THỰC HIỆN DỰ ÁN KHẮC PHỤC KHẨN CẤP HẬU QUẢ THIÊN TAI:
“Trợ lực” tái thiết hạ tầng thủy lợi, giao thông
Tham gia Dự án khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai tại một số tỉnh miền Trung, tỉnh ta được Ngân hàng Thế giới (WB) cho vay ưu đãi 52 triệu USD để đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình giao thông, thủy lợi bị mưa lũ làm hư hỏng, kịp thời phục vụ đời sống, sản xuất của nhân dân.
Nguồn vốn vay ưu đãi từ WB sẽ được tỉnh ta sử dụng để khắc phục các tuyến giao thông và công trình thủy lợi bị mưa lũ làm hư hỏng.
- Trong ảnh: Nâng cấp đê sông Kim Sơn tại Hoài Ân. Ảnh: T.Sỹ
Tái thiết nhiều công trình giao thông, thủy lợi
Dự án (DA) khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai (HQTT) một số tỉnh miền Trung được thực hiện từ năm 2017-2021 tại Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Ninh Thuận với tổng mức đầu tư 118 triệu USD để tái thiết hạ tầng giao thông, thủy lợi, nâng cao nhận thức cộng đồng trong hoạt động ứng phó, khắc phục thiên tai.
Theo Quyết định số 346/2017 của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu của tiểu DA tại tỉnh ta là hỗ trợ khắc phục HQTT thông qua việc tái thiết các công trình hạ tầng bị thiệt hại nặng nề bởi bão lụt năm 2016 và tăng cường khả năng ứng phó hiệu quả đối với các vấn đề thiên tai trong tương lai.
Từ năm 2018, tỉnh ta tập trung phục hồi, tái thiết 49,9 km đê, kè sông, bao gồm 32 công trình trên lưu vực của 4 hệ thống sông chính: Lại Giang, La Tinh, Hà Thanh và sông Côn. Phục hồi, tái thiết 6 đập dâng trên sông, 33,2 km kênh tưới và kênh tiêu. Phục hồi, tái thiết 9 cầu bị sập, hư hỏng nặng và 8 tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài 67 km; 9 tuyến đường huyện, đường liên xã với tổng chiều dài 47,5 km. Hạn mức vốn cho tiểu DA tại tỉnh Bình Định là 58,24 triệu USD, trong đó vốn vay WB 52 triệu USD, vốn đối ứng của tỉnh 6,24 triệu USD.
Vừa qua, WB đã phối hợp UBND tỉnh tổ chức Hội nghị khởi động DA. Ông Nguyễn Huy Dũng, Chủ nhiệm DA khắc phục khẩn cấp HQTT một số tỉnh miền Trung, cho biết: WB nhận thấy các tỉnh tham gia DA thường bị thiệt hại do thiên tai, mưa lũ. Đây là cũng là các tỉnh có nhiều nỗ lực trong khắc phục HQTT, nhưng còn gặp nhiều khó khăn về vốn. Do vậy, WB quyết định cho các địa phương vay ưu đãi để khắc phục khẩn cấp HQTT. Trong đó, tỉnh Bình Định được vay vốn nhiều nhất để thực hiện các DA thuộc lĩnh vực NN&PTNT và lĩnh vực giao thông. Bình Định được chọn là đơn vị điều phối chung DA. Thông qua DA này, các địa phương tham gia sẽ tiếp cận những cách làm mới để nâng cao năng lực thích ứng tốt hơn với thiên tai trong thời gian tới.
Nỗ lực thực hiện
Theo ngành Nông nghiệp tỉnh, 5 đợt lũ xảy ra liên tiếp cuối năm 2016 đã làm hư hỏng 240 km đường giao thông, 113 cống tiêu và 57 cây cầu bị sập, hư hỏng. Mưa lũ cũng đã làm cho 86 km đê, kè bị sạt lở nặng, 285 km kênh mương bị sạt lở, bồi lấp; 227 đập tạm, đập dâng nhỏ bị hư hỏng; 32 km bờ sông bị sạt lở… với tổng thiệt hại ước tính trên 2.000 tỉ đồng. Kinh phí khắc phục hậu quả mưa lũ rất lớn, trong khi ngân sách tỉnh hạn chế, nên công tác tái thiết hệ thống giao thông, thủy lợi sau mưa lũ gặp nhiều khó khăn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu cho biết: Thực hiện DA là điều thuận lợi để các tỉnh tham gia DA nói chung, Bình Định nói riêng, nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai, tái thiết cơ sở hạ tầng đã bị mưa lũ làm hư hỏng, phục vụ đời sống, sản xuất của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH. Tỉnh Bình Định cam kết sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, lựa chọn và thực hiện tốt các công trình, đảm bảo yêu cầu của DA.
UBND tỉnh giao các sở, ngành và Ban quản lý DA Đầu tư phát triển NN&PTNT rà soát lại các danh mục DA; xây dựng quy trình chung cho các tỉnh tham gia DA. Công tác lựa chọn nhà thầu, đấu thầu các danh mục của DA cũng sẽ được thực hiện công khai, minh bạch. Với vai trò là đơn vị đầu mối của DA, Bình Định sẽ trao đổi với các tỉnh tham gia DA để thống nhất thực hiện theo quy trình, thủ tục chung và cùng chọn một đơn vị tư vấn giám sát, đồng thời thực hiện tốt chính sách tái định cư đối với các hộ dân bị ảnh hưởng bởi DA.
PHẠM TIẾN SỸ