Cô Hơ Gớt: Người nặng lòng với làn điệu Bana
Bất chấp nhiều trở ngại, khó khăn, nhiều năm qua, cô Hơ Gớt (ảnh - ở thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh) vẫn miệt mài nhen nhóm tình yêu dân ca Bana với lớp trẻ.
Từng học thanh nhạc tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), sau đó hoạt động trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ, đảm nhiệm nhiều vị trí, đơn vị công tác như: Đội văn nghệ Liên khu 5, Đài Phát thanh Gia Lai, Đội văn nghệ lưu động Vĩnh Thạnh, Đoàn văn công Vĩnh Thạnh…dù đã về hưu, ước muốn duy trì và phát triển các làn điệu dân ca Bana trong cô Hơ Gớt chưa bao giờ sút giảm. Từ năm 2013, cô nhận dạy nhạc cho học sinh trường THPT Dân tộc nội trú Vĩnh Thạnh và những bạn học sinh khác muốn học.
“Cũng như nhiều nơi khác trong tỉnh, thậm chí là trong nước, việc gìn giữ và phát huy giá trị của văn hóa các dân tộc gặp nhiều khó khăn. Ở Vĩnh Thạnh, dù chính quyền và các ngành nỗ lực rất nhiều nhưng cùng với cồng chiêng, việc lưu truyền các hình thức văn hóa dân gian khác của người Bana như hát dân ca, thêu dệt... hiện nay rất khó khăn. Bởi vậy, chúng tôi rất trân trọng những người như cô Hơ Gớt!”
Ông PHẠM VĂN HÀ, Phó Giám đốc Trung tâm VH - TT - TT huyện Vĩnh Thạnh
Do lượng thời gian rỗi hiếm hoi nên cô Hơ Gớt thường dạy tại nhà. “Tiếng Bana đặc biệt mang nhiều hình ảnh, do vậy cần tỉ mỉ mới truyền đạt tốt cho các em. Để các em dễ học, dễ nhớ, trước giờ học, cô Hơ Gớt ghi lời bài hát, cho từng em đọc, học thuộc và cùng nhau chia sẻ cảm nhận về ca từ. Sau đó mới tập hát trên giai điệu… Hiểu được mới hát trúng, luyến láy lột tả được cái ý, khi thấm thía sẽ yêu thích những gì ông bà để lại”- cô Hơ Gớt chia sẻ.
Đánh giá rất cao cách làm của cô Hơ Gớt, nhà nghiên cứu văn hóa Yang Danh nhận xét: “Việc tạo cảm hứng để lớp trẻ yêu thích, tự giác tham gia bảo tồn văn hóa, văn nghệ truyền thống Bana như cách cô Hơ Gớt làm rất quý, rất đáng học tập và phát huy”.
“Mỗi khi đi ăn cưới hay những nơi có tổ chức hát hò, lớp trẻ chỉ hát những bài hiện đại, hiếm khi trình diễn dân ca Bana.Chứng kiến điều này, những người Bana lớn tuổi buồn và trăn trở nhiều. Hiện nay, cùng với việc dạy hát, tôi còn mày mò sáng tác bài hát mới cho dân tộc mình bằng tiếng Bana, sau đó dịch ra tiếng Việt. Cùng với đó, tôi dự định sưu tầm các bài hát Bana từ các làng để bài hát Bana không bị thất lạc” - cô Hơ Gớt tâm sự.
THẢO KHUY