Ta đang mắc bệnh nan y ‘rất thích nịnh’
Trưởng Ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính nêu lại ý kiến của nhiều bí thư tỉnh uỷ chỉ ra tình trạng: “Ta đang mắc bệnh nan y 'rất thích nịnh'. Kiểm điểm, phê bình, tự phê bình chủ yếu là nịnh nên đồng chí mình không biết được khuyết điểm”.
Sáng nay, Ban Tổ chức TƯ tổ chức hội nghị tham gia ý kiến dự thảo đề án tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Chọn người đứng đầu tốt, cả hệ thống tốt
Ông Phạm Minh Chính cho rằng trong tình hình mới tác động đến công tác cán bộ, đòi hỏi cán bộ cũng phải đổi mới. Trong đó đáng quan tâm là cán bộ lãnh đạo quản lý, nhất là cán bộ cấp chiến lược thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (cán bộ từ thứ trưởng, bộ trưởng và tương đương trở lên). Vì vậy đề án của Ban Tổ chức TƯ khoanh vùng 2 nhóm cán bộ này, trong đó nhấn mạnh vai trò người đứng đầu.
“Chúng ta chọn đội ngũ cán bộ, nhất là cấp chiến lược diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý tốt, chọn người đứng đầu tốt thì cả hệ thống tốt. Người đứng đầu tốt sẽ chọn người cấp phó tốt, người đứng đầu không tốt khó chọn cấp phó tốt, lúc đó mọi việc sẽ khác”, ông nhấn mạnh.
Song song với đề án này, từ đầu nhiệm kỳ đến nay có 2 đề án khác nằm trong 6 nhiệm vụ trọng tâm. Đó là đề án thông qua tại TƯ 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện đang có bước khởi sắc tốt. Thứ 2 là đề án thông qua tại TƯ 6 về xây dựng bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả các bộ ngành, địa phương đang triển khai quyết liệt.
Theo ông, hiện chi tiêu thường xuyên đang chiếm 65% ngân sách, còn chi đầu tư phát triển giảm dần trong lúc đang cần đầu tư phát triển nên phải đi vay. Nếu không khắc phục, TƯ 7 tới đây bàn cải cách tiền lương không biết lấy nguồn đâu để trả lương.
Như vậy trong nhiệm kỳ này, cùng với việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, TƯ 7 sẽ bàn chuyện xây dựng đội ngũ cán bộ.
Có 2 trọng tâm trong công tác cán bộ: Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ (bao gồm 7 khâu) và xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu các cấp.
“Có đội ngũ này tốt, xuất sắc sẽ xoay chuyển tình hình. Muốn có đội ngũ này thì phải có công tác cán bộ tốt”, ông nói.
Bí thư tỉnh phải là người địa phương khác
Nói về giải pháp, Trưởng Ban Tổ chức TƯ xoáy sâu vào một số nội dung mang tính đột phá. Thứ nhất, phát hiện, đào tạo bồi dưỡng nhân tài. Kế đến là đánh giá cán bộ. Theo ông Phạm Minh Chính, đây là khâu yếu. Đánh giá không đúng, bố trí sai là chuyện bình thường.
"Chúng tôi đề nghị đánh giá đa chiều, 360 độ, trên đánh giá xuống, dưới đánh giá lên, trong đánh ra, ngoài đánh vào; đánh giá liên tục hàng tuần hàng tháng, 3 tháng, 6 tháng, lượng hoá đánh giá. Ví dụ bí thư tỉnh uỷ, bộ trưởng thì sản phẩm như thế nào, năm thứ nhất sản phẩm gì, năm thứ 2 sản phẩm gì, sau 5 năm có sản phẩm không”, Trưởng Ban Tổ chức TƯ nêu.
Ông cũng lưu ý việc đánh giá cán bộ bằng hình thức thu thập thông tin như Trung Quốc thành lập 45 tổ đi 28 tỉnh thành và 140 cơ quan. Tổ này do Tổng bí thư Trung Quốc làm tổ trưởng và thành lập 45 tiểu tổ do các bộ trưởng, uỷ viên Bộ Chính trị, Ban bí thư làm tổ trưởng để đi đánh giá.
“Vừa qua, Ban Tổ chức TƯ có làm với một số nơi bằng cách Phó ban xuống gặp từng đồng chí thường vụ, Ban cán sự và gặp các đồng chí có liên quan để nắm tình hình. Sau đó trở lại, cái gì thuộc thường vụ góp ý cho thường vụ, cái gì thuộc bí thư góp ý cho bí thư nhưng giấu nguồn để phê bình, tự phê bình không ồn ào, phức tạp nhưng hiệu quả”, ông dẫn chứng.
Ông cũng nêu thực tiễn qua lời của nhiều bí thư tỉnh uỷ nói rằng: “Ta đang mắc bệnh nan y rất thích nịnh. Kiểm điểm, phê bình, tự phê bình chủ yếu là nịnh nên đồng chí mình không biết được khuyết điểm”.
Giải pháp đột phá thứ 3 theo ông Phạm Minh Chính là kiểm soát quyền lực, sàng lọc phân loại và thay thế (thanh lý). “Hiện ta chưa kiểm soát tốt quyền lực nên sử dụng không đúng, xem quyền lực như là của mình rồi ban phát, xin cho”. Theo ông, đây là việc phức tạp, nhạy cảm, chưa làm được.
Tại các hội nghị trước, các bí thư tỉnh uỷ thống nhất rất cao về việc bí thư tỉnh uỷ không phải người địa phương. Ông phân tích: “Qua xử lý các vụ việc vừa rồi cho thấy, bí thư tỉnh uỷ là người địa phương có cái tốt là hiểu biết tình hình, truyền thống địa phương nhưng có cái khó là có nhiều ràng buộc. Con mình thế nào, cháu mình thế nào rồi bạn học mình nhờ giúp thì thế nào”.
Theo Thu Hằng (vietnamnet)