Tiếp tục quản lý, sử dụng hiệu quả vốn và tài sản nhà nước
(BĐ) - Đó là vấn đề quan trọng được bà Lý Tiết Hạnh - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đặt ra tại buổi giám sát chuyên đề Công ty CP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (Bidiphar) về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016 vào sáng 6.2.
Nhấn mạnh sự chuyển biến tích cực trong việc cổ phần hóa của Bidiphar với những bước đi, lộ trình cụ thể, bà Lý Tiết Hạnh cho rằng cần tiếp tục quản lý, sử dụng có hiệu quả vốn và tài sản nhà nước theo các quy định pháp luật hiện hành. Phát huy hơn nữa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; đổi mới mô hình quản lý, quản trị doanh nghiệp, nâng cao vai trò của các tổ chức đại diện trong doanh nghiệp, tránh duy ý chí.
Đồng thời, đảm bảo các chế độ, chính sách đối với người lao động; thực hiện quy chế dân chủ, minh bạch hóa thông tin; tạo môi trường làm việc, chính sách thu hút, đào tạo phát triển nguồn nhân lực đặc thù của ngành Dược.
Thông tin giám sát cho biết, Bidiphar hoàn tất chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần vào tháng 3.2014, vốn điều lệ 268,6 tỉ đồng, nhà nước nắm giữ 65%. Sau 3 năm cổ phần hóa, các chỉ số về tài chính và doanh thu của Bidiphar đều tăng trưởng. Tổng tài sản từ 709,3 tỉ đồng tăng lên 1.410 tỉ đồng (tăng 32%); vốn chủ sở hữu từ 268,6 tỉ đồng tăng lên 749,2 tỉ đồng (tăng 35,2%); doanh thu thuần tăng từ 1.142 tỉ đồng lên 1.384 tỉ đồng (tăng 13%); cổ tức chi trả 15%. Lực lượng lao động tăng từ 504 người lên 1.147 người, thu nhập bình quân tăng lên 8 triệu đồng/tháng/người.
Tuy nhiên, hoạt động sau cổ phần hóa gặp không ít hạn chế, bất cập. Trong đó, có quy định chưa thống nhất về nhiệm kỳ công tác của Kiểm soát viên, mức độ đánh giá đối với người quản lý doanh nghiệp; quy định việc xử lý khoản chênh lệch do bán cổ phần không đủ để bù đắp chi phí cổ phần hóa chưa thống nhất.
Bidiphar kiến nghị Quốc hội chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát các luật có liên quan để sửa đổi bổ sung cho phù hợp với quá trình cơ cấu lại vai trò, vị trí của doanh nghiệp nhà nước thời gian tới. Chính phủ chỉ đạo ban hành quy chế phối hợp giữa Bộ Tài chính, KH&ĐT và Văn phòng Chính phủ đảm bảo một đầu mối theo dõi, tổng hợp tình hình cổ phần hóa, thoái vốn và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách phục vụ cho quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước. Sớm ban hành các cơ chế chính sách để đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa…
Đoàn giám sát đã tiếp thu các ý kiến của các đại biểu, kiến nghị của doanh nghiệp để kiến nghị các cấp, ngành chức năng có liên quan và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét để hoàn thiện các chính sách.
* Chiều 6.2, Đoàn giám sát tiếp tục làm việc với Công ty CP Môi trường đô thị Quy Nhơn.
THU HIỀN