“Bình Ðịnh vào Xuân”
Ðó là chủ đề của chương trình nghệ thuật - Dạ hội mừng Ðảng, mừng Xuân, đón Giao thừa Mậu Tuất - 2018. Truyền tải nhiều nội dung ý nghĩa: ca ngợi Ðảng, tình yêu đất nước - quê hương, tôn vinh di sản, đón chào xuân mới…, chương trình hứa hẹn mang lại xúc cảm đẹp và thiêng trong mỗi người xem.
Chương trình nghệ thuật mừng Đảng, mừng Xuân, đón Tết Nguyên đán Mậu Tuất - 2018 (gọi tắt là Dạ hội Giao thừa 2018, gồm 3 phần: Dưới cờ Đảng quang vinh, Bình Định yêu thương, Quê hương vào Xuân) do Sở VH-TT chịu trách nhiệm tổ chức, sẽ diễn ra vào 21 giờ ngày 30 tháng Chạp (15.2.2018) tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn) và được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài PT-TH Bình Định.
Tràn ngập sắc đỏ, rực rỡ cờ, hoa…
Mùa xuân này cũng là tròn 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Những sự kiện, ý nghĩa chính trị - lịch sử hào hùng ấy của đất nước sẽ là điểm nhấn tại Dạ hội Giao thừa 2018 ở Bình Định.
Theo đó, phần mở đầu chương trình là liên khúc hát múa các bài hát nổi tiếng: Hát dưới lá cờ Đảng quang vinh, Người là niềm tin tất thắng, Sài Gòn quật khởi - Bản hùng ca 68, Cung đàn mùa xuân... 12 giọng ca và 40 diễn viên múa tham gia biểu diễn cho tiết mục mở màn hoành tráng này, sân khấu khi ấy sẽ tràn ngập sắc đỏ của màu cờ Tổ quốc và rực rỡ cờ, hoa…
Sang phần 2 của chương trình, các tiết mục thuộc nhiều loại hình tập trung “đặc tả” về Bình Định. Phần này bao gồm 5 tiết mục, đa dạng về loại hình, hình thức biểu diễn. Đó là đơn ca (kèm múa minh họa) Hương sen Đất Võ, gợi nhắc về cuộc chia tay của hai cha con Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành tại Bình Định, tình cảm của người dân Đất Võ đối với Người…
Dấu ấn văn hóa truyền thống địa phương được thể hiện qua các tiết mục kế tiếp như biểu diễn tuồng, võ cổ truyền Bình Định. Ở phần này, bài chòi Bình Định - một phần quan trọng của chỉnh thể di sản “Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ, Việt Nam” vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - được chọn giới thiệu trước tiên.
Trong thời lượng 9 phút, tiết mục “Giai điệu quê hương” (Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định sáng tác, dàn dựng và biểu diễn) sẽ chọn lọc giới thiệu những nét đặc thù, tinh túy nhất về làn điệu, âm nhạc, ca từ… của di sản. Trong khuôn khổ tiết mục, bên cạnh thể hiện cái hay nét đẹp của bài chòi, tác phẩm đã khéo léo chuyển tải thông điệp về tình yêu, lòng tự hào di sản, ý thức trách nhiệm chung… đến mỗi người dân.
Khi những giai điệu, lời ca, vũ đạo mang nét truyền thống vừa tạm lắng, sắc thái chương trình chuyển sang nét tươi trẻ, đồng điệu với không khí Xuân đang hân hoan tràn ngập đất trời, lòng người. Dạ hội sẽ khép lại với những tiết mục hát múa về tuổi trẻ, về mùa xuân…
Dạ hội Giao thừa - một chương trình nghệ thuật lớn
Có thể nói, Dạ hội Giao thừa hằng năm là chương trình nghệ thuật lớn, thu hút hầu hết các đơn vị hoạt động văn hóa, thể thao công lập trong tỉnh. Đến hẹn, các đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức dàn dựng và biểu diễn: Trung tâm Văn hóa tỉnh, Nhà hát tuồng Đào Tấn, Đoàn Ca kịch bài chòi, Trung tâm võ thuật cổ truyền… lại tích cực chuẩn bị để đóng góp cho sự kiện, làm quà tặng giải trí cho người dân quê hương vào Xuân.
Hiện nay, việc tập luyện tại mỗi đơn vị đã cơ bản hoàn tất, đợi khi sân khấu được dựng lên, các đơn vị tiếp tục tập ráp với sân khấu. Việc tập “giai đoạn 2” này bài bản, yêu cầu cao về chuyên môn, kỹ thuật hơn và thường kéo dài cả tuần, trong điều kiện sân khấu ngoài trời giá lạnh. Tuy vậy, quy mô, chất lượng nghệ thuật và ý nghĩa của một Dạ hội Giao thừa luôn được nghệ sĩ tham gia ý thức cao, để nỗ lực hết mình cho sự kiện.
Biên đạo, diễn viên múa, nghệ sĩ sân khấu bài chòi Kim Tiển (phụ trách dàn dựng phần múa cho tiết mục của Đoàn Ca kịch bài chòi), cho biết: “Dạ hội Giao thừa năm nào đơn vị cũng tham gia biểu diễn, song năm nay gắn với sự kiện bài chòi được vinh danh, mọi người như cũng phấn chấn, vinh dự hơn!”.
SAO LY