Ra mắt bộ sách kỷ niệm 150 năm Minh Trị Duy tân tại Hà Nội
Minh Trị Duy tân-Những cải cách nền tảng là chủ đề tọa đàm, ra mắt bộ sách kỷ niệm 150 năm Minh Trị Duy tân (1868-2018), tổ chức ngày 6.2, tại Hà Nội.
Tại sự kiện, tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), người có nhiều thời gian quan sát, suy nghĩ về sự phát triển của nước Nhật khi làm luận văn tiến sỹ tại đây điểm lại lịch sử phát triển của Nhật Bản.
Ông cho rằng cách đây 150 năm, bắt đầu từ năm 1868, tại Nhật Bản đã diễn ra cuộc cải cách Minh Trị, còn gọi là Minh Trị Duy tân.
Đây là một chuỗi các sự kiện cải cách, cách tân dẫn đến các thay đổi to lớn trong cấu trúc xã hội và chính trị của Nhật Bản.
Sự kiện có tính bước ngoặt này đã mở đường cho việc biến nước Nhật Bản phong kiến thành một nước tư bản chủ nghĩa hùng cường về sau.
Cuộc cải cách đã đưa nền kinh tế Nhật Bản phát triển mạnh mẽ trong 30 năm cuối thế kỷ XIX, đưa nước Nhật trở thành một cường quốc quân sự vào năm 1905. Nhờ đó, Nhật Bản đã phát triển đất nước theo con đường hiện đại hóa, tránh được sự xâm lược của các nước phương Tây vào thời Cận đại.
Thành quả vĩ đại ấy là sự cộng hưởng của rất nhiều yếu tố, trong đó không thể không kể đến công cuộc "cải cách giáo dục” và vai trò đặc biệt to lớn của nhà tư tưởng Fukuzawa Yukichi.
Ông Vũ Trọng Đại, Giám đốc Công ty cổ phần Sách Omega Việt Nam nhấn mạnh: cho dù cuộc cách mạng này đã trải qua 150 năm nhưng những bài học từ sự kiện quan trọng làm đổi thay nước Nhật sẽ vẫn còn nguyên giá trị và đáng để Việt Nam tham chiếu và học hỏi.
Bộ sách được giới thiệu tới độc giả Thủ đô gồm ba cuốn "Khái lược văn minh luận” và "Phúc Ông tự truyện” của tác giả Fukuzawa Yukichi (Nhật Bản); "Nhật Bản Duy tân 30 năm” của Đào Trinh Nhất.
Fukuzawa Yukichi viết "Khái lược văn minh luận” năm 1875, gần 10 năm sau khi công cuộc Minh Trị Duy tân bắt đầu ở Nhật. Đó là giai đoạn người Nhật vẫn phải đương đầu với những chống đối trong nước, với nhiều người thuộc phe có tinh thần bảo thủ muốn duy trì thể chế, nhất là toàn bộ các yếu tố truyền thống lâu đời.
Nhận thức được những khó khăn đó, Fukuzawa Yukichi tin rằng, cần lý giải rõ hành trình mà nước Nhật Bản phải đi để tạo dựng nền văn minh mới, nền văn minh hiện đại của một quốc gia hiện đại.
Nhà văn, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu, người hiệu đính, viết lời giới thiệu cuốn "Khái lược văn minh luận” cho rằng: thành công của Fukuzawa chủ yếu là ở ngòi bút.
Các tác phẩm của ông là một hiện tượng văn hóa chưa từng có ở Nhật Bản. Từ năm 1860-1893, ông đã viết hơn 100 tác phẩm, phát hành đến hơn 7,4 triệu bản.
Những tác phẩm hàng đầu của ông là "Khái lược văn minh luận” và "Phúc Ông tự truyện” có giá trị văn chương cao, mở đầu cho thể loại tự truyện trong văn học hiện đại.
Bên cạnh cuốn "Khái lược văn minh luận” mới được xuất bản, cuốn "Nhật Bản Duy tân 30 năm” tái bản lần này được xem như một cuốn cẩm nang sử học để tìm hiểu về nước Nhật Bản trong giai đoạn thực hiện công cuộc Duy tân.
Cũng là cuốn sách được tái bản, "Phúc Ông tự truyện” là tự truyện về cuộc đời thăng trầm của Fukuzawa Yukichi giúp hiểu hơn về nhân cách cũng như tư tưởng lớn của ông.
Fukuzawa Yukichi (!835-1901) được coi là nhà tư tưởng cho công cuộc Duy tân Minh Trị để hình thành nhà nước Nhật Bản hiện đại.
Các hoạt động của ông như viết sách, dịch sách, làm báo, lập trường học… đều tập trung cho tư tưởng văn minh, chỉ ra con đường khai sáng cho đất nước, con người Nhật Bản.
Ông để lại số lượng tác phẩm khổng lồ, đóng góp vào sự phát triển tư tưởng, tri thức của người Nhật. Trong số đó, một số tác phẩm nổi bật đã được dịch sang tiếng Việt như "Phúc Ông tự truyện,” "Khuyến học”…
Trước đó, cuộc tọa đàm, ra mắt bộ sách kỷ niệm 150 năm Minh Trị Duy tân với chủ đề "Minh Trị Duy tân-Văn minh phương Tây và tinh thần Nhật Bản” đã được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 4.2.
Theo TTXVN