Những tài năng trẻ nhiều hứa hẹn
Ở lứa tuổi đôi mươi, Hồng Lệ, Tấn Tài và Đình Văn đã gặt hái được những thành công nhất định. Với tố chất bẩm sinh, cùng sự chịu khó tập luyện, họ được đánh giá là những niềm hy vọng không chỉ của Bình Định mà còn là của thể thao Việt Nam trong vài năm tới.
PHẠM THỊ HỒNG LỆ: Những bước chân không mỏi
Tối 24.8.2017, trước thời điểm Phạm Thị Hồng Lệ tranh tài ở đường đua 10.000m SEA Games 29, tôi cùng HLV điền kinh Bình Định Huỳnh Minh Hiếu đến một quán ăn nho nhỏ ở TP Quy Nhơn để cùng xem Lệ thi đấu qua tivi. Hơn ai hết, HLV Huỳnh Minh Hiếu rất hiểu cô học trò của mình, bởi bản thân anh đã hướng dẫn cho Hồng Lệ những bài tập đầu tiên, khi cô được gọi vào đội tuyển điền kinh Bình Định. Trong suốt quá trình tập huấn ở Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia (Hà Nội), Hồng Lệ vẫn thường xuyên báo cáo tình hình ăn ở, tập luyện cho thầy. Ngay trước khi học trò lên đường sang Malaysia, thầy Hiếu đã ra tận Hà Nội để động viên, dặn dò.
Hồng Lệ (bên phải) cùng đồng đội Phạm Thị Huệ sau khi cùng giành huy chương cự ly 10.000m tại SEA Games 29.
Nhưng cũng vì biết quá nhiều, cả về chuyên môn, chiến thuật thi đấu lẫn những vấn đề mà Hồng Lệ đang gặp phải, HLV Huỳnh Minh Hiếu rất lo lắng và không đặt nhiều hy vọng vào khả năng đoạt huy chương của cô. Anh phân tích: “Ở nội dung 10.000 m điền kinh Việt Nam còn có sự góp mặt của Phạm Thị Huệ, một VĐV dày dạn kinh nghiệm và có thành tích cá nhân tốt hơn Hồng Lệ. Do đó, chắc chắn HLV sẽ giao chỉ tiêu huy chương cho Huệ, còn Hồng Lệ nhiều khả năng chỉ tham gia chạy chiến thuật để hỗ trợ đồng đội. Chiến thuật đó có thể là Lệ sẽ chạy với tốc độ cao trong khoảng 10 vòng sân đầu tiên, nhằm phá sức đối phương”.
Ngay khi những hình ảnh đầu tiên được chiếu lên, HLV Huỳnh Minh Hiếu lại “phán” thêm thông tin bất lợi: “Lại khó khăn cho bé Lệ rồi, em phải mang… giày chạy chứ không được chạy chân không”. Thấy chúng tôi thắc mắc, bởi theo lẽ thường VĐV được trang bị dụng cụ thi đấu phải có lợi thế hơn, HLV Hiếu giải thích: “Cả Huệ và Lệ đều quen với việc chạy chân không, nhưng có lẽ vì cả hai VĐV Việt Nam mà cùng chạy chân không thì kỳ quá, sợ người ta nghĩ chúng ta không quan tâm đầu tư cho VĐV, nên Lệ phải “hy sinh” sở trường của mình”.
Trong vai trò là những cổ động viên cho VĐV Bình Định duy nhất ở SEA Games 29, cảm xúc trong gần 40 phút rất đặc biệt, hết căng thẳng qua những vòng chạy đầu tiên, hồi hộp khi Hồng Lệ duy trì trong top 3 VĐV dẫn đầu, rồi vỡ òa trong niềm vui chiến thắng khi cô về đích. Được chứng kiến phút giây lịch sử của điền kinh Bình Định trong một tâm trạng như vậy thật thú vị và đáng nhớ. Phạm Thị Hồng Lệ hoàn thành phần thi với thành tích 37 phút 6 giây 64, về đích ngay sau đồng đội Phạm Thị Huệ, nhận HCÐ. Chiến tích này đưa Phạm Thị Hồng Lệ vào lịch sử thể thao Bình Định, với tư cách là VĐV điền kinh đầu tiên giành huy chương ở một kỳ SEA Games. Chiến tích này đưa Phạm Thị Hồng Lệ vào lịch sử thể thao Bình Định, với tư cách là VĐV điền kinh đầu tiên giành huy chương ở một kỳ SEA Games. Ngay trong những ngày đầu năm 2018, Phạm Thị Hồng Lệ lại ghi dấu ấn lịch sử, khi trở thành VĐV Bình Định đầu tiên giành HCV tại một giải marathon (cự ly chạy 42 km). Cô về đích đầu tiên tại Giải marathon TP Hồ Chí Minh mở rộng, với thành tích 3 giờ 8 phút 39 giây.
HỒ TẤN TÀI: Một năm như mơ...
Năm 2017 được coi là khoảng thời gian bận rộn của Hồ Tấn Tài, khi cầu thủ này vừa làm nhiệm vụ ở các đội tuyển quốc gia, vừa cùng đội Bình Định giành quyền thăng hạng Nhất. Tham dự vòng chung kết World Cup U20 tại Hàn Quốc có lẽ là một trong những ký ức đẹp nhất trong sự nghiệp cầu thủ quê Ân Tường Tây (Hoài Ân) này. Cũng nhờ màn trình diễn xuất sắc mỗi khi được tung vào sân, tháng 7.2017, Tấn Tài được triệu tập vào đội tuyển U22 quốc gia tham dự vòng loại Giải bóng đá U23 châu Á năm 2018. Trước đó, vào đầu tháng 6.2017, HLV Nguyễn Hữu Thắng đã đưa Hồ Tấn Tài vào danh sách tập trung đội tuyển bóng đá quốc gia, chuẩn bị cho trận đấu gặp đội tuyển Jordan trong khuôn khổ lượt trận thứ hai vòng loại cuối cùng Asian Cup 2019. Tuy nhiên, cầu thủ sinh năm 1997 này không thể góp mặt do bị chấn thương cơ đùi khi tham gia World Cup U20.
Hồ Tấn Tài (áo đỏ) trong một trận đấu tại World Cup U20 năm 2017 tại Hàn Quốc.
Với việc được gọi tập trung đội tuyển quốc gia khi mới 20 tuổi, cùng với cựu thủ môn Dương Ngọc Hùng và cựu tiền đạo Bùi Đoàn Quang Huy, Hồ Tấn Tài là một trong những cầu thủ Bình Định trẻ nhất được triệu tập vào đội tuyển Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên Hồ Tấn Tài “bộc phát tài năng” trong năm 2017, mà trước đó cầu thủ này đã thể hiện sự tiến bộ qua từng tháng ngày khổ luyện.
Được phát hiện từ lứa vệ tinh bóng đá năm 2008, Tấn Tài nhanh chóng thích nghi với môi trường ở Trường Năng khiếu thể thao tỉnh. Năm 2010, anh cùng đồng đội U13 Bình Định giành HCB tại Giải bóng đá thiếu niên nhi đồng toàn quốc. Năm 2015, khi mới 17 tuổi, Hồ Tấn Tài cùng đồng đội đã giành HCĐ Giải bóng đá U21 toàn quốc - Báo Thanh Niên trong màu áo U21 Bình Định. Thành công từ giải đấu đó giúp Tấn Tài lọt vào mắt xanh của HLV Hoàng Anh Tuấn, để rồi được gọi tập trung đội tuyển U19 Việt Nam, thi đấu đầy ấn tượng ở Giải bóng đá U19 châu Á, đoạt vé tham dự World Cup U20.
Là người dẫn dắt Hồ Tấn Tài khi mới làm quen với môi trường bóng đá, HLV Bùi Đoàn Quang Huy cho biết: “Ngay từ khi vào lớp năng khiếu, Tấn Tài đã thể hiện tính tự lập rất cao. Bên cạnh đó, cầu thủ này cũng rất siêng năng tập luyện, nên khả năng chuyên môn ngày càng được cải thiện. Với thể hình lý tưởng, cộng với khả năng chơi bóng thông minh, tỉnh táo, Tấn Tài có thể thi đấu tốt ở nhiều vị trí khác nhau như: tiền vệ trung tâm, hậu vệ phải và trung vệ. Theo tôi, Tấn Tài sinh ra là để thi đấu ở vị trí trung vệ, nơi cậu ấy có thể phát huy tối đa khả năng của mình”. Với việc vừa cùng đội U21 Bình Dương giành HCĐ Giải bóng đá U21 - Báo Thanh Niên năm 2017 và được tập trung đội tuyển U21 tuyển chọn Báo Thanh Niên Việt Nam, Tấn Tài khẳng định vẫn là một trong những cầu thủ trẻ xuất sắc của bóng đá Việt Nam. Hy vọng anh sẽ còn tiến xa hơn trong sự nghiệp cầu thủ của mình.
ĐẶNG ĐÌNH VĂN: Dần khẳng định tài năng
Dáng người mảnh khảnh, gương mặt thư sinh, nhưng khi bước lên sàn đấu, Đặng Đình Văn luôn là nỗi e dè của đối thủ. Cũng phải thôi, bởi nếu nhìn vào bảng thành tích của chàng trai sinh năm 1996 này, võ sĩ nào ở cùng lứa tuổi cũng phải mơ ước. Tập võ từ năm 2008 tại võ đường Trần Quý Ba (Hoài Ân), 2 năm sau, Đình Văn được giới thiệu xuống Trường Năng khiếu thể thao tỉnh.
Đặng Đình Văn (ở giữa) với chiếc đai vô địch hạng cân 55kg Giải võ cổ truyền tranh đai vô địch Let’s Việt năm 2017.
Vừa đủ tuổi thi đấu giải trẻ, cậu nhanh chóng “bỏ túi” 2 tấm HCV đối kháng võ cổ truyền toàn quốc ở mùa giải 2012 và 2013. Không những vậy, cũng trong 2 năm đó, Đình Văn còn đoạt thêm 1 HCB và 1 HCV ở giải trẻ wushu toàn quốc. Chiến tích ấn tượng này giúp anh được gọi vào đội tuyển trẻ wushu quốc gia. Điều kiện tập luyện tốt, chế độ dinh dưỡng phù hợp, môi trường đội tuyển giúp Đình Văn tiến bộ vượt bậc về chuyên môn.
Do đó, năm 2014, khi vừa tròn 18 tuổi anh đã giành HCB hạng cân 49kg tại Giải wushu Đại hội TDTT toàn quốc. Từ đó đến nay, chàng thanh niên quê Hoài Ân này liên tục gặt hái HCB, HCV ở các giải võ cổ truyền vô địch quốc gia.
Ở mùa giải 2017, Đặng Đình Văn vượt qua nhiều võ sĩ xuất sắc khác để giành đai vô địch Let’s Việt hạng cân 55kg nam. Võ sư Trần Đình Đô, HLV đội tuyển võ cổ truyền Bình Định, nhận xét: “Đặng Đình Văn là võ sĩ có lối đánh thông minh, rất chịu khó trong tập luyện. Nhờ đó, em giành được nhiều thành tích cao ở những giải mang tầm quốc gia. Bên cạnh đó, nhờ khả năng tiếp thu rất nhanh các kỹ thuật mới, luật thi đấu mới, Đình Văn có thể thi đấu tốt ở nhiều môn võ khác nhau. Đây được coi là một trong những hy vọng vàng của võ thuật Bình Định tại Đại hội TDTT toàn quốc năm 2018 và những năm tiếp theo”.
LÊ CƯỜNG