THÀNH TỐ “NHƠN” TRONG ĐỊA DANH Ở BÌNH ÐỊNH:
Một nét độc đáo
Có một hiện tượng thú vị là số lượng địa danh có thành tố “nhơn” ở tỉnh Bình Định có số lượng rất lớn, điều hiếm gặp ở các địa phương khác. Có thể kể ra một số trường hợp như sau: Địa danh cấp thành phố có Quy Nhơn; cấp thị xã có An Nhơn; cấp huyện có Hoài Nhơn; cấp phường có Nhơn Bình, Nhơn Phú, Nhơn Hưng, Nhơn Hòa, Nhơn Thành; cấp xã có Nhơn Hải, Nhơn Hội, Nhơn Hạnh, Nhơn Hậu, Nhơn Khánh, Nhơn Phong… Vậy thành tố “nhơn” trong những địa danh này có ý nghĩa là gì và có mang trong mình những giá trị nào không?
“Nhơn” trong đa số địa danh ở Bình Định là biến thể của chữ “nhân” 仁 do hiện tượng kị húy. Từ đời Thiệu Trị, vì kị húy Thánh tổ Nhân hoàng đế Minh Mạng, chữ “nhân” bị đọc trại thành “nhơn”. Chữ này có nghĩa là “lòng thương người, tính khoan hậu”. “Nhân” là một thuật ngữ nổi tiếng của Nho giáo. Đây còn là một chủ trương cai trị của nhiều triều đại phong kiến chịu ảnh hưởng của Nho giáo, được gọi là “nhân chính” (dùng lòng nhân để cai trị).
Các địa danh có thành tố “nhơn” ở Bình Định hầu hết đều ra đời dưới các thời nhà Nguyễn, do chính quyền đặt, là những địa danh Hán Việt và mang nhiều giá trị lịch sử - văn hóa. Điều này thể hiện rõ qua thành tố “nhơn”.
Trước hết, thành tố này thể hiện phần nào chủ trương “nhân chính” của các chúa, vua nhà Nguyễn. Khi đặt tên cho một số vùng đất, chính quyền nhà Nguyễn đã dùng tên gọi được đặt cho vùng đất ấy để nói lên đường lối cai trị của mình. Chẳng hạn, Quy Nhơn có nghĩa là “(nơi) đức nhân tụ về”, Hoài Nhơn có nghĩa “nhớ mong về điều nhân”, Nhơn Hội có nghĩa “(nơi) đức nhân hội về”, Nhơn Hải có nghĩa “biển của điều nhân”, Nhơn Lý có nghĩa “làng của điều nhân”…
Bên cạnh đó, thành tố “nhơn” còn nói lên những mong ước tốt đẹp của người xưa về vùng đất được đặt tên. Đó là ước mong về cuộc sống yên vui, giàu đẹp. Điều này thể hiện qua nhiều địa danh như An Nhơn (yên ổn và nhân hòa), Nhơn Hưng (nhân hòa và hưng thịnh), Nhơn Khánh (nhân hòa và vui mừng), Nhơn Mỹ (nhân hòa và đẹp đẽ), Nhơn Tân (nhân hòa và tươi mới)…
Tóm lại, địa danh có thành tố “nhơn” ở Bình Định không những có số lượng lớn mà còn mang nhiều giá trị lịch sử - văn hóa. Đây là hiện tượng độc đáo của địa danh ở Bình Định so các địa phương khác.
Th.S PHẠM TUẤN VŨ
Thực tế thì nhiều địa phương có tên xã là một trong 2 tiếng của tên huyện. Chẳng hạn tỉnh tôi: huyện Nghi Xuân toàn bộ các xã bắt đầu bằng "Xuân", tất cả các xã huyện Đức Thọ bắt đầu bằng "Đức", huyện Can Lộc thì tiếng sau (thứ 2) đều là "Lộc", huyện Kỳ Anh bắt đầu bằng "Kỳ", huyện Hương Sơn bắt đầu bằng "Sơn"... Các huyện của Quảng Bình, Nghệ An và một số tỉnh khác cũng tương tự. Ths Phạm Tuấn Vũ có thấy "sự độc đáo" ở những địa danh này không? Có gì khác với Bình Định?