“Nhịp cầu” khoa học ICISE:
Một hình ảnh đẹp của Việt Nam với thế giới
Những năm gần đây, thành phố biển Quy Nhơn luôn rộn ràng khi có nhiều nhà khoa học đoạt giải Nobel cùng hàng trăm nhà khoa học nổi tiếng, các tập đoàn, trường đại học lớn trên thế giới đặt chân đến. Tên tuổi và những phát minh vĩ đại của họ đã góp phần làm cho Quy Nhơn - Bình Định dần “có tên” trên bản đồ khoa học thế giới.
Ðó là sức hút của Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) (tại phường Ghềnh Ráng - TP Quy Nhơn). Hòa mình với thiên nhiên, ICISE nằm bên bờ biển Quy Hòa nối với dãy núi bao quanh bằng một dòng sông nhỏ. Vẻ đẹp tự nhiên của ICISE đã được đề cử top 16 hạng mục “Công trình kiến trúc giáo dục đại học và nghiên cứu đẹp nhất thế giới” của Liên hoan Kiến trúc thế giới năm 2017.
Nơi hò hẹn, gặp gỡ
Năm 2017 cũng đánh dấu cột mốc khi ICISE được Hiệp hội các Trung tâm hội nghị quốc tế công nhận và trở thành thành viên đầu tiên từ Việt Nam tham gia mạng lưới này. ICISE trở thành nơi “hò hẹn” của những phát minh, những ý tưởng khoa học của hàng ngàn nhà khoa học trên thế giới trong các chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” từ năm 2013 đến nay.
ICISE ra đời như duyên kỳ ngộ của những cuộc gặp gỡ bắt cầu suốt 50 năm từ vợ chồng GS Trần Thanh Vân - Lê Kim Ngọc. “Lúc ông nói về trung tâm dự định xây ở Việt Nam, mọi người đều nhìn ông ấy lắc đầu. Nhưng ông ấy thực sự là một người có tầm nhìn xa, dám mơ ước và dám làm. Ông đã hiện thực hóa tầm nhìn và mơ ước của mình bằng các cuộc Gặp gỡ Moriond, Gặp gỡ Blois và Gặp gỡ Việt Nam” - GS Klima Boaz, Trung tâm Nghiên cứu Fermilab (Mỹ), nói về ý tưởng xây dựng ICISE của GS Trần Thanh Vân.
Nằm trong lòng TP Quy Nhơn, ICISE như một cửa sổ mở tầm nhìn ra thế giới, gieo mầm, nuôi dưỡng cho khoa học. Những khám phá khoa học mới nhất sẽ còn tiếp tục ở đây nhằm khuyến khích những nghiên cứu thông qua hợp tác và trao đổi thông tin quốc tế.
Sứ mệnh của ICISE - như GS Vân cho biết - không chỉ phục vụ nhu cầu giao lưu, gặp gỡ giữa giới khoa học trong và ngoài nước mà còn là một đầu mối góp phần kết nối các nền khoa học non trẻ ở châu Á với những trung tâm tri thức lớn trên thế giới. Ông luôn hy vọng ICISE đủ sức làm điểm khởi đầu giúp rút ngắn khoảng cách giữa phát triển kinh tế với trình độ khoa học Việt Nam với thế giới. Và, ông đặt niềm tin trung tâm sẽ được khai thác hữu ích trong việc thúc đẩy trao đổi khoa học, chia sẻ kinh nghiệm giáo dục giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển.
Các cuộc hội ngộ của GS Trần Thanh Vân kéo các nhà khoa học xích lại gần nhau. Nhiều người chỉ biết nhau trên sách báo, nhờ các cuộc “gặp gỡ”, họ biết nhau, hợp tác, cùng làm những đề tài nghiên cứu... Điểm hẹn này cũng là cơ hội để các nhà khoa học trẻ Việt Nam xây nền móng nghiên cứu cho khoa học trong nước.
ICISE được xây dựng trên một mảnh đất đẹp, rộng 20 ha, do hai kiến trúc sư người Pháp Jean Francois Milou và Thomas Rouyrre thuộc Văn phòng Kiến trúc Milou thiết kế. Với mục đích mang đến một không gian hội nghị, nghiên cứu và nghỉ dưỡng nhiều tiện ích cho giới khoa học, Thomas Rouyrre cho biết, tư tưởng kiến trúc của công trình này là hài hòa với thiên nhiên, chứ không thách thức thiên nhiên.
Tiến sĩ Lê Công Nhường, Giám đốc Sở KH&CN, cho hay, với định hướng phát triển KH&CN của tỉnh, khu vực Quy Hòa trở thành khu đô thị khoa học và giáo dục. Trong đó, ICISE là hạt nhân tập hợp các nhà khoa học trong và ngoài nước đến đây tổ chức hội thảo, nghiên cứu, giúp Bình Định phát triển KH&CN.
“Trung tâm ICISE là biểu tượng cho mối quan hệ hợp tác khoa học Pháp - Việt. Trong tương lai, chúng tôi sẽ cố gắng dựa vào những mối quan hệ để kết nối với các đơn vị, tổ chức khác của thế giới giúp cho hoạt động của trung tâm. Chúng tôi dự kiến sẽ tổ chức một số hội nghị, hội thảo, các hoạt động khoa học của phía Pháp tại ICISE để góp phần nâng cao tầm hoạt động của trung tâm này trên trường thế giới”
Ông Etienne Rolland-Piegue
Nơi đây, đã diễn ra hàng trăm hội nghị quốc tế và những công bố làm chấn động giới khoa học từ hạt Higgs (Nobel Vật lý 2013), những thí nghiệm và kết quả thu được sóng hấp dẫn (Nobel Vật lý 2017). Rất nhiều những nghiên cứu khoa học cơ bản có thể làm thay đổi thế giới đều được các nhà khoa học mang tới để trình bày trong các hội nghị ở ICISE.
Nhiều cảm xúc lạ khi đặt chân đến không gian này, ICISE là “cửa sổ nhìn ra vũ trụ”. Sự hoàn thành của Tổ hợp không gian khoa học sắp tới, Viện nghiên cứu xuất sắc do GS đoạt giải Nobel Vật lý Friedman sáng tạo, nhà suy ngẫm, khu nghỉ dưỡng... tạo một hệ thống du lịch khoa học độc nhất vô nhị có thể thu hút đông đảo du khách và các nhà khoa học đến để chiêm ngưỡng, trải nghiệm và học tập.
Không chỉ là nơi hội thảo khoa học, ICISE còn hình thành các viện nghiên cứu, các chương trình học bổng dành cho thế hệ trẻ đam mê khoa học. Đây vừa là điểm hẹn vừa là bệ phóng cho những người yêu khoa học ở Việt Nam trong tương lai.
Trở lại ICISE đầu tháng 12.2017, ông Etienne Rolland-Piegue - Tham tán văn hóa Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam đã trải lòng câu chuyện lần đầu tiên đặt chân đến ICISE qua lời mời của GS Trần Thanh Vân cách đây 3 tháng khi ông bắt đầu nhiệm kỳ ở Việt Nam: “Tôi không ngờ ở Quy Nhơn - Việt Nam lại có một trung tâm khoa học mang tầm quốc tế như vậy. Hàng cây trồng bởi các giáo sư đoạt giải Nobel minh chứng cho tầm vóc quốc tế của trung tâm. Những hội thảo mang tầm vóc quốc tế đem lại một vị thế cho trung tâm với giới khoa học, một hình ảnh đẹp của Việt Nam trên trường quốc tế”.
ĐĂNG THƯ
Tôi muốn quan tâm, tìm hiểu và muốn tham gia Hội thảo quốc tế với chủ đề “Khoa học để phát triển” sẽ diễn ra từ ngày 9-10/5/2018, tại Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE). Mong toà soạn cho các thông tin và yêu cầu của Hội thảo. Trân trọng!