến nay, huyện Phù Cát đã có 3 lớp Ước mơ cho trẻ da cam.
Học trò lớp Ước mơ 1 bày tỏ cảm xúc yêu thương với cô giáo Trường Tiểu học số 2 Cát Trinh.
MỘT NƠI DÀNH CHO EM
Lê Anh Xuân (15 tuổi, ở thôn Phú Nhơn, xã Cát Trinh), thành viên của lớp Ước mơ 1, từng tâm sự: “Có những bông hoa dù không đẹp, nhưng những bông hoa đó vẫn có quyền được sống, tỏa hương sắc theo cách của riêng mình”. Câu nói của cậu bé xương thủy tinh, chưa từng một lần được đi học, làm những người trưởng thành phải suy ngẫm.
Ước mơ nhà văn của Xuân “xương thủy tinh”
Giữa tháng 3.2017, tác phẩm đầu tay của Lê Anh Xuân (thôn Phú Nhơn, xã Cát Trinh) Biệt đội AHHV được xuất bản. Nhiều bạn đọc ngỡ ngàng khi biết tác giả là một cậu bé 15 tuổi mắc bệnh xương thủy tinh và chưa bao giờ đi học.
Và rồi, trong một lần về thăm Xuân, GS Umegaki và các tình nguyện viên đã tìm thấy Biệt đội AHHV trong một cuốn sổ nhỏ với câu chữ chỉn chu, hóm hỉnh, có chương, có phụ lục, hình vẽ. Rất nhiều những người yêu quý giấc mơ trở thành nhà văn của Xuân, yêu quý lớp học Ước mơ đã tham gia vào việc xuất bản sách. Phần hai của Biệt đội AHHV đã hoàn thành. Một số truyện ngắn khác cũng ra đời trên chiếc giường quen thuộc.
GS Michio Umegaki (Trường ĐH Keio, Nhật Bản), “cha đẻ” của Dự án lớp học Ước mơ, từng chia sẻ với tôi rằng: Những vấn đề liên quan đến sức khỏe của các em không thể giải quyết được; nhưng giúp các em sống một cách khác đi thì hoàn toàn có thể. Đơn giản là bước ra ngoài vòng tròn kín của gia đình, có thêm nhiều bạn, làm những điều có ý nghĩa. Và xa xôi hơn là có thể phát huy khả năng của mình. Lớp học Ước mơ ra đời vì lẽ đó. Ở lớp, em được chơi, được tô vẽ, được làm toán, được hát múa... Hơn hết là em được chào đón, được ôm ấp, được la rầy, khuyên nhủ, dặn dò, uốn nắn... như bao học sinh bình thường.
5 năm qua, Trần Thị Phương Mai (19 tuổi, ở thôn Phong An, xã Cát Trinh), không nghỉ học một bữa nào, dù mưa gió, bệnh tật. Những bước chân xiêu vẹo, nghiêng ngả trên đường làng và sự kiên định, tha thiết của Mai với lớp học làm những người hàng xóm thương cảm, cho em quá giang mỗi khi thuận tiện.
“Mai từng học đến lớp 3 với các bạn bình thường nhưng rồi phải nghỉ vì không đủ điều kiện theo lớp. Người ta từng chỉ tôi đưa con xuống Quy Nhơn học trường chuyên biệt. Nhưng nhà chỉ có hai mẹ con, tôi lại bị ảnh hưởng chất độc hóa học. Cho đến khi lớp học Ước mơ 1 mở ra thì cháu mới được đến lớp”, bà Trần Thị Hương (57 tuổi), mẹ Mai, nói thay lời con.
CÙNG CHUNG VUI
TS Vũ Lê Thảo Chi, Khoa Truyền thông và Quản trị, Trường ĐH Keio, thành viên Dự án, chia sẻ: "Mối thâm tình với các em nhỏ và gia đình, với các thầy cô là điều chúng tôi muốn duy trì. Chúng tôi muốn mọi người khi nghĩ lớp học Ước mơ là nơi để “cùng chung vui”. Thầy cô vui cùng các em. Các em vui với thầy cô, bạn bè. Phải vui, phải thích thì mới duy trì lâu dài được”.
Bắt đầu từ niềm vui chung bình dị mà lớn lao ấy, nhiều lứa sinh viên Trường ĐH Keio và vị giáo sư đã 70 tuổi đi đi về về giữa Bình Định và Nhật Bản mỗi năm 2 lần. Mỗi lần như vậy, ngoài thăm lớp Ước mơ, trao đổi về các dự định mới cho lớp với tình nguyện viên, họ còn dành thời gian để đi thăm từ 2 đến 3 gia đình học viên các lớp học Ước mơ.
Sự nhiệt thành của những người đang cư trú ở nơi xa xôi làm các thầy cô giáo, tình nguyện viên ở địa phương tâm đắc. Họ trở thành những người giữ lửa và truyền lửa. Giáo viên của lớp Ước mơ 1 (Trường Tiểu học số 2 Cát Trinh) truyền cho giáo viên lớp Ước mơ 2 (Trường Tiểu học Cát Thành). Giáo viên của lớp Ước mơ 2 lại truyền lửa cho lớp Ước mơ 3 (Trường Tiểu học Cát Minh).
Như lời cô giáo Nguyễn Thị Thương, tình nguyện viên của lớp Ước mơ 3, từng nói: “Ngay từ lần đầu tiên đến học tập kinh nghiệm tại Trường Tiểu học Cát Thành, chúng tôi quên hết những e ngại, lo lắng trước đó. Khắp lớp là nụ cười, là niềm vui. Từ Ước mơ 2, chúng tôi có niềm tin rằng mình sẽ góp phần xây dựng nên một Ước mơ 3 tràn ngập niềm vui như thế”.
Chính sự lạc quan, tin tưởng và kiên trì của các tình nguyện viên đã làm nên tính bền vững của Dự án lớp học Ước mơ và thuyết phục những người đồng hành. Anh Nguyễn Văn Hoàng, đại diện nhóm Chung tay Donation (TP Hồ Chí Minh), cho biết: “Mỗi năm, nhóm hỗ trợ 24 triệu đồng/lớp để giúp cho các em và thầy cô. Đây là khoản tiền khá ít ỏi so với công sức, nỗ lực của các thầy cô, tình nguyện viên. Họ chính là lực lượng nòng cốt của Dự án và là lý do để chúng tôi cùng chung tay”.
Mỗi một lớp Ước mơ ra đời đều khởi nguồn từ những cơ duyên. Lớp Ước mơ 1 ra đời tại Cát Trinh bởi đây là nơi GS Umegaki gắn bó trong thời gian nghiên cứu về chất độc hóa học.
Nhiều gia đình đã trở thành người thân của ông. Lớp Ước mơ 2 tại Cát Thành vì giáo sư rất quý một cô gái khuyết tật nhưng đầy nghị lực tên là Yến. Lớp Ước mơ 3 tại Cát Minh là nhờ có sự hỗ trợ rất lớn từ TS - bác sĩ Trương Quang Ðạt (Trưởng bộ môn Y tế công cộng, Trường CÐ Y tế Bình Ðịnh, quê ở Cát Minh), người luôn sát cánh với GS Umegaki trong các nghiên cứu từ năm 2004. Bên cạnh đó là sự tạo điều kiện của Hội CTÐ tỉnh và huyện, chính quyền địa phương và nhà trường.
“Trong tương lai, giáo sư mong muốn chính các xã là người đề xuất xây dựng lớp học Ước mơ như một phần trách nhiệm của địa phương. Dự án cũng sẽ tập huấn cho các giáo viên về kỹ năng dạy trẻ khuyết tật, tạo cơ hội cho họ học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau”, TS Vũ Lê Thảo Chi trao đổi.
NGUYỄN MUỘI