Về Thuận Truyền xem học võ
Cùng với An Vinh, An Thái, Thuận Truyền (xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn) là một trong ba làng võ lừng danh của Bình Định. Thanh niên địa phương hay thỉnh thoảng người phương xa đến xin học, võ đường Hồ Bé đều thu nhận và chỉ dạy tận tình, với mong muốn gìn giữ và quảng bá võ cổ truyền Bình Định.
Võ sinh Nguyễn Thuận Phát đang múa đao.
HỘI PHỤ HUYNH “VÕ THUẬT”
Không giống như các võ đường khác thường nằm ở các trung tâm võ thuật hay những thôn, làng võ nổi tiếng, võ đường Hồ Bé nằm biệt lập với bên ngoài. Chỉ có buổi tối, con đường bê tông dẫn đến võ đường mới nhộn nhịp hẳn lên khi bọn trẻ bắt đầu đến luyện võ. Đã thành tự giác, dù lớn hay nhỏ, vừa đến sân võ đường, bọn trẻ chạy đến vòng tay chào thầy rồi ra khởi động để bước vào bài học. Hầu như mỗi võ sinh đến võ đường học đều có phụ huynh đi kèm. Phần là vì nhà ở xa, nhưng hơn hết là họ muốn thấy con của mình học võ cổ truyền như thế nào. Vừa ngồi xuống ghế đá, rót ly nước trà, anh Nguyễn Mộng Thu (39 tuổi, thôn Mỹ Thạch, xã Bình Tân) móc từ trong túi ra mấy bịch cà phê pha sẵn, nói với tôi: “Tối nào cũng thế, cánh phụ huynh chúng tôi người đem thuốc lá, người cà phê, trà bắc, vừa xem con tập võ, vừa hàn huyên tâm sự. Nhà có việc bận đến mấy cũng phải sắp xếp chở con tới học, tụi tui cũng mê võ đâu kém gì chúng nó”. Ngấp ngụm nước trà, anh Thu dõi mắt nhìn con gái Nguyễn Minh Trinh tập bài Roi Thái Sơn. Không chỉ Trinh, đứa con đầu của anh Thu đang học lớp 10 cũng đã học võ ở đây hơn 3 năm.
Từ Cát Hanh (Phù Cát) đi xe máy đến võ đường hơn 45 phút, nhưng không bữa nào anh Nguyễn Văn Long, 41 tuổi, để cậu con trai Nguyễn Chí Linh vắng học. “Thấy con đam mê võ tôi thích lắm. Nay là ít đấy chứ mùa hè phụ huynh ngồi chật ních cả hè nhà thầy. Bữa nào mưa không đi được là thấy thiếu thiếu gì đó”, anh Long tâm sự.
Luyện võ. Ảnh: THÔI CHẤN SƠN
TRUYỀN LỬA ĐAM MÊ
Vẫn giữ cái nếp cũ của một võ đường chuyên nghiệp, thời gian tập luyện ở võ đường Hồ Bé từ 19 đến 22 giờ. Mùa hè ngày nào cũng tập, các tháng còn lại thì tập vào các tối thứ 3, 5, 7 hàng tuần. Khi mùa hè đến, cả trăm võ sinh đến võ đường tập luyện.
“Hơn 10 năm qua, xã kết hợp với võ đường Hồ Bé đều đặn tổ chức Giải đấu võ đài liên tỉnh mùa xuân vào đầu tháng Giêng, thu hút đông đảo võ sĩ và người xem. Giải có hai nội dung: đấu đối kháng và đấu biểu diễn. Ðối kháng, nhưng không mang nặng tính thắng-thua, giá trị giải thưởng, mà thiên về giao hữu, tranh tài, trình diễn kỹ thuật giữa võ sĩ các võ đường, môn phái khác nhau trong, ngoài tỉnh. Từ đó, bật lên vẻ đẹp riêng trong từng chiêu thức, đường nét võ của mỗi võ sĩ, võ đường”
ÔNG NGUYỄN TIẾN DŨNG, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thuận
Võ sư Hồ Bé cho biết: “Mỗi ngày dạy một động tác. Ngày nào cũng có cái mới để dạy thì võ sinh mới thích. Mình phải luôn biết cách cân bằng, gắn vào những bài học rèn tính, rèn khí, rèn nghĩa, khơi gợi đam mê trong học trò. Có vậy, võ cổ truyền, nét văn hóa, di sản tinh túy ông cha để lại mới được duy trì, phát huy”.
Hơn một năm tập tại võ đường, Nguyễn Thuận Phát (lớp 6, Trường THCS Bình Thuận) đã thực hiện nhuần nhuyễn 6 bài võ. Phát chia sẻ: “Tập võ em thấy rất khỏe. Em mong muốn mình có cơ hội tham gia các giải đấu để biểu diễn, quảng bá võ cổ truyền của quê hương đến với mọi người”.
Theo võ sư Hồ Bé, thanh niên ở địa phương mê võ cực kỳ. Ngày trước, sân võ đường chưa có điện, đêm nào ông cũng thắp đèn tạ đăng, đốt bằng dầu phộng để có ánh sáng, vậy mà thanh niên trong làng vẫn tập miệt mài đến khuya. Hôm nào sáng trăng là món quà quý cho võ đường, mọi người có thể nhìn rõ mặt nhau trong lúc tập luyện. “Ngoài tập tại nhà, hiện võ đường đảm nhận việc dạy võ tại trường cho học sinh các trường Tiểu học Bình Thuận, Bình Hòa, Bình Tân, Tây Bình. Thỉnh thoảng người phương xa đến xin học, tôi đều thu nhận và chỉ dạy tận tình, với mong muốn gìn giữ và quảng bá võ cổ truyền Bình Định”, võ sư Hồ Bé tâm sự.
* * *
Về Thuận Truyền, chúng tôi cảm nhận được sức sống mãnh liệt của võ cổ truyền. Sức sống ấy thể hiện ở chỗ, võ được người dân ưa chuộng và phổ biến. Ở đây, không mấy người là không học võ, biết võ. Lớp trước truyền dạy cho lớp sau. Đến nay, võ đường Hồ Bé đã đào tạo hàng ngàn võ sinh đến từ mọi miền đất nước. Nhiều người đã thành võ sư, huấn luyện viên, vận động viên trụ cột của tỉnh và nhiều địa phương khác.
HỒNG PHÚC