Háo hức với Liên hoan bài chòi dân gian Bình Ðịnh
Chào mừng sự kiện nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam được UNESCO vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, lần đầu tiên, Liên hoan nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Ðịnh sẽ được Sở VH&TT tổ chức vào ngày 7 - 8.2 tới tại TP Quy Nhơn. Liên hoan còn đồng thời là cú tập dượt, chạy đà để bước vào mùa cao điểm diễn xuân được dự đoán “bùng nổ” nhất của bài chòi.
Tiếp tục vai trò chủ công trong hành trình đưa bài chòi trở thành Di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) đại diện của nhân loại, Bình Định đã vinh dự được Chính phủ chọn là nơi diễn ra lễ đón Bằng công nhận của UNESCO.
Hưởng ứng vinh danh di sản
Bên cạnh việc chờ lễ đón chính thức tầm quốc gia, dự kiến tổ chức dịp 30.4.2018, thì từ khi bài chòi “đăng quang” (ngày 7.12.2017) đến nay, Bình Định tiếp tục có các hoạt động riêng nhằm hưởng ứng, chào mừng, nhắc nhau trách nhiệm bảo tồn di sản. Có thể kể đến như: nghệ nhân Hoàng Việt (TP Quy Nhơn) tổ chức liveshow về bài chòi, xã Tam Quan Nam (huyện Hoài Nhơn) ra mắt CLB bài chòi dân gian của xã, hay huyện Tuy Phước tổ chức tập huấn hô hát bài chòi toàn huyện, thu hút từ cụ ông gần 80 tuổi đến học trò cấp 2…
Liên hoan nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định sẽ diễn ra ở TP Quy Nhơn trong tuần tới là sự kiện quy mô cấp tỉnh nhằm hưởng ứng vinh danh di sản, tạo sân chơi cho lực lượng nghệ nhân và khuyến khích phong trào trong tỉnh. Theo đó, mỗi huyện, thị, thành phố tham gia chọn và cử một đoàn nghệ nhân bài chòi dân gian 10 người, trình diễn một chương trình về di sản (theo hình thức hội đánh bài chòi dân gian, có bài chòi kể và bài chòi lớp) trong thời lượng có hạn (tối đa 40 phút).
Theo một số nghệ nhân, nếu nội dung Liên hoan chỉ thi trình diễn về hội đánh bài chòi thì chuẩn bị câu thai mới, lạ, hay, cùng với tài hô hay, diễn giỏi, phối hợp giữa các hiệu là ổn. Nhưng với yêu cầu trong hội có bài chòi lớp và bài chòi kể thì buộc các đội phải đầu tư tập luyện. Nghệ nhân Nguyễn Hữu Phước (ở xã đảo Nhơn Châu, đoàn TP Quy Nhơn) cho hay: “Hô câu thai cho mỗi con bài chẳng khó khăn gì nhưng rủi bốc trúng những con bài khó, vốn ít các bài bài chòi kể, bài chòi lớp dẫn đến… bí hay ứng diễn vụng thì ảnh hưởng “uy tín” hiệu Bình Định lắm. Thời gian chuẩn bị khá ít, thành viên trong đội ai cũng bảo nhau cố gắng, nhất là thu thập để đảm bảo mỗi con bài đều có ít nhất vài câu bài chòi thuộc 2 thể loại trên. Tham gia Liên hoan trong dịp giữa tháng Chạp bận rộn này, ngoài góp phần vinh danh di sản, anh em đều xem đó là dịp tốt để rèn thêm chuyên môn”.
Theo Ban tổ chức, Liên hoan có sự tham gia đầy đủ, tích cực của những địa phương tổ chức tốt hoạt động bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi như TP Quy Nhơn, TX An Nhơn, các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Hoài Nhơn…
Chủ động quảng bá
Ngày 20.1, tại buổi làm việc giữa Bộ VH-TT&DL - UBND tỉnh Bình Định với đại diện 8 tỉnh, thành phố khác ở khu vực miền Trung có chung di sản bài chòi, lãnh đạo Bộ VH-TT&DL đặc biệt nhấn mạnh về việc tăng cường tuyên truyền, quảng bá di sản ở các thời điểm trước, trong và sau lễ đón Bằng công nhận di sản. Trong nhiều hình thức tuyên truyền, ưu tiên hàng đầu là tổ chức trình diễn di sản, sao cho hiệu quả, thu hút.
“9 tỉnh miền Trung có chung di sản phải lấy bài chòi làm hoạt động chủ đạo trong các hoạt động văn hóa mừng Đảng, mừng Xuân, kỷ niệm 43 năm Giải phóng đất nước, tổ chức đều khắp và kéo dài từ trước Tết Nguyên đán 2018 đến sau Lễ đón. Hãy làm cho bài chòi rực lên trong mùa Xuân Mậu Tuất này”, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên nhấn mạnh.
Có thể thấy, với Liên hoan nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định, càng cho thấy sự chủ động của tỉnh Bình Định đối với việc quan tâm, gìn giữ, quảng bá và phát huy giá trị của di sản bài chòi.
SAO LY