PHÁT TRIỂN BÀI CHÒI Ở CÁC ĐỊA PHƯƠNG:
Cần chung tay phát huy di sản
Trong công tác bảo tồn, phát huy di sản bài chòi, những năm qua, điển hình tích cực là các địa phương: Quy Nhơn, Tuy Phước, An Nhơn và Hoài Nhơn. Tại các huyện đồng bằng còn lại, phong trào khá mờ nhạt. Nay, đã đến lúc những địa phương còn hạn chế, cần nỗ lực tháo gỡ khó khăn để chia sẻ trách nhiệm, chung tay phát huy giá trị di sản.
Tối 7.2, tại TP Quy Nhơn, Liên hoan nghệ thuật Hội đánh bài chòi dân gian Bình Định - sự kiện cấp tỉnh về trình diễn di sản nhân bài chòi được UNESCO vinh danh - sẽ chính thức diễn ra, trong 2 ngày. Tiếng là quy mô toàn tỉnh, nhưng số lượng địa phương tham gia chưa đến nửa, và vẫn là những cái tên quá quen với phong trào bài chòi từ nhiều năm qua: Quy Nhơn, Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát, Hoài Nhơn.
Di sản bài chòi cần được nhân rộng, tiếp tục xây dựng phong trào bền vững hơn ở những địa phương có tiềm năng như An Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Tây Sơn, Hoài Ân.
- Trong ảnh: Hiệu của huyện Phù Cát tại một hội đánh bài chòi.
Phục hồi, bảo tồn - 10 năm mà vẫn còn lo
Nhìn qua danh sách, một số khán giả yêu nghệ thuật bài chòi dân gian không khỏi thắc mắc và mong đợi: bao giờ những sự kiện tương tự xuất hiện thêm một số địa phương mới. Chí ít là Phù Mỹ, Tây Sơn - 2 huyện đồng bằng (khi mà đồng bằng, ven đầm, ven biển vốn được xem là nơi cư trú của di sản bài chòi) hoặc Hoài Ân - nơi có nghệ nhân Nguyễn Thị Hào thâm niên về tuồng lẫn dân ca bài chòi, đang được đề nghị phong danh hiệu nghệ nhân ưu tú?
Bên cạnh những lý do như tổ chức đột xuất, bị động về kinh phí, trong thời điểm cuối năm bận rộn khó huy động hạt nhân tham gia, nguyên nhân chính khiến những địa phương vắng mặt tại Liên hoan vừa kể, mấu chốt là bởi chưa đủ nhân lực. Lãnh đạo ngành văn hóa các huyện Phù Mỹ, Tây Sơn, Hoài Ân tâm tư, khả năng của địa phương hiện dừng ở mức có thể cử một vài hạt nhân để tham gia giao lưu trình diễn lại Liên hoan, còn để đáp ứng quy định thành lập một đoàn nghệ nhân đại diện cho huyện, số lượng 7, 8 người, yêu cầu cao về chuyên môn (thể hiện được bài chòi kể và bài chòi lớp) thì… đành hẹn.
Diễn biến trên như một lời cảnh báo thực trạng không đồng đều của bài chòi ở ngay tỉnh Bình Định. Nó cũng cho thấy, công tác nhân rộng, lan tỏa, phát huy di sản bền vững chưa được quan tâm đúng mức. Thời gian tập trung phục hồi, bảo tồn bài chòi dân gian đến nay đã gần 10 năm, thế nhưng mức độ phổ biến như vậy là rất đáng lo.
Chung tay trách nhiệm để vượt khó
Có thể thấy, điểm nghẽn lớn nhất của việc gầy dựng, phát triển bài chòi tại những địa phương thuộc nhóm “chưa đủ lực” là do thiếu nghệ nhân làm rường cột cho phong trào. Đây là khó khăn khách quan, ảnh hưởng lớn đến việc tổ chức phong trào ở một số địa phương.
Kiểm chứng trên thực tế, những địa phương bảo tồn, phát huy tốt di sản này (bên cạnh với chủ trương, đầu tư của chính quyền địa phương) đều gắn chặt với vai trò của lực lượng nghệ nhân nghệ sĩ chủ lực tại mỗi nơi, như Quy Nhơn có Hoàng Việt, Quý Nhất, Hữu Phước…; Tuy Phước có Minh Liễu, Nguyễn Phú… Bên cạnh khó khăn này, các địa phương trên còn gặp một số trở ngại như: thiếu kinh phí làm chòi, việc động viên, khuyến khích người dân, hạt nhân văn nghệ tham gia mất nhiều thời gian, công sức.
Tuy nhiên, những trở ngại trên đều có hướng tháo gỡ. Thực tiễn cho thấy, Quy Nhơn cũng xuất phát từ chỗ không có nghệ nhân. Chỉ có điều, chính quyền, ngành văn hóa TP Quy Nhơn đã cử cán bộ văn hóa đi tập huấn về bài chòi ngay đợt đầu tiên tỉnh tổ chức, vận dụng kết quả tập huấn vào gầy dựng phong trào, làm phong trào theo cách thường xuyên và kiên trì, chăm chút từng năng khiếu để bổ sung, mỗi năm đều tự tổ chức tập huấn để nâng cao mình, đào tạo nhân tố mới… Tương tự Tuy Phước, Hoài Nhơn cũng vậy, từng chỉ có một vài nghệ nhân, nhưng chính chủ trương quan tâm, đầu tư cho di sản, ý thức chủ động về trách nhiệm mới là yếu tố then chốt để hóa giải những khó khăn.
SAO LY