Anh bạn tên Patience
* Truyện ngắn của GUY DE MAUPASSANT
1.
- Leremy sao rồi?
- Nó đã là thuyền trưởng của tàu Kỵ binh thứ sáu.
- Còn Pinson?
- Nó lên chức thị trưởng rồi.
- Còn về phần Racollet?
- Mất rồi!
Chúng tôi đang cố kiếm tìm những cái tên khác, có thể gợi nhớ về những khuôn mặt trẻ trung trong thời quá vãng của mình. Trong khoảnh khắc nào đấy, chúng tôi đã gặp lại hình ảnh những người bạn cũ, mà giờ là những ông bố rậm râu và hói đầu, cha của vài đứa nhóc. Việc nhận ra những thay đổi này khiến cho chúng tôi giật mình, và hiểu rằng cuộc đời ngắn ngủi thế nào, mọi thứ trôi đi và thay đổi mới chóng vánh làm sao. Anh bạn hỏi:
- Còn về cái thằng Patience, thằng Patience béo phị ấy?
Tôi gần như reo lên:
- À! Về nó thì như thế này. Cách đây chừng bốn, năm năm, tớ đang ở Limoges, trong đợt đi kiểm tra thuế vụ. Tớ đang chờ đến bữa ăn tối. Tớ ngồi trước quán cà phê ở Quảng trường Nhà hát. Đám thương nhân tụ lại từng nhóm, gọi mấy ly rượu, bàn về công việc làm ăn của mình hay của người khác, nói cười hể hả, đôi lúc lại hạ thấp giọng để thì thầm một vài tin tức sốt dẻo, quan trọng. Tớ tự nhủ: Mình sẽ làm gì sau bữa cơm tối? Rồi tớ nghĩ về buổi tối dài đằng đẵng ở cái tỉnh lẻ này, buồn bã, chậm rãi rảo bước trên những con đường khỉ ho cò gáy. Tớ còn nghĩ tới cảm giác rầu rĩ ảm đạm mà những người ở vùng này tạo nên cho kẻ lang thang cô độc và cả bầu không khí ngột ngạt.
Tớ đang nghĩ về tất cả những thứ đó thì bỗng thấy những ánh lửa bùng lên, nỗi cô đơn dần tăng thêm với những hình bóng trước mặt. Một người đàn ông cao lớn, mập mạp ngồi xuống bàn bên cạnh và gọi bằng cái giọng sang sảng: “Bồi bàn, lấy rượu cho tao!”. Từ “cho tao” vang lên như một tiếng pháo nổ. Tớ đột nhiên hiểu rằng, tất thảy mọi thứ trên đời là thuộc về cái thằng cha này, chứ không phải của ai khác. Ôi trời! Hắn có bản tính của hắn, có sự thèm muốn, mọi thứ của hắn, đầy đủ và bảo đảm hơn bất kỳ của người nào khác. Rồi hắn nhìn quanh với cảm giác thỏa mãn. Rượu được mang tới, hắn ra lệnh: “Lấy báo cho tao!”.
Tớ tự nhủ: “Báo hắn đang đọc có thể là tờ báo nào?”. Tên báo nhất định có thể tiết lộ cho tớ biết quan niệm sống của hắn, các nguyên tắc, lý lẽ, sở thích, nhược điểm của hắn. Người bồi bàn đem đến tờ Thời báo. Tớ rất ngạc nhiên. Tại sao là Thời báo, một tờ báo nhạt nhẽo, nghiêm túc, giáo điều? Tớ nghĩ: “Chắc hắn là một người nghiêm túc với những thói quen chừng mực và ổn định; tóm lại, là một tay nhà giàu điển hình”.
Hắn đeo cặp kính có gọng viền vàng vào, ngả lưng trước lúc đọc báo. Tớ thoáng nhìn sang hắn. Hắn chú ý và lập tức nhìn chằm chằm vào tớ. Tớ định sang hỏi hắn tại sao lại nhìn như thế, thì hắn đã ngồi tại chỗ kêu lên rằng: “Ôi, trời đất ơi! Có phải là Gontran Lardois không?”. Tớ trả lời: “Vâng, thưa ông, đúng rồi đấy!”. Rồi hắn đứng dậy và chạy đến chỗ tớ: “Ôi, ông bạn của tôi, cậu khỏe không?”.
Tớ chẳng nhận ra hắn nên hết sức bối rối. Tớ lắp bắp: “À, khỏe, khỏe, còn ông thế nào?”. Hắn cười phá lên: “Chắc cậu không nhận ra mình rồi!”. “Không, hình như là…” - tớ đáp lời. Hắn vỗ nhẹ vào lưng tớ: “Thôi nào, đừng đùa nữa. Tớ là Patience, Robert Patience, bạn của cậu, chiến hữu của cậu đây!”.
Đến giờ tớ mới nhận ra hắn, đúng rồi, Robert Patience - thằng bạn học thân thiết hồi xưa. Chính là hắn. Bọn tớ ôm chầm lấy nhau: “Cậu cũng khỏe chứ?”. “Rất ổn!”, nụ cười của hắn rạng ngời như một bài ca chiến thắng. Hắn bảo: “Cậu đang làm gì ở đây?”. Tớ giải thích là tớ đang đi kiểm tra việc thu thuế cho chính phủ. Hắn nói tiếp, chú ý đến mảnh ruy-băng gắn trên áo của tớ: “Cậu thành đạt chứ?”. Tớ đáp: “Cũng ổn. Còn cậu?”. “Việc làm ăn của tớ cũng khá khẩm”. “Thế cậu đang làm gì?”. Hắn bảo hắn đang kinh doanh. Hắn nói kiếm được nhiều tiền và rất giàu, ngày mai vào buổi trưa, ghé lại số nhà 17 phố Coq-qui-Chante, tớ sẽ thấy chỗ ở của hắn.
Hắn ngập ngừng một lát, rồi nói tiếp: “Cậu vẫn vô tư, vui vẻ như ngày nào chứ?”. “Tớ hi vọng là thế!”. Hắn hỏi thêm: “Lập gia đình chưa?”. Tớ bảo chưa. “Thế còn các cô gái đẹp?”. Tớ bảo, lúc nào cũng có. Hắn cười phá lên: “Tốt, tốt! Cậu có nhớ hồi đi chơi lần đầu của bọn mình ở Bordeaux. Sau bữa ăn ở nhà Routie đó? Thật là vui!”. Chắc chắn là tớ nhớ lần đó, và những kỷ niệm khiến tớ phấn chấn. Nó gợi nhắc cho tớ những trò nghịch phá khác nữa. “Cậu có còn nhớ khuôn mặt của M.Marin - giáo viên môn địa lý lúc chúng ta đốt pháo sáng trên quả địa cầu, ngay khi ông vừa giảng xong nguyên lý hoạt động của núi lửa trên trái đất?”. Tớ bỗng hỏi hắn: “Còn cậu, cậu lập gia đình chưa?”. Hắn kêu lên: “Được mười năm rồi ông ơi, có bốn nhóc rồi, mấy đứa nhỏ thú vị lắm; cậu sẽ được gặp chúng và mẹ của chúng”.
Bọn tớ nói chuyện hơi lớn tiếng, mấy người xung quanh nhìn bọn tớ chằm chằm. Bỗng dưng, ông bạn của tớ nhìn đồng hồ, chiếc đồng hồ bấm giờ hình tròn và thốt lên: “Thôi chết! Tớ xin lỗi, nhưng tớ phải đi đây. Tớ chẳng khi nào rảnh vào buổi tối”.
Hắn đứng dậy, bắt tay tớ, lắc mạnh, và nói: “Từ giờ đến trưa mai thì còn lâu quá cậu nhỉ!”.
2.
Buổi sáng hôm sau, tớ làm việc ở tổng văn phòng của chi cục thuế. Sếp của cơ quan muốn tớ ở lại ăn trưa, nhưng tớ bảo có cuộc hẹn với một người bạn. Khi người quản lý ấy có việc phải đi ra ngoài, ông dẫn tớ theo. Tớ hỏi ông ấy: “Nhờ ông chỉ giúp tôi đường đến phố Coq-qui-Chante?”. Ông ấy bảo: “À, chỉ cách đây năm phút đi bộ thôi. Cũng chẳng có việc gấp, nên tôi sẽ đưa ông đến đó”.
Đó là một khu phố rộng và đẹp, nằm ngoài trung tâm thị trấn. Tớ nhìn ngắm những ngôi nhà và tìm nhà số 17. Đó là một căn nhà rộng với khuôn viên phía sau. Mặt tiền được bài trí với những bức bích họa mang phong cách Italia, nhưng trông có vẻ nhạt nhẽo. Trên các bức họa, có hình những nữ thần mang những chiếc bình, những nữ thần khác ẩn hiện trong mây. Những tượng Thần Ái tình làm trụ đỡ tấm biển số nhà.
Tớ bảo với người quản lý đi cùng: “Chỗ tôi cần tìm đây rồi!”. Tớ chìa tay ra, ông ta nhìn tớ với một ánh mắt lạ lùng, bắt tay và chẳng nói năng gì.
Tớ rung chuông. Một người hầu xuất hiện, tớ nói: “Nhờ cô làm ơn báo giùm ông Patience?”. Cô người hầu đáp: “Vâng, có phải ông muốn gặp ông Patience?”. “Đúng rồi!” - tớ trả lời.
Phòng đợi được trang trí bằng tranh của các họa sĩ ở vùng này. Một chiếc lồng đèn xấu xí được treo trên trần. Mấy cánh cửa được che khuất bởi các bức tranh sáng màu. Nhưng điều khiến tớ hết sức chú ý là cái mùi phảng phất nơi đây. Nó hôi hám và khó chịu, giống như mùi của bột gạo và cái hơi ẩm mốc của các tầng hầm. Cái mùi mơ hồ trong bầu không khí ngột ngạt như ở các nhà tắm công cộng. Tớ đi theo người hầu, bước lên mấy bậc thang lát bằng cẩm thạch, phủ một tấm thảm phương Đông màu xanh lá. Tớ được dẫn vào một phòng khách lộng lẫy. “Để tôi ở đây, tôi tự lo được!” - tớ bảo với cô hầu gái.
Căn phòng trông lộng lẫy, nhưng đầy vẻ khoa trương. Phòng có chạm trổ hình ảnh những người phụ nữ thế kỷ trước với mái tóc nhuộm trắng và những quý ông tôn kính đứng đối diện. Một người phụ nữ khác, nằm trên chiếc giường rộng, đang dùng chân để trêu đùa một chú chó nhỏ lẩn khuất dưới tấm chăn. Có một bức vẽ biểu thị hình ảnh của bốn bàn chân, phần cơ thể bị tấm màn che đi. Căn phòng rộng, bài trí nhiều đi-văng, ngập tràn cái mùi mà tớ đã nói. Dường như chúng lẩn vào các bức tường, những bức màn, những đồ dùng xa xỉ, tất cả mọi thứ.
Tớ bước đến cửa sổ để nhìn ra khu vườn. Cảnh quan thoáng đãng, râm mát. Một lối đi được cỏ bao bọc xung quanh, vòi nước được bố trí ở giữa, dẫn đến những bụi cây và xa hơn nữa. Rồi bỗng dưng, từ đằng xa, hình bóng những người phụ nữ mà tớ đã thấy ở phòng khách như hiện ra, đánh thức trong tớ một thế giới của thơ ca. Tớ bắt đầu nghĩ về hạnh phúc, niềm vui, trí tuệ và những khoảnh khắc tình si, đắm đuối.
Một giọng đàn ông khiến tớ giật mình. Patience đã đến, cười hớn hở, bắt tay.
Hắn nhìn vào mắt tớ, giống như kẻ đang tiết lộ một bí mật nào đấy. Với dáng điệu hãnh tiến, hắn giới thiệu cho tớ căn phòng xa hoa, khu vườn. Và khi sự tự hào lên đến đỉnh điểm, hắn nói: “Cậu nghĩ mà xem, tớ bắt đầu chỉ với hai bàn tay trắng…”.
LÊ MINH KHA
(dịch từ bản tiếng Anh “Friend Patience”)