Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Tiến Đạt: Chấm ảnh "xuyên biên giới"
Gần 10 năm qua, có một nghệ sĩ ở Bình Ðịnh vinh dự tham gia trong hội đồng giám khảo 12 cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế của các nước Pháp, Thụy Ðiển, Ireland, Bosnia - Herzegovina, Montenegro và Việt Nam. Người được “chọn mặt gửi vàng” đó là nghệ sĩ nhiếp ảnh Ðào Tiến Ðạt.
Lần đầu tiên nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Ðào Tiến Ðạt tham gia hội đồng giám khảo ảnh quốc tế là tại Cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ nhất ISF World Cup - Hội Hình ảnh không biên giới (ISF) của Pháp tổ chức năm 2008. Sau đó, anh dần tích lũy kinh nghiệm, khẳng định uy tín khi tham gia chấm nhiều cuộc thi ảnh quốc tế.
Giữa năm 2017, NSNA Ðào Tiến Ðạt đã được “đặt lịch” mời tham gia hội đồng giám khảo từ Ban tổ chức Cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế Photon Circuit 2018 (ở Bosnia and Herzegovina, Croatia, Montenegro) vào tháng 1.2018, rồi đến Cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 4 Circular Exhibition of Photography “Digitalna Foto Arhiva Circuit 2018” (Croatia - Montenegro - Ireland - Serbia) vào tháng 4.2018.
NSNA Ðào Tiến Ðạt ngồi tại nhà ở TP Quy Nhơn để chấm ảnh “xuyên biên giới”. Khi hết hạn nhận ảnh, ban tổ chức các cuộc thi ảnh quốc tế thông báo đường link và password cho từng thành viên giám khảo, quy định thời gian hoàn thành, yêu cầu chấm điểm cho từng ảnh và đề cử giải thưởng. Các cuộc thi ảnh quốc tế thường có hàng chục ngàn tác phẩm tham dự của các tác giả ở nhiều quốc gia, nên giám khảo Ðào Tiến Ðạt có khi phải “ngồi lì” bên máy tính từ sáng đến tối trong suốt nửa tháng trời, chăm chú xem từng tác phẩm để đánh giá cho chính xác…
Tác phẩm Chiếc ô - HCV cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế INFINITY 2017 - Tác giả Petar Sabol (Croatia). Đây là một trong những cuộc thi ảnh quốc tế mà NSNA Đào Tiến Đạt tham gia hội đồng giám khảo.
NSNA Ðào Tiến Ðạt cho biết: “Mỗi cuộc thi có nhiều chủ đề, có cuộc thi 6 chủ đề, có cuộc lại lên đến 12 chủ đề. Cái khó nhất là mỗi chủ đề phải đề cử bộ giải nên giám khảo phải rất cân nhắc. Từng giám khảo chấm ảnh trực tuyến độc lập trên phần mềm chuyên dụng để chọn ảnh triển lãm và ảnh đoạt giải thưởng. Ban tổ chức sẽ tổng hợp điểm, đề cử của các thành viên giám khảo để xác định ảnh được lựa chọn. Trường hợp ảnh có tổng điểm bằng nhau, tác phẩm nào có bố cục độc đáo hơn, nhiều “tầng” nghĩa, gây ấn tượng mạnh về thị giác và mới mẻ hơn thì ảnh đó được xếp giải cao!”.
NSNA Ðào Tiến Ðạt đã gặt hái được rất nhiều thành tích cao tại các cuộc thi ảnh quốc tế. Nhưng làm giám khảo, anh vẫn cảm thấy hạnh phúc khi được đắm mình trong “đại tiệc ảnh” của các nhiếp ảnh gia quốc tế. Trong đó có nhiều nghệ sĩ xuất sắc trên thế giới, tác phẩm của họ thể hiện sự sáng tạo, tư duy độc đáo với nhiều chiều kích khác biệt văn hóa…
NSNA Ðào Tiến Ðạt chia sẻ: “Tôi nhớ có lần tham gia chấm Cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 2 “ Ireland Exhibition 2015”, nhiều tác phẩm của các nghệ sĩ quốc tế làm tôi kinh ngạc! Nguyên cả tháng đó tôi không cầm máy chụp ảnh được vì sự ám ảnh của các tác phẩm dự thi. Tôi bất ngờ với khả năng khắc họa tác phẩm đầy tính nhân văn với nhiều tầng nghĩa sâu sắc, đầy sức biểu cảm thẩm mỹ của họ! Hoặc ảnh với một bố cục táo bạo, sắc độ cùng khoảnh khắc bấm máy đắt giá gây ấn tượng mạnh về thị giác…Với tôi việc chấm ảnh là những cuộc trò chuyện với rất nhiều nguồn sáng tạo”.
Nhiều cuộc thi ảnh quốc tế ở Ireland, Montenegro, ban tổ chức không cho hiển thị tên tác phẩm khi chấm. Các thành viên hội đồng giám khảo phải thẩm định ảnh từ bố cục, ánh sáng, đường nét, màu sắc…và ngôn ngữ hình tượng, tự tìm thấy thông điệp ẩn chứa trong đó để cho điểm. Tuy mất nhiều thời gian, công sức, nhưng NSNA Ðào Tiến Ðạt có nhiều niềm vui khi được ban tổ chức các cuộc thi đánh giá tốt về quan điểm và phương pháp thẩm định ảnh, kết quả chấm chọn cùng những đề xuất, nên họ mời anh tiếp tục tham gia hội đồng giám khảo ở các cuộc thi tiếp theo…
HOÀI THU