Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968: Bản hùng ca bất diệt
25 đề tài nghiên cứu của giáo viên Trường Chính trị tỉnh và những câu chuyện của các nhân chứng lịch sử tại Tọa đàm Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, đã giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về tầm vóc và ý nghĩa của chiến thắng lịch sử này.
Nhân chứng kể lại kỷ niệm tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Tại tọa đàm, ông Phan Văn Huệ, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh, đã có đề dẫn về ý nghĩa của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, giáng đòn bất ngờ, khiến đối phương choáng váng. Mặc dù có những tổn thất, song, cuộc Tổng tiến công vẫn mang tầm vóc to lớn và giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Nhiều giáo viên trong trường cũng đã dày công nghiên cứu những đề tài xoay quanh cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, như: “50 năm Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968- Nhìn lại và suy ngẫm” của tác giả Lê Ngọc Danh, “Bài học về thế trận lòng dân trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân” của tác giả Lê Thị Mỹ Hoàng; “Bản hùng ca bất diệt” của tác giả Nguyễn Thị Tuyết Nga...
Ông Lê Văn Minh, Trưởng khoa Xây dựng Đảng, cho biết: Thực hiện đề tài “Vai trò lãnh đạo của Đảng với thắng lợi Tết Mậu Thân 1968”, tôi muốn nêu bật vai trò to lớn của Ðảng ta trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Ðảng ta và cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 vẫn còn nguyên tính thời sự đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ngày nay; đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải quán triệt thật sâu sắc, biến thành ý chí, quyết tâm chính trị và toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân, phát huy sức mạnh vô tận của nhân dân để tiếp tục giành thắng lợi trong công cuộc xây dựng đất nước thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tại buổi tọa đàm, 3 nhân chứng lịch sử trực tiếp tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 cũng đã kể về những câu chuyện không thể nào quên. Đó là, hình ảnh đồng đội kề vai sát cánh mỗi góc phố, con đường hiên ngang nhả đạn vào quân thù để chia lửa, che chắn cho nhau; đó là những người mẹ, người chị, em nhỏ dù biết sẽ hy sinh vẫn dũng cảm băng qua lửa đạn, dẫn đường, mang cơm tiếp tế, cứu thương cho bộ đội nơi trận tuyến... Giáo viên trẻ Nguyễn Đình Cơ cho biết: “Qua tọa đàm, tôi nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về thắng lợi của sự kiện lịch sử này. Tôi sẽ truyền ngọn lửa nhiệt huyết của ông cha vào quá trình giảng dạy, tổ chức sinh hoạt Đoàn để giúp thế hệ trẻ hun đúc thêm lòng tự hào về lịch sử đấu tranh bất khuất, hào hùng của dân tộc, từ đó góp sức mình cho sự phát triển của đất nước, quê hương”.
Buổi tọa đàm là dịp để toàn thể cán bộ, giáo viên nhà trường nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về thắng lợi và ý nghĩa của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, đã góp phần quan trọng trong cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; khơi dậy lòng tự hào dân tộc, truyền thống yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường. Đồng thời, góp phần định hướng tư tưởng chính trị, đẩy lùi những ảnh hưởng tiêu cực của thông tin, quan điểm sai trái, lệch lạc; khẳng định niềm tin sắt son vào sự lãnh đạo của Đảng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; cụ thể hóa và thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ông Phan Văn Huệ đúc kết.
HẢI YẾN