Đô thị Quy Nhơn: “Biển & thương mại”
Từ tầm nhìn “biển và thương mại”, đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP Quy Nhơn và vùng phụ cận đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, đã định hướng hình thành một đô thị biển với cảnh quan mang bản sắc riêng độc đáo và hấp dẫn.
DẤU ẤN RIÊNG
Dải bờ biển đẹp ôm lấy vịnh Quy Nhơn được quy hoạch khai thác tối đa không gian thành phố hướng ra biển. Ông Ngô Hoàng Nam, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn cho biết: “Sắp tới, đường ven biển Xuân Diệu sẽ được quy hoạch lùi vào trong, nhường chỗ cho công viên văn hóa - nghệ thuật cặp sát bờ biển, trải dài 3km từ Quảng trường Nguyễn Tất Thành tới Quảng trường Chiến thắng. Không gian này sẽ có nhiều điểm nhấn như: quảng trường ánh sáng, quảng trường nước, vườn sáng tác, vườn nghệ thuật, các tiện ích văn hóa thể thao…, kết hợp tôn vinh văn hóa bản địa và cảnh đẹp tự nhiên. Để tạo nét mềm mại, thân thuộc với đời sống cộng đồng, quy hoạch sẽ hạn chế tối đa việc bê tông hóa, “nói không” với công trình nhà hàng tiệc cưới nằm sát bãi biển”.
Bên cạnh đó, các trục giao thông lớn của thành phố như Lý Thái Tổ, Lê Hồng Phong... thông ra biển, tạo không gian phát triển đô thị mới và gắn với biển. Nhiều công trình cao tầng như FLC Sea Tower, Khu phức hợp BMC, Khu phức hợp Kim Cúc, TMS Luxury Hotel Quy Nhơn Beach... dọc tuyến đường ven biển, tạo nên điểm nhấn kiến trúc hiện đại cho thành phố, được quy hoạch bố trí đan xen thông thoáng, hài hòa với cảnh quan xung quanh, tránh tạo cảm giác hình thành một bức tường bê tông ngột ngạt che kín mặt tiền thành phố.
Ở phía Nam thành phố, tại Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) ra đời từ năm 2013, Tổ hợp Không gian khoa học với điểm nhấn là Nhà mô hình vũ trụ chuẩn bị đi vào hoạt động vào tháng 5 tới, trong tương lai không xa là Công viên Khoa học Quy Hòa phục vụ phát triển phần mềm…, tạo tiền đề hình thành Khu đô thị Khoa học và giáo dục Quy Hòa rộng 41,3ha. Tất cả tạo thành nét riêng có, giúp định vị thương hiệu Quy Nhơn - Bình Định trên bản đồ du lịch khoa học khu vực và thế giới.
MỞ RỘNG KHÔNG GIAN
Không chỉ là “điểm đến” du lịch nổi tiếng, TP Quy Nhơn còn mang sứ mệnh trở thành một trung tâm kinh tế biển của vùng và quốc gia. Để hiện thực hóa điều này, thành phố không ngừng mở rộng về hướng Bắc và hướng Tây nhằm phát triển không gian cấu trúc đô thị mới. “Mỗi khu vực có điểm nhấn riêng tùy vị trí, chức năng, tính chất đặc thù đô thị của khu vực đó. Điều quan trọng là khai thác lợi thế đặc thù của từng khu để phát triển. Chẳng hạn, khu vực phường Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân khai thác lợi thế về đầu mối giao thông để phát triển công nghiệp. Khu vực Tây Bắc định hướng phát triển logistics, phục vụ cảng biển. Trên hành trình phát triển, nhiều yếu tố động lực mới xuất hiện. Vì vậy, quy hoạch không rập khuôn, cứng nhắc mà sẽ được rà soát, điều chỉnh phù hợp với tình hình KT-XH”, ông Huỳnh Ngọc Hoàng, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quy hoạch-Kiến trúc, Sở Xây dựng nói.
“Ðô thị biển Quy Nhơn đã hình thành qua hơn 400 năm với bao thăng trầm của lịch sử hun đúc nên giá trị bản sắc văn hóa riêng. Ngày nay, thành phố sẵn sàng tâm thế mở rộng, hướng ra và đón biển với những đồ án quy hoạch mang tính đột phá”
Khu Kinh tế Nhơn Hội trước đây được quy hoạch là khu kinh tế tổng hợp với trọng tâm là dự án lọc hóa dầu. Hiện nay, yếu tố du lịch nổi lên, kéo theo thay đổi định hướng ưu tiên phát triển thương mại dịch vụ, du lịch, khu đô thị mới. Một số khu chức năng như sân golf, khu động vật hoang dã được bổ sung vào quy hoạch, ông Hoàng cho biết thêm. Tương lai không xa, với tuyến đường nối sân bay Phù Cát với Khu Kinh tế Nhơn Hội, vùng đất đầy gió cát trên bán đảo Phương Mai này sẽ được thổi một sức sống mới. Sẽ không chỉ có quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC, khu đô thị mới Nhơn Hội mà còn có các công trình trên tuyến du lịch Cát Hải, Cát Tiến mọc lên, tạo động lực phát triển mới cho Quy Nhơn.
Khu vực quanh đầm Thị Nại cũng sẽ được khai thác nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, đô thị sinh thái ven đầm. Một cuộc thi ý tưởng quốc tế về quy hoạch đầm Thị Nại đang được tổ chức. “Đề bài tuy mở nhưng phải đảm bảo được yêu cầu phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên, tôn trọng cảnh quan tự nhiên vùng đầm ngập mặn trong tổ chức không gian và gìn giữ môi trường trong sạch”, ông Lê Đăng Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho hay.
Đô thị biển Quy Nhơn đã hình thành qua hơn 400 năm với bao thăng trầm của lịch sử hun đúc nên giá trị bản sắc văn hóa riêng. Ngày nay, thành phố sẵn sàng tâm thế mở rộng, hướng ra và đón biển với những đồ án quy hoạch mang tính đột phá.
TỐ UYÊN