THẦY GIÁO HUỲNH XUÂN LÂM:
Người truyền cảm hứng cho học trò
Tại Lễ tuyên dương gương người tốt, việc tốt, đổi mới sáng tạo trong dạy và học năm học 2016 - 2017, do Bộ GD&ĐT tổ chức vào tháng 10.2017 tại Hà Nội, thầy Huỳnh Xuân Lâm, giáo viên Vật lý Trường THPT số 1 Tuy Phước, là giáo viên duy nhất được Sở GD&ĐT chọn tham dự.
Thầy Huỳnh Xuân Lâm (thứ hai, từ trái sang) và Lê Bá Thành, học sinh lớp chuyên Toán Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trao Bằng khen tại Lễ tuyên dương gương người tốt, việc tốt, đổi mới sáng tạo trong dạy và học năm học 2016 - 2017.
TỪ SỰ ĐAM MÊ, SÁNG TẠO
Hơn 20 năm giảng dạy, mỗi khi có ý tưởng về phương pháp giảng dạy mới, thầy Lâm nghiên cứu kỹ lưỡng về mặt lý luận, sau đó mới đưa dần vào thực tế, vừa dạy vừa tham khảo ý kiến của đồng nghiệp, vừa điều chỉnh đến hoàn thiện.
- Liên tiếp hai năm học qua, thầy đều đạt giải nhì cuộc thi Dạy học theo chủ đề tích hợp do Bộ GD&ĐT tổ chức. Hẳn thầy đã triển khai các nội dung này trong thực tế công tác giảng dạy của mình rất hiệu quả?
+ Năm 2015, sau khi dự tập huấn của Bộ GD&ĐT về dạy học tích hợp, tôi đã về triển khai ngay vào một số tiết học trên lớp và các chủ đề tham dự cuộc thi của mình.
Thực tế giảng dạy cho thấy, ngoài những kiến thức về Vật lý, việc khéo léo đưa những nội dung giáo dục có liên quan vào, chẳng hạn như sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường; an toàn giao thông; giáo dục pháp luật, đạo đức, lối sống… khiến học sinh có thêm hứng thú, thấy kiến thức học tập gần gũi, có thể vận dụng ngay vào thực tế cuộc sống.
- Đi đầu thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, chắc thầy gặp không ít khó khăn?
+ Đúng vậy, nhưng tôi cho rằng, phải trải nghiệm thực tế thì mới tích lũy được những điều bổ ích. Trong quá trình soạn bài dạy, tôi lựa chọn những gì phù hợp nhất với học sinh và môi trường dạy học. Trong quá trình dạy, từ phản hồi của học sinh, tôi tiếp tục điều chỉnh để phương pháp mới mang lại hiệu quả tốt nhất.
Ngay cả khi một phương pháp mới không được khuyến khích thực hiện, hoặc không đạt hiệu quả như mong muốn thì việc tìm tòi, thậm chí nhận biết sự thiếu hợp lý của nó cũng giúp mình đúc kết, tích lũy được phương pháp tư duy. Đó cũng là thu hoạch hữu ích.
HỌC SINH LÀ ĐÍCH ĐẾN
Chuyện trò với thầy Lâm nhiều lần, lần nào tôi cũng thấy ông lạc quan, tin rằng mọi thứ đang tiến triển đúng quy luật. Ông tin cách dạy học “từ chương truyền thống” đang dần được thay thế bằng những phương pháp dạy học tích cực, hiện đại; học sinh ngày càng tích cực, chủ động tiếp cận với tri thức hơn. Điều đó buộc người thầy phải liên tục cập nhật, làm giàu tri thức trên nhiều lĩnh vực.
- Hẳn thầy đã quan sát, tích lũy và có cơ sở cho quan niệm này?
Thầy HUỲNH XUÂN LÂM (SN 1973, tại TP Quy Nhơn), là thạc sĩ Vật lý.
Từ năm học 2012-2013, thầy Huỳnh Xuân Lâm tham gia bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh đi thi quốc gia, góp phần giúp đội tuyển đạt nhiều giải cao. 5 năm học qua, thầy có nhiều sáng kiến kinh nghiệm được Hội đồng khoa học, sáng kiến ngành GD&ĐT đánh giá cao.
Từ năm học 2012-2013, thầy liên tục là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và năm học 2012-2013 là Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Từ năm 2012 đến nay, thầy được Chủ tịch UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen. Năm 2016 được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen. Năm 2017, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh lần 2.
+ Tất nhiên rồi. Phần lớn học sinh bây giờ năng động hơn trước rất nhiều. Nhiều em đã chủ động tìm kiếm được cách học phù hợp nhất với mình. So với trước đây, bây giờ các em có thể tiếp cận nhiều nguồn tư liệu đa dạng, nhờ mạng internet, nhờ nhiều khả năng kết nối, giao lưu. Người thầy không còn là nguồn cung cấp tri thức duy nhất và lớn nhất như những năm trước. Nếu mình không tiến nhanh, không kịp thời làm giàu tri thức, bồi dưỡng kỹ năng, mình sẽ bị lạc hậu.
Thực tế cho thấy, tất cả những gì đang diễn ra trong ngành là nhằm hướng đến việc tạo cho học sinh thái độ học tập tích cực hơn, năng động, sáng tạo, tính tự lực cao trong học tập. Nói cách khác, thầy cô trở thành những người truyền cảm hứng học tập, dẫn dắt việc học chứ không đơn thuần chỉ là người trao truyền tri thức như ngày xưa.
- Vậy cụ thể với học trò mình, thầy đã làm những gì?
+ Chọn lựa một số nội dung phù hợp, tôi chia nhóm, giao cho các em tự tìm hiểu kiến thức và lên lớp thuyết trình. Tùy vào đối tượng học sinh mà tôi giao việc cụ thể; giỏi thì giao tổng thể, yếu thì chi tiết hơn một chút, rồi đánh giá quá trình các em tìm kiếm kiến thức.
Trong quá trình thực hiện, thầy trò thường xuyên trao đổi qua lại bằng nhiều cách, phổ biến nhất là qua email. Yêu cầu học sinh chuẩn bị bài thuyết trình, tổ chức thuyết trình và đánh giá khả năng của các em là một trong những cách giúp học sinh dạn dĩ, tự tin và tích cực hơn cả. Bằng cách đó, tự mình các em rèn luyện được nhiều thao tác tư duy.
"CHỖ DỰA" CỦA HỌC TRÒ
Ông Đỗ Minh Châu, Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Tuy Phước, nhận xét: Là thầy cô tốt, ai cũng yêu thương học sinh. Nhưng hết lòng vì tương lai của các em, không phải ai cũng đủ giàu tình cảm để làm như thầy Huỳnh Xuân Lâm.
- Nhiều đồng nghiệp cho biết, bên cạnh nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học, thầy còn chú trọng phát triển kỹ năng nghiên cứu khoa học cho học sinh?
+ Vì tôi thấy các em có được nhiều lợi ích từ việc này nên luôn sẵn sàng xắn tay cùng các em. Điều bổ ích nhất của việc này là các em sẽ vận dụng những kiến thức đã học, đồng thời bổ sung và đào sâu hơn thông qua việc phân tích, đánh giá, liên tưởng, kết hợp với những điều mới. Quá trình đi khảo sát hay thực tế sẽ giúp các em có những kỹ năng như phỏng vấn, điều tra, phân tích xử lý số liệu… Các em còn biết cách làm việc nhóm, có kinh nghiệm viết báo cáo nữa.
Năm học 2014-2015, tôi đã hướng dẫn học sinh làm dự án và đạt giải nhì cấp tỉnh, được dự thi cấp quốc gia. Cũng dự án này - sau khi hoàn thiện hơn để tham dự Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên - đã đạt giải nhất cấp tỉnh và giải nhì cấp quốc gia năm 2015. Trong năm học này, thầy và trò chúng tôi đang theo đuổi một dự án khoa học kỹ thuật khác và đã được nhà trường chọn đi dự thi cấp tỉnh.
- Trong công việc chuyên môn, những lúc khó khăn nhất, thầy nghĩ đến điều gì?
+ Tôi nghĩ đến học trò và tự nhủ: Mình phải cố hết sức vì các em. Quá trình sâu sát, gần gũi các em trong suốt hơn 20 năm giảng dạy, tôi hiểu rằng đa số học sinh khi gặp khó khăn trong học tập đều nghĩ đến thầy mình đầu tiên như là một chỗ dựa để vượt qua. Tôi sợ đánh mất niềm tin đó ở học trò mình, nên luôn cố gắng hết sức.
Tôi hay nói với các em rằng, có gì khó khăn trong học tập có thể hỏi thầy. Nếu thầy không biết thì thầy sẽ hỏi thầy của thầy hoặc các chuyên gia để giúp các em. Tôi muốn mình là một chỗ dựa vững chắc để học trò của tôi không bị bơ vơ, hoang mang với những lỗ hổng kiến thức trong học tập.
NGỌC TÚ