Vẻ đẹp tuồng trên những đôi hia
Nghệ thuật tuồng của dân tộc có mặt và được gìn giữ tại nhiều địa phương trong cả nước. Song chỉ có tuồng Bình Định vinh dự trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia! Giá trị của tuồng Bình Định được xây dựng, kết tinh từ nhiều yếu tố, trong đó, có cả những chi tiết tưởng rất nhỏ: những đôi hia.
ĐỘC ĐÁO HIA CONG
Hia tuồng kiểu Bình Định tức là hia cong, phân biệt với hia mũi bằng ở tuồng miền Bắc và tuồng miền Nam. Phần chính được làm từ đoạn nối tiếp của gốc và củ tre già, có độ cong tự nhiên, độ bền cao, khi cần thực hiện một số động tác biểu diễn như giậm mạnh chân thì âm thanh phát ra vang, trong, oai vệ. Các phần phụ gồm da trâu, vải nhung có trang trí hoa văn hoặc trơn.
Tuy phần tiếp xúc đất rất nhỏ, chỉ khoảng 2 phân ở giữa đế, nhưng hia Bình Định cao từ 5 phân trở lên. Diễn viên hạn chế về chiều cao được trang bị hia cao hơn, đồng nghĩa khó đi hơn. Mũi hia cong vút duyên dáng như mũi thuyền, trông bề ngoài, thân hia mảnh và thanh thoát như chiếc lá, nhưng “khoang thuyền” bên trong lại rộng rãi, thoải mái cho những đôi chân kép hát bội cỡ “khủng”.
Tôi đã thử đặt những đôi hia của Nhà hát tuồng Đào Tấn lên nền xi măng phòng chứa phục trang, đạo cụ, rồi sàn sân khấu có phủ vải, hia nào cũng tròng trành như chiếc sõng con trên mặt nước. Rồi, chỉ một cơn gió nhẹ hay chiếc quạt máy lia qua, hia đồng loạt ngã. Vậy mà, trong những cảnh diễn trong tư thế đứng bất động hay khi đến cao trào làm những động tác lỉa, lóc, xiến, bê tới, bê lui, với hia dưới chân mình, nghệ sĩ tuồng Bình Định vững như bàn thạch, lướt nhẹ như trượt băng!
XỨ SỞ NHỮNG... “CHÂN HIA”
Theo tác giả Đoàn Thanh Tâm, Trưởng phòng Nghiên cứu nghệ thuật, Nhà hát tuồng Đào Tấn, trong số những đánh giá ngợi khen của giới nghiên cứu, bạn nghề cả nước về chuyên môn biểu diễn của diễn viên tuồng Bình Định, nghệ thuật đi hia rất hay được nhắc đến. Dĩ nhiên, gắn liền với hia cong.
Tiếng thơm này bao lớp nghệ nhân, nghệ sĩ tuồng Bình Định đã gầy dựng nên, có lẽ nối tiếp liên tục từ thời Tiền tổ tuồng Đào Duy Từ, Hậu tổ tuồng Đào Tấn, tuồng cách mạng Liên khu V đến ngày nay chứ không chỉ mới 2 thập niên gần đây. “Chân hia” là cách nói của dân tuồng để chỉ những diễn viên đi hia giỏi, đã biến một kỹ thuật biểu diễn cực khó thành trợ thủ đắc lực trong phô diễn vũ đạo, thể hiện những lớp diễn cao trào.
Hia và nghệ thuật đi hia góp phần khẳng định chuyên môn biểu diễn vượt trội của nghệ sĩ tuồng Bình Định.
- Trong ảnh: Một cảnh trong vở Sóng Rạch Gầm. Ảnh: ĐÀO PHAN MINH CẦN
“Giới chuyên môn như giáo sư Hoàng Chương, NSND Lê Tiến Thọ, tác giả Lê Duy Hạnh… khi có dịp xem diễn viên tuồng Bình Định diễn, họ thường gọi đây là xứ sở của những chân hia. Họ cũng cho biết khi làm việc với các đoàn tuồng khác, họ vẫn thường bảo hãy chịu khó học cách đi hia của Bình Định”, tác giả Đoàn Thanh Tâm cho biết.
Theo NSND Xuân Hợi, một “chân hia” của Nhà hát tuồng Đào Tấn, thì đi hia là môn nhập môn của mọi diễn viên mới vào nghề và là kỹ thuật cần học cả đời. Mới vào nghề, mất khoảng… 2 tháng (liên tục mỗi ngày tập vài chục phút đến vài giờ) chỉ để đi hia không ngã. Là đi tự do chứ chưa phải đi diễn. Sau đó, mất cả năm để tập đứng yên không bị lắc lư, tròng trành, tập đi hia đúng cách để chân bớt đau, hia không bị lệch. Còn để đi hia thuần thục, đẹp, trở thành lợi thế biểu diễn, nhận được nét cười hài lòng của khán giả sành tuồng có khi mất đến hơn nửa đời diễn viên.
“Tuy khó vô cùng nhưng đã chinh phục được thì lại thấy hia giúp ta di chuyển, diễn linh hoạt hơn, múa đẹp hơn... và cũng dễ đi như không! Lại thấy biết ơn, may mắn vì tuồng Bình Định có hia cong, lại phục độ công phu của tuồng, yêu nghề hơn…”, NSND Xuân Hợi bộc bạch.
LÀM HIA CONG: CHỈ CÓ MỘT NGƯỜI
Không như đại đa số phục trang, đạo cụ phải đi mua, gần 20 năm nay, riêng khoản hia - đương nhiên là hia cong phong cách Bình Định - nhờ có “người nhà” mà Nhà hát tuồng Đào Tấn hoàn toàn tự túc.
Khoảng trước năm 2000, khi nghệ nhân ở Huế, người chuyên làm hia cong kiểu Bình Định qua đời, không thể tìm ra đâu nguồn cung thứ hai của loại hia đó, Nhà hát tính chuyện tự sản xuất lấy. “Rất may là tuổi thọ một đôi hia nếu biết sử dụng, bảo quản phải trên 5 năm, khoảng thời gian ấy đủ để một người có năng khiếu về làm hia, yêu nghề, chịu khó giúp giải quyết một khó khăn của Nhà hát, trở thành một nghệ nhân làm hia cong thực thụ” - nghệ sĩ Đình Trương, Trưởng đoàn biểu diễn- Nhà hát tuồng Đào Tấn, kể.
Là kép chánh, thường vào những vai sử dụng hia như vua, tướng, cùng lòng tận tụy vì nghề, khéo tay, biết qua nghề mộc, nghề may, NSND Minh Ngọc cần mẫn mày mò mổ xẻ hia, nghiên cứu cách làm và anh thành công.
Không chỉ làm hia cho Nhà hát tuồng Đào Tấn và hơn mười đoàn tuồng không chuyên trong tỉnh, NSND Minh Ngọc còn cung ứng hia cong cho cả làng tuồng miền Trung. “Nghĩ chỉ là giúp cho nhu cầu trước mắt của đơn vị, không ngờ có duyên mà thêm nghề tay trái này, tôi rất hạnh phúc. Vì được góp phần bảo tồn vẻ đẹp và nét công phu của nghề. Nhất là mỗi đợt bạn nghề đặt hia lại yêu cầu tăng độ khó lên, vì muốn theo kiểu dáng, phong cách hia Bình Định, càng tự hào về tuồng quê mình!”, NSND Minh Ngọc - nghệ nhân làm hia cong duy nhất, xúc động chia sẻ.
“Thương hiệu” tuồng Bình Định được định danh bao lâu nay có lẽ được hun đúc từ những nét tinh hoa rất nhỏ nhưng đầy công phu như thế.
SAO LY