“Chìa khóa” phát triển nông nghiệp bền vững
Việc lựa chọn các giống cây trồng, vật nuôi có thế mạnh và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tạo ra các sản phẩm sạch, sản phẩm an toàn, đã và đang giúp ngành Nông nghiệp Bình Định tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng.
Chăm sóc rau an toàn ở HTXNN Phước Hiệp (Tuy Phước).
Sau khi Dự án sinh kế nông thôn bền vững kết thúc, không còn được hỗ trợ từ dự án, HTXNN Phước Hiệp (xã Phước Hiệp, Tuy Phước) tiếp tục duy trì và phát triển sản xuất rau an toàn (RAT). Sản phẩm được tiêu thụ tại các siêu thị và các chợ trong tỉnh với giá cao hơn giá rau cùng chủng loại từ 25-30%. Từ năm 2013 đến nay, bình quân mỗi năm HTX doanh thu trên dưới 1 tỉ đồng từ RAT. “Thành viên HTX có việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định, nên tiếp tục gắn bó với RAT" - ông Phạm Long Thăng, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTXNN Phước Hiệp, vui vẻ và tự tin thông báo.
“Ðầu tư phát triển nông nghiệp sạch, bảo vệ môi trường và sức khỏe cho cộng đồng là xu hướng phát triển tất yếu trong quá trình hội nhập”
Công ty TNHH Nuôi trồng, chế biến thủy sản xanh (TP Quy Nhơn) cũng rất thành công khi đầu tư khu nuôi tôm khép kín, rộng 8 ha, áp dụng công nghệ cao tại thôn Tân Thắng, xã Cát Hải (Phù Cát). Công ty có 17 hồ nuôi tôm (mỗi hồ rộng 2.500 m2, sâu từ 2 - 2,6 m) bằng bê tông xi măng, đáy hồ trải bạt nhựa, nước trong hồ được xử lý bằng vi sinh, quá trình nuôi không dùng bất kỳ một loại hóa chất, kháng sinh nào. Tất cả nhằm đảm bảo môi trường cho tôm phát triển tốt nhất. “Từ năm 2015 đến nay, bình quân mỗi năm công ty đạt doanh thu từ 6-8 tỉ đồng”- ông Phan Đắc Uy, Giám đốc Công ty, cho biết.
Với ông Hồ Sênh, ở thôn Trà Lương, xã Mỹ Trinh (Phù Mỹ) “ăn nên làm ra” nhờ đầu tư dây chuyền máy móc, thu mua và chế biến tương ớt sạch cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. “Ớt mua về được sàng lọc, đưa vào máy rửa sạch, đảo khô, rồi cho vào khu vực bảo quản. Sau đó, ớt được đưa đến các dây chuyền để xay nhuyễn, nấu, thêm gia vị (đã được kiểm định chất lượng an toàn thực phẩm), xử lý làm mát, chiết rót vào chai, gắn nhãn mác. Bình quân mỗi tháng cơ sở của tôi cung cấp cho thị trường các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên khoảng 100 tấn ớt tương, mang lại nguồn thu khá cao”- ông Sênh cho hay.
Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, xu hướng phát triển nông nghiệp sạch đã và đang được nhiều tổ chức, cá nhân lựa chọn. Hiện toàn tỉnh đã xây dựng được trên 200 cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD) với hàng chục sản phẩm nông, lâm, thủy sản được ngành Nông nghiệp cấp giấy xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Hầu hết các cơ sở đều phát triển SXKD hiệu quả. Năm 2017, tỉnh ta là một trong 10 tỉnh, thành trong cả nước được Bộ NN&PTNT đánh giá cao về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản.
Để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, tỉnh đã quy hoạch và tạo điều kiện thuận lợi để các DN đầu tư vào khu nuôi trồng thủy sản công nghệ cao tại Mỹ Thành (Phù Mỹ), Cát Thành (Phù Cát). Mở rộng diện tích sản xuất RAT tại xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh), Phước Hiệp (Tuy Phước), thị trấn Phú Phong (Tây Sơn) và xã Nhơn Hậu (An Nhơn); hỗ trợ người dân kết nối thị trường, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Từng bước thay đổi tư duy sản xuất của người dân, từng bước tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế là giải pháp để sản xuất nông nghiệp Bình Định phát triển bền vững.
PHẠM TIẾN SỸ