Ngõ chim én của Quách Tấn
Quách Tấn sinh năm 1910 tại Tây Sơn, Bình Định nhưng gần như trọn đời, ông sống và viết tại Nha Trang. Ngôi nhà của ông tại 12 Bến Chợ, mặt trông ra đầm nước, nay là chợ Đầm. Quách Tấn có câu thơ: “Từ ô y hạng rủ rê sang”. Ô y hạng tức “ngõ chim én”. Đây là nơi hội tụ của loài chim én, cũng là chỗ đi - về của các nhà thơ tiền chiến một thời.
Đầm nước này trước khi xây chợ Đầm năm 1968. (Ảnh chụp lại từ gia đình ông Quách Giao).
Năm 1989, nhân kỷ niệm 200 năm Quang Trung đại phá quân Thanh (1789 - 1989), Sở Văn hóa Thông tin Nghĩa Bình hồi ấy có xuất bản một số quyển sách của nhà thơ Quách Tấn viết về Nhà Tây Sơn. Ông Hồng Nhân, Giám đốc Sở lúc bấy giờ có giao cho tôi “theo dõi in” mấy cuốn sách này. Cũng nhờ thế mà tôi có điều kiện đọc thư của nhà thơ Quách Tấn trao đổi công việc chung quanh các cuốn sách ấy.
***
Thư ông viết bằng giấy vở học trò, mực tím, chữ không bay bướm nhưng dĩ nhiên là “đẹp” hơn chữ của Chế Lan Viên rất nhiều. Nội dung thư thì tôi đã quên rồi, song cái địa chỉ ngoài bì thì tôi nhớ mãi: “Quách Tấn - 12 Bến Chợ - Nha Trang”. Tôi cứ thắc mắc là tại sao lại có con đường mang tên “Bến Chợ”, lạ quá! Mãi đến khi tôi vào Nha Trang, có dịp ngang qua đường Bến Chợ, lại nhớ đến số 12, tức địa chỉ nhà của thi sĩ Quách Tấn thì thắc mắc từ gần 30 năm trước của tôi, mới được ông Quách Giao, con trai Quách Tấn giải đáp. Cũng qua câu chuyện với ông Quách Giao, tôi biết được bao điều thú vị chung quanh ngôi nhà ấy.
Theo lời kể của ông Quách Giao, cha ông làm ở Tòa sứ Đồng Nai Thượng tại Đà Lạt đến năm 1935 thì chuyển xuống Nha Trang, ngay tại 12 Bến Chợ, cho đến khi ông cụ qua đời (1992). Giờ mà đi tìm địa chỉ này sẽ rất khó khăn vì đường Bến Chợ được người ta trưng dụng để buôn bán do chợ Đầm đang xây dựng lại. Tìm được địa chỉ rồi cũng thật khó tin rằng đây lại là ngôi nhà của một nhà thơ lừng danh thời Thơ Mới, từng là địa chỉ lui tới của nhiều nhà thơ nức tiếng một thời như Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan, Bích Khê…
Ông Quách Giao nhớ lại: “Dạo ấy (năm 1935) chợ Đầm chưa xây như bây giờ. Sở dĩ ông cụ nhà tôi chọn chỗ này để ở vì nó nguyên là một khu vườn khá thoáng đãng và yên tĩnh, mặt trông ra phía một đầm nước, rất hợp cảnh hợp tình cho giới văn nghệ sĩ thời ấy đến đây đàm đạo văn chương”.
Cũng theo ông Quách Giao, sở dĩ gọi là chợ Đầm vì ngôi chợ này tồn tại trên một đầm nước, rộng 7 ha. Dân gian kể rằng, thuở khai thiên lập địa, ngay chỗ đầm nước này có một con cù khổng lồ nằm ngủ. Khi bà Thiên Y A Na giáng trần, đất trời rung chuyển làm cho con cù tỉnh giấc. Nó vùng dậy và bơi ra phía biển. Dấu vết để lại của nó chính là đầm nước này.
Thực ra, đầm nước có thể là cú rẽ dòng sau biến thiên ở một thời điểm nào đó của con sông Cái. Cũng có thể nó là một đoạn sông chết còn sót lại nhưng khác với những dòng sông chết ở một số nơi, đầm này là đầm hở vì nó thông ra sông Cái. Sự thông thủy này đã biến nó thành chỗ để giới thương hồ tụ hội về đây trao đổi sản vật từ thượng nguồn chở xuống và cá tôm từ biển mang lên. Một cách tự nhiên, đầm nước này hình thành 12 bến đỗ, mỗi bến tập trung một loại sản vật để cung cấp cho những ai có nhu cầu mua bán, trao đổi. Theo trí nhớ của ông Quách Giao, đầm nước này có nhiều lau sậy. Đặc biệt, mùa xuân thành nơi hội tụ của loài chim én, chúng bay lượn đen đặc cả mặt nước của đầm. Quách Tấn có bài thơ nổi tiếng “Đêm thu nghe quạ kêu”, trong đó có câu: “Từ ô y hạng rủ rê sang”. Ô y hạng, tức “ngõ chim én” chính là ngay ngõ nhà ông hướng ra mặt đầm này.
Nhà của Quách Tấn từng đón rất nhiều nhà thơ tiền chiến đến ở. Một trong số đó có nhà thơ Yến Lan, đồng hương của Quách Tấn, cùng trong nhóm “Bàn thành tứ hữu”. Yến Lan và Quách Tấn, hai thi sĩ cùng quê Bình Định này có một mối thâm tình đặc biệt. Đặc biệt đến mức, Yến Lan đã “có mặt” cả trong hồi ký lẫn trong thơ Quách Tấn với những lời sâu đậm hiếm thấy. Trong hồi ký của mình, Quách Tấn nhắc đến bạn:
“… Mùa thu năm Mậu Thân (1968) lòng bỗng nhớ Yến Lan da diết, tôi ra đứng tần ngần dưới gốc me. Bỗng một trận lá me vàng tuôn xuống làm sống dậy bóng dáng cố nhân! Gần
15 năm ly biệt, không một tin đưa! Bồi hồi, tôi viết được một bài lục bát:
“Me thu lã chã mưa vàng
Bóng thu hiu hắt bóng chàng năm xưa
Bấy chầy cách trở nắng mưa
Đời Ly Tao ngọt hay chua hỡi lòng”.
Chả là, sau khi tham gia kháng chiến chống Pháp tại Bình Định cùng với Yến Lan, năm 1954, Yến Lan thì tập kết ra Bắc còn Quách Tấn trở lại Nha Trang, tiếp tục sống trong ngôi nhà cũ trông ra đầm nước ấy.
Trong một bài thơ gần như “tự kiểm” của mình, Chế Lan Viên viết: “Tôi đến Nha Trang ngắm trời bể đẹp/ Có hay đâu hang Pắc Bó gió lùa…”. Trước khi Chế Lan Viên đến Nha Trang “ngắm trời bể đẹp” ấy, tại ngôi nhà 12 Bến Chợ này, Quách Tấn đã giúp cho bạn mình một việc vô tiền khoáng hậu. Số là, đâu khoảng năm 1943 - 1944, Chế Lan Viên đang dạy học tại Thanh Hóa và có nhận kèm một cậu ấm con quan. Ngặt nỗi, gia đình cậu ấm này nhờ “thầy Hoan” (tức Chế Lan Viên) dạy thêm môn Hán văn. Việt văn và Pháp văn thì không có vấn đề gì nhưng dạy tiếng Hán nôm thì quả là quá khó với Chế Lan Viên. Ông viết thư tâm sự với Quách Tấn, một nhà thơ tinh thông Hán học. Quách Tấn nhủ bạn phải “giữ mối” dạy thêm này kẻo uổng, bằng cách hàng tuần, ông gửi Chế Lan Viên một bài văn bằng tiếng Hán, trong đó ông dịch nghĩa và bày luôn cách viết. Vốn tính thông minh trời cho, Chế Lan Viên đã “tiêu hóa” ngay “giáo trình” mà Quách Tấn cung cấp. Ông vừa có dịp luyện tiếng Hán, vừa dạy được cậu học trò, kiếm thêm thu nhập để nuôi thân.
Đấy cũng chỉ là giai thoại về Quách Tấn với bạn văn của mình. Nhưng chúng ta tin ở con người chỉn chu ấy, luôn lấy chữ tình làm trọng, chữ nghĩa làm phương châm sống, đã hành xử như một thi sĩ quảng giao và đầy trách nhiệm với bằng hữu. Nhìn cái cách mà Quách Tấn đối xử với Hàn Mặc Tử và Bích Khê - hai người bạn yểu mệnh của ông, đủ biết cái “ngõ chim én” ấy luôn dẫn về phía mênh mông của tình người.
TRẦN ĐĂNG