Nỗ lực xây dựng thương hiệu “Ðồ gỗ Bình Ðịnh”
Năm 2017, giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành chế biến gỗ và lâm sản Bình Ðịnh tăng 6,6% so với năm 2016, chiếm 50,4% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Ðây là tiền đề để các DN chế biến gỗ và lâm sản trên địa bàn tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh, chung tay xây dựng thương hiệu “Ðồ gỗ Bình Ðịnh”.
Một góc phân xưởng sản xuất đồ gỗ nội thất của Công ty Hoàng Hưng.
Nhiều nỗ lực
Ông Nguyễn Võ Nam Việt, Phó giám đốc Công ty TNHH Hoàng Hưng (tại khu công nghiệp Phú Tài), cho biết: Năm 2017, ngoài việc “dư âm” khủng hoảng của ngành chế biến gỗ và lâm sản (CBG-LS) vẫn còn; các DN còn phải chịu áp lực bởi những “rào cản kỹ thuật” do các nước nhập khẩu áp đặt…
Trước tình hình này, lãnh đạo Công ty đã chủ động củng cố, sắp xếp lại bộ máy tổ chức, nhân sự và các dây chuyền sản xuất; cải tiến mẫu mã; tăng cường kiểm soát các công đoạn chế biến gỗ theo chuẩn mực quốc tế, nâng cao chất lượng sản phẩm. Kết quả, giá trị kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của DN đạt trên 12 triệu USD, tăng 15% so với năm 2016.
Theo ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội CBG-LS Bình Định (FPA Bình Định) : Năm 2017, bên cạnh những “rào cản thương mại”, các DN CBG-LS trên địa bàn còn phải chịu áp lực do tác động của tỉ giá đồng Euro; nhất là tình hình bão số 12 làm tắc luồng tàu vào cảng Quy Nhơn, cùng với những khó khăn về nguồn nguyên liệu nhập khẩu... Trong bối cảnh đó, FPA Bình Định đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các DN CBG-LS trên địa bàn vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh (SXKD).
Kết quả, giá trị KNXK ngành CBG-LS tỉnh đạt 373,2 triệu USD, tăng 6,6% so với năm 2016, chiếm 50,4% tổng giá trị KNXK toàn tỉnh.
Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành CBG-LS trên địa bàn vẫn còn một số tồn tại, khó khăn. Theo ông Lê Minh Thiện, ngoài sự tăng trưởng của các mặt hàng gỗ chế biến, đồ gỗ nội thất, viên nén gỗ..., vẫn còn một số mặt hàng đạt giá trị khá thấp, trong đó có dăm gỗ và đồ gỗ ngoại thất; cùng với tình trạng thiếu hụt nguồn gỗ nguyên liệu có chứng chỉ từ nguồn nhập khẩu và rừng trồng trong nước.
Xây dựng thương hiệu “Đồ gỗ Bình Định”
Theo nhận định của các chuyên gia, bước sang năm 2018, các DN CBG-LS trong nước sẽ tiếp tục phải đối diện với nhiều khó khăn, thử thách, trong đó có quy định hàng rào kỹ thuật ngày càng nghiêm ngặt tại các thị trường lớn như châu Âu, Úc và Hoa Kỳ. Các DN trên địa bàn còn phải đối diện trước vấn đề năng suất lao động thấp gắn với gia tăng mức tiền lương tối thiểu và siết chặt bảo hiểm xã hội, biến động giá cả dịch vụ...
Phát huy thắng lợi đạt được trong năm 2017, FPA Bình Định đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2018, phấn đấu đạt giá trị KNXK khoảng 400 triệu USD, tăng 7% so với năm 2017, đồng thời tập trung nỗ lực xây dựng thương hiệu “Đồ gỗ Bình Định”…
FPA Bình Định đặt nhiệm vụ trọng tâm là hỗ trợ các DN hội viên chuyển đổi sản xuất đồ gỗ ngoài trời sang đồ gỗ trong nhà; tăng cường đầu tư mới và đầu tư nâng cấp công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất đi đôi với đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý và công nhân; đổi mới thiết kế, phát triển mẫu mã sản phẩm theo nhu cầu thị trường... Tham mưu, đề xuất kịp thời về chính sách phát triển ngành gỗ; tìm kiếm và đáp ứng nhu cầu nguyên liệu gỗ thô từ nguồn cung cấp gỗ nhập khẩu có chứng chỉ và từ hoạt động đầu tư, liên kết trồng rừng trong nước tạo vùng nguyên liệu gỗ lớn và được quản lý bền vững...
VIẾT HIỀN