Sau Tết sẽ điều chỉnh giá khám chữa bệnh
Giá dịch vụ y tế phải được điều chỉnh theo đúng nghĩa của nó là tính đúng, tính đủ.
Ông Phạm Lương Sơn – Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết: Sau Tết âm lịch, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục bàn để ra thông tư mới về việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế sao cho hợp lý hơn. Ông Sơn dẫn chứng, trên thế giới, nhiều nước điều chỉnh dịch vụ y tế tuân thủ đúng cơ chế thị trường, giá động và đảm bảo quy luật cung – cầu. Theo đó, nếu giá dịch vụ ở một số dịch vụ y tế có tần suất sử dụng lớn, đem lại lợi nhuận cao, tạo ra cầu ảo thì điều chỉnh thấp xuống. Nhưng cái nào cần khuyến khích thì người ta lại nâng cao hơn giá trị thực.
Trước mắt sẽ điều chỉnh một số dịch vụ kỹ thuật.
“BHXH Việt Nam và Bộ Y tế đã thống nhất được quan điểm đó. Tuy nhiên, để thực hiện điều này thì chúng ta cần tìm kiếm cơ chế pháp lý nữa” – ông Sơn nói.
Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cũng đang muốn thống nhất lộ trình để điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Trước mắt sẽ điều chỉnh một số dịch vụ kỹ thuật. Hiện nay, trong quá trình thực hiện thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, nếu phát hiện thấy những điều bất hợp lý thì sửa ngay. Hai cơ quan cũng đã thống nhất được việc minh bạch, công khai để xác định rằng giá dịch vụ y tế phải được điều chỉnh theo đúng nghĩa của nó là tính đúng, tính đủ; thống nhất cách hiểu thế nào là đúng, thế nào là đủ. Có như vậy mới giải tỏa được bức xúc của các bệnh viện là giá còn cao.
Ví dụ, giá giường ICU là 2,6 triệu đồng nhưng thanh toán BHYT là gần 700 nghìn. Giá khám bệnh trước đây là 3-4 nghìn đồng nhưng bây giờ tăng lên 39-40 nghìn cũng vẫn kêu giá cao. Trong khi đi khám ngoài, giá tiền khám bệnh từ 100 nghìn đến 200-300 nghìn đồng/lượt.
“Điều đầu tiên phải điều chỉnh là giá định mức kỹ thuật để sử dụng. Định mức đó là giải pháp hữu hiệu để đảm bảo hiệu quả của quỹ bảo hiểm y tế và từ tiền túi của người dân”, ông Sơn nhấn mạnh.
Đơn cử, một chiếc găng tay là 700 đồng nhưng nếu nhân với hàng triệu đôi thì sẽ là tiền tỷ. Một ống thuốc vài nghìn đồng mà nhân với hàng triệu ống thì số tiền là rất lớn.
Thứ 2 là định mức đúng về nhân lực y tế hướng tới việc đảm bảo chất lượng y tế, thay vì giảm quá tải bằng cách giảm nhân lực y tế/giường bệnh thì chúng tôi đưa ra phương pháp, đưa ra định mức chuẩn như: 1,34 người/giường bệnh. Nếu phải kê thêm giường để chống quá tải, nằm ghép thì phải tính tỷ lệ tăng thêm đó như một hệ số lương tăng thêm, làm ngoài giờ.
Thứ ba là đúng giá phụ trợ. Trong kết cấu của giá dịch vụ y tế có giá vật tư y tế, giá thuốc, vậy làm sao giá đó đúng, hợp lý. Khi thanh toán nằm trong kết cấu đó, nếu tính giá cao sẽ thừa, nếu tính theo giá thấp thì sẽ thiệt cho một số vùng, một số địa phương.
Thứ 4 là phân loại phẫu thuật, thủ thuật đúng để từ đó xác định được phụ cấp tiền trực, tiền ngoài giờ.
Ngoài ra, lương cũng cần phân bổ đúng. Hiện vẫn theo cơ chế lương cũ, xác định mức lương đúng để xác định giá dịch vụ dựa trên mức lương cơ bản.
Theo khẳng định của ông Sơn, khi xác định được đúng các yếu tố thì một số dịch vụ sẽ phải tăng lên và sẽ có cái giảm nếu trong cơ cấu giá bị thừa.
Để có dịch vụ y tế đủ thì phải bao gồm 7 cấu phần, nghị định Chính phủ đã phân lộ trình. Năm 2017 đã đưa kết cấu tiền trực, tiền phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật, tiền lương của nhân viên y tế vào. 2 cấu phần nữa là chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định sẽ tiếp tục được xây dựng theo lộ trình.
“Vì sao giá tiền giường ICU là 2,6 triệu đồng mà hiện chỉ tính gần 700 nghìn đồng vì chưa được tính vào tiền quản lý và chưa tính được khấu hao. Cần minh bạch khấu hao là bao nhiều để đến 2020 bù vào. Khi thống nhất được cái đúng, cái đủ thì mới thống nhất được điều trị đúng, chỉ định đúng của các bệnh viện, các bác sỹ” – ông Sơn nhắc lại.
Theo Vũ Hạnh (VOV)