Bưởi da xanh “bén duyên” Bình Định
3 năm trở lại đây, loại trái cây nổi tiếng vùng Tây Nam Bộ - bưởi da xanh - “bén duyên” với miền trung du Hoài Ân và những bờ bãi Lại Giang, huyện Hoài Nhơn. Mỗi năm, nông dân nơi đây thu hoạch và bán hàng trăm tấn bưởi da xanh chất lượng ra thị trường, có thu nhập cao.
Bà Nguyễn Thị Xí (thôn Lại Khánh Tây, xã Hoài Đức, Hoài Nhơn) với vườn bưởi Tết.
Cách đây 10 năm, bà Nguyễn Thị Xí (ở thôn Lại Khánh Tây, xã Hoài Đức, huyện Hoài Nhơn) được một người quen ở miền Nam tặng 2 cây bưởi da xanh để… chơi kiểng. 1 năm sau, chúng lớn nhanh, càng lớn, trái càng sum suê. Khi bưởi chín cho vị rất ngọt và thanh. Thấy vậy, bà Xí bèn rỉ tai chồng tìm đến các trung tâm cây giống ở Quy Nhơn, mua cây giống về trồng “dặm” trên mảnh vườn rộng hơn 0,5 ha. 30 gốc bưởi đầu tiên được chăm sóc bài bản nên tươi tốt, cho trái rất sai.
“Năm rồi, tôi bán nhiều đợt với giá bình quân khoảng 25.000 đồng/kg, thu được gần 30 triệu đồng. Tiền lời vượt xa các giống cây khác nên nhiều người hay nói vui bưởi da xanh bây giờ là “đệ nhất cây ăn trái!”", bà Xí khoe.
Thành công của vợ chồng bà Xí đã tạo “cú hích” cho nhiều hộ khác trong xã Hoài Đức học hỏi, làm theo. Toàn xã hiện có 5,3 ha bưởi da xanh, tập trung chủ yếu ở 3 thôn Bình Chương, Lại Khánh và Lại Khánh Tây, bước đầu cho thu nhập đáng kể. Các chủ vườn bưởi có tiếng trong vùng như ông Huỳnh Văn Tín, Nguyễn Ngọc Ánh, Hoàng Quốc Việt...
Nhiều năm tha hương mưu sinh tại TP Hồ Chí Minh, ông Hà Nhất Cẩn (thôn Đệ Nhất, xã Hoài Tân, huyện Hoài Nhơn) quyết định về quê đầu tư xây dựng trang trại rộng 8,6 ha để trồng cây ăn trái kết hợp chăn nuôi. Trang trại của ông có đủ các loại cây ăn trái được ưa chuộng như sầu riêng, bơ sáp, dừa xiêm..., và tất nhiên không thể thiếu bưởi da xanh, với trên 2.000 cây 1 năm tuổi đang phát triển rất tốt.
Ở Hoài Ân, ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng phòng NN&PTNT huyện, vui mừng cho biết: “Phong trào trồng bưởi da xanh đang phát triển mạnh mẽ trên vùng đất trung du. Toàn huyện hiện có gần 114 ha bưởi da xanh; trong đó, có 60 ha đã cho thu hoạch với sản lượng bình quân 7 tấn/ha".
Lão nông Huỳnh Công Chính (ở thôn Gia Chiểu 1, thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân), sở hữu 100 gốc bưởi da xanh đang cho thu hoạch, thổ lộ: “Mỗi năm, vườn bưởi mang lại nguồn thu 100 triệu đồng. Hiện nay, bưởi da xanh đang hút hàng nhưng không đủ để bán”.
Nhận thấy triển vọng kinh tế của giống bưởi da xanh, cả huyện Hoài Ân và Hoài Nhơn, An Lão đều đưa cây trồng này vào danh sách những cây trồng chủ lực của địa phương. Huyện Hoài Ân đang thực hiện đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Hoài Ân theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016 - 2020”. Theo đó, từ nay đến năm 2018, huyện sẽ hình thành vùng chuyên canh 40 ha bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGap. Các hộ tham gia đề án đều được huyện hỗ trợ 100% giá trị cây giống, 50% chi phí khoan giếng (không quá 30 triệu đồng/giếng).
“Bên cạnh việc phát triển, huyện cũng khuyến cáo bà con thận trọng vì đây là một loại cây trồng mới, vốn đầu tư lớn, lại đòi hỏi am hiểu về khoa học, kỹ thuật”, ông Nguyễn Hữu Khúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, thông tin thêm.
Tương tự, huyện Hoài Nhơn cũng quy hoạch đề án phát triển 80 ha bưởi da xanh chuyên canh ở một số xã, thị trấn trong huyện. Theo ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, sau khi hình thành vùng chuyên canh này, huyện sẽ tiến tới xây dựng thương hiệu cho bưởi da xanh vào năm 2019.
TRỌNG LỢI