Cứu người trong bão biển
Cơn bão số 12 xảy ra đầu tháng 11.2017, gây thiệt hại nặng nề trên vùng biển Quy Nhơn. Bão dữ đi qua không chỉ để lại những mất mát, đau thương mà còn có cả những câu chuyện đẹp thấm đẫm tình người.
Đại úy Thái Văn Nhanh (đứng) và thiếu tá, thuyền phó Ngô Biên (ngồi) trực tiếp điều khiển canô cao tốc tìm kiếm các thuyền viên bị mất tích trên biển Quy Nhơn. Ảnh: NGUYỄN PHÚC
ĐẠP SÓNG CỨU NGƯỜI TRONG BÃO DỮ
Thuyền trưởng Lê Chung Tình (tàu Cửu Long 09) và thuyền trưởng Hồ Văn Thừa (tàu Cửu Long 08) là hai trong số các thuyền trưởng của “Đội tàu Cửu Long” can trường vượt sóng dữ ứng cứu an toàn 34 thuyền viên tàu hàng gặp nạn trên biển Quy Nhơn trong cơn bão số 12. Cả 2 cùng quê Hải Phòng, anh Tình có 30 năm và anh Thừa có 37 năm gắn bó với con tàu vượt đại dương. Nghe nhắc đến chuyện cứu người trên biển, cả hai đều xua tay, bảo: “Chúng tôi có thành tích gì đâu mà viết báo. Ai ở trong hoàn cảnh như chúng tôi đều hành động thế!”. Sau nhiều lần thuyết phục với sự tác động của ông Nguyễn Cảnh Toàn, Phó Giám đốc Công ty TNHH Vận tải biển Cửu Long, cả hai mới đồng ý. Họ cùng tâm sự: “Ngược xuôi theo các tàu hàng nhiều năm và đi qua vùng biển của nhiều quốc gia, đã gặp nhiều cơn bão nhưng chưa bao giờ chúng tôi lại đối diện với bão dữ như cơn bão số 12 xảy ra trên vùng biển Quy Nhơn”.
Nhắc lại phút giây nhận lệnh điều động đi cứu các thuyền viên gặp nạn, thuyền trưởng Hồ Văn Thừa kể: “6 giờ sáng 4.11.2017, tàu Cửu Long 09 nhận lệnh “tiên phong” đi cứu nạn dưới sự cầm lái của thuyền trưởng Tình, tôi từ tàu Cửu Long 08 được điều sang hỗ trợ cho anh Tình. Dù các tàu hàng gặp nạn gần bờ nhưng tàu Cửu Long 09 phải đạp những cột sóng cao đến 7-8 m, phủ qua tàu, mất 2 giờ đồng hồ mới tiếp cận được tàu hàng Hà Trung 98 đang chìm giữa phao số 3 và số 5. Lúc này, 9 thuyền viên trên tàu đã rời tàu và đang cố bám vào phao tròn, mọi người kết nối với nhau bằng dây, đang “đánh đu” tính mạng với những cơn sóng lớn giữa biển, cực kỳ nguy hiểm. Vất vả vật lộn với những đợt sóng mạnh, chúng tôi cứu 9 thuyền viên lên tàu, đưa vào cảng Quy Nhơn an toàn lúc 9 giờ cùng ngày. Sau tàu Cửu Long 09, lần lượt các tàu khác của “Đội tàu Cửu Long” đồng loạt lao nhanh ra biển để cứu các thuyền viên của các tàu hàng khác”.
Thuyền trưởng Lê Chung Tình tâm sự về một dấu ấn đặc biệt của riêng mình: “Sau khi cứu được các thuyền viên trên tàu Hà Trung 98 vào bờ thì tôi mới nhận ra đây là con tàu mà tôi có 7 năm gắn bó và làm thuyền phó của tàu. Trong số các thuyền viên trên tàu Hà Trung 98 được cứu có anh Doãn Văn Đoài (quê Nam Định) là bạn thân của tôi. Lúc gặp nhau trong tình cảnh vừa trải qua sinh tử, chúng tôi chỉ biết ôm chầm lấy nhau mà bật khóc, vì hạnh phúc, vì duyên kỳ ngộ của những người quanh năm lênh đênh trên biển”.
Thuyền trưởng Hồ Văn Thừa (áo trắng) cùng thủy thủ tàu Cửu Long 08. Ảnh: TRỌNG LỢI
“ĐÓ LÀ NHIỆM VỤ CỦA CHÚNG TÔI”
Cũng trong cơn bão số 12, BĐBP Bình Định đã trực tiếp cứu nạn 43 thuyền viên, kịp thời đưa 38 thuyền viên bị thương vào cấp cứu, chăm sóc sức khỏe tại Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa, BVĐK tỉnh Bình Định, Bệnh viện Quân y 13. Những ngày sau đó, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị liên tục có mặt trên biển để tìm kiếm các thuyền viên còn mất tích. Hải đội Biên phòng 2 là lực lượng tiên phong, chủ công trong việc cứu nạn cũng như tìm kiếm các thuyền viên gặp nạn.
Thuyền trưởng Nguyễn Văn Tài kể lại giây phút kinh hoàng khi tàu gặp nạn. Ảnh: T.LỢI
May mắn thoát nạn trở về sau khi tàu bị chìm trong cơn bão số 12 giữa biển Quy Nhơn, anh Nguyễn Văn Tài (46 tuổi, quê Thanh Hóa) thuyền trưởng tàu Nam Khánh 26, xúc động nói: “Nếu không có lực lượng cứu nạn của Bình Ðịnh cứu kịp thời thì tôi và 10 thuyền viên của tàu đã vĩnh viễn nằm lại dưới biển. Sau khi cứu, chúng tôi còn được đưa vào Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa điều trị, chăm sóc tận tình, chu đáo”.
Anh Trần Hữu Thược (36 tuổi, quê TP Hải Phòng) thuyền viên tàu Sơn Long 08, chia sẻ: “Thời điểm tàu cứu hộ đến cứu, tôi đã ngất lịm, không biết gì nữa, khi tỉnh dậy thấy mình đang nằm trên giường bệnh của Bệnh viện Quân y 13. Chúng tôi như được sinh ra lần thứ hai”.
Kể lại chuyện cứu nạn, đại úy Thái Văn Nhanh, Hải đội trưởng Hải đội Biên phòng 2, bảo rằng: “Cứu người gặp nạn trên biển cũng là nhiệm vụ, trách nhiệm của chúng tôi. Đứng chân trên vùng cửa biển Quy Nhơn, trong những năm qua, Hải đội là đơn vị chủ công trong công tác phòng chống và khắc phục thiên tai của lực lượng BĐBP”.
Về đảm nhận công tác ở Hải đội Biên phòng 2 chỉ mới 5 năm, nhưng đại úy Thái Văn Nhanh đã nhiều lần trực tiếp tham gia cứu các ngư dân gặp nạn trên biển, trong đó có 2 lần vượt biển động cấp 6, cấp 7 trong đêm để cứu các ngư dân Bình Định và Quảng Ngãi đưa vào bờ an toàn. Quay lại câu chuyện cứu thuyền viên gặp nạn trên biển Quy Nhơn, đại úy Nhanh tiếc nuối, ray rứt cho biết: “Tôi nhận thông tin các tàu hàng gặp nạn từ khá sớm, nhưng thời điểm đó bão còn khá mạnh, tàu của đơn vị thì quá nhỏ, nếu xuất phát đi cứu nạn thì bị bão nhấn chìm tàu ngay, nên chỉ được lệnh chờ dù rất nóng ruột, muốn lao nhanh ra biển để cứu người... Giá như đơn vị có tàu lớn hơn thì có lẽ không có thuyền viên gặp nạn nào phải nằm lại với biển”.
Thiếu tá, thuyền phó Ngô Biên của Hải đội Biên phòng 2 cũng là người trực tiếp tham gia cứu nạn, tìm kiếm các thuyền viên gặp nạn trên biển Quy Nhơn, chia sẻ: Mỗi lần cứu hộ, cứu nạn thành công, anh em đều cảm thấy rất vui và hạnh phúc. Nhưng lần cứu nạn trên biển Quy Nhơn vừa rồi thì… vui buồn lẫn lộn. Lúc sáng cứu thuyền viên gặp nạn đưa vào bờ an toàn thì mừng vô kể. Nhưng sau đó tiếp tục đi vớt xác các thuyền viên xấu số, tìm kiếm các thuyền viên còn mất tích thì buồn miên man”.
TRỌNG LỢI – NGUYỄN PHÚC