Công tác phòng ngừa tội phạm:
Nên quản lý tốt đối tượng có nguy cơ phạm tội
Phòng ngừa là biện pháp quan trọng trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. trong đó, công tác quản lý đối tượng chấp hành xong án phạt tù ở địa phương là vấn đề cần được quan tâm.
“Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”
Chỉ từ tháng 10 đến tháng 12.2017, 6 đối tượng đã cấu kết nhau gây ra liên tiếp hàng loạt vụ trộm cắp xe máy ở tỉnh Bình Định. CA huyện Phù Mỹ đã lập chuyên án, huy động nhiều lực lượng cùng các biện pháp nghiệp vụ, tập trung phá án nhưng phải mất khá nhiều thời gian mới bắt giữ băng trộm này.
6 đối tượng vừa kể gồm: Võ Minh Hoàng (SN 1996), Huỳnh Ngọc Hân (SN 1998) cùng trú xã Mỹ Quang, huyện Phù Mỹ; Nguyễn Văn Điển (SN 1998), Trần Bảo Toàn (SN 1994), Lê Phú Thịnh (SN 1996) cùng trú thôn Cảnh An 1, xã Phước Thành, huyện Tuy Phước; Lê Minh Tường (SN 1999, trú xã Canh Vinh, huyện Vân Canh) đã bị khởi tố về hành vi trộm cắp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Bọn chúng đều có không dưới 2 tiền án với các tội danh nêu trên, cùng thi hành án chung tại một trại giam. Khi ra trại, dù ở nhiều địa phương khác nhau nhưng “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” chúng đã cấu kết, bước đầu khai nhận 16 vụ trộm cắp xe máy.
Tháng 3.2017, vụ án kẻ gian đột nhập, vô hiệu hóa hệ thống báo động tại hiệu vàng Kim Khánh ở xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn lấy hơn 100 lượng vàng, trị giá hơn 2 tỉ đồng đã làm rúng động dư luận cả tỉnh. Cơ quan điều tra đã truy lùng và lần lượt bắt giữ các đối tượng: Nguyễn Tiến Thiện (trú huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), Phan Phi Đệ và Nguyễn Trọng Hòa (cùng trú huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Bọn chúng còn khai nhận, trước đó đã đột nhập cửa hàng điện thoại di động Thanh Trí ở thôn Lâm Trúc 2, xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn, lấy số tài sản trị giá gần 350 triệu đồng.
Vì sao từ Bà Rịa - Vũng Tàu mà chúng lại tìm và tìm được “mục tiêu” xa đến vậy? Quá trình điều tra cho biết, trong băng trộm có Nguyễn Văn Phường và Lê Quang Hiểu, là người địa phương, có thời gian đi làm biển tại Vũng Tàu đã phạm tội trộm cắp, bị kết án, cải tạo cùng trại giam với các đối tượng nói trên. Khi ra trại, chúng giữ liên lạc và móc nối nhau để gây án.
Mới đây, vụ án đánh nhau, đốt ô tô ở xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước gây rúng động dư luận. Cơ quan điều tra đã làm rõ 2 nhóm thanh niên, khởi tố 25 đối tượng về các tội “gây rối trật tự công cộng”, “giết người” và “hủy hoại tài sản”. Trong số đó, có đến 15 đối tượng đã từng phạm tội, cùng thi hành án chung tại trại giam.
Sơ hở trong công tác quản lý xã hội
Việc các đối tượng được tha tù về địa phương, cấu kết tiếp tục phạm tội, có phần sơ hở trong công tác quản lý xã hội. Năm 2012, UBND tỉnh đã có Quyết định số 157/QĐ-UBND ban hành kế hoạch chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Quá trình triển khai đã thu được nhiều kết quả, góp phần phòng ngừa nguy cơ tái phạm, ổn định trật tự xã hội.
Thế nhưng, một số đối tượng chấp hành xong án phạt tù diện tội phạm có tính chất chuyên nghiệp, vẫn liên tục tái phạm. Ngoài yếu tố khách quan, một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan và gia đình chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm phòng, chống tội phạm, còn khoán trắng cho lực lượng chức năng.
Tiếp xúc với người thân các đối tượng phạm pháp kể trên, đa số đều “không hề biết” biểu hiện bất thường của con em mình. “Gia đình lo làm ăn, thi thoảng thấy chúng tụ tập hoặc đi sớm về khuya, có tiền ăn nhậu cứ tưởng nó đi làm có tiền, chứ có ngờ đâu”, một người mẹ buồn bã kể.
Vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa nguy cơ tái phạm, trước hết mỗi gia đình cần thể hiện trách nhiệm xã hội trong việc quản lý, giáo dục người chấp hành xong án phạt tù. Các cấp, các ngành cần quan tâm và ưu tiên giải quyết việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù, có chính sách phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; gắn công tác phòng ngừa nghiệp vụ với phòng ngừa xã hội nhằm từng bước loại dần các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, góp phần ổn định trật tự xã hội.
Tấn Tài