Không thực tập thì khó nói đến “gắn bó thực tế”
Trên báo Bình Định số ra ngày 6.2, trả lời phỏng vấn của phóng viên, PGS.TS Đỗ Ngọc Mỹ - Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn cho biết, trường đặc biệt chú trọng chất lượng nguồn tuyển cũng như tính toán đến ngành nghề, chương trình đào tạo để tăng tỉ lệ sinh viên tìm được việc làm khi tốt nghiệp (link: http://www.baobinhdinh.com.vn/viewer.aspx?macm=6&macmp=7&mabb=96223).
PGS.TS Đỗ Ngọc Mỹ nhấn mạnh: “Để thu hút đầu vào, chúng tôi tiếp tục tư vấn hướng nghiệp cụ thể để người học và phụ huynh lựa chọn ngành nghề thích hợp và đặc biệt tìm được việc làm ngay khi ra trường”. Về vấn đề “chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu thực tiễn...” PGS.TS Đỗ Ngọc Mỹ cam kết: “Trường ĐH Quy Nhơn phấn đấu đạt 75% sinh viên ra trường có việc làm trong thời gian tới. Để đạt được mục tiêu này, chất lượng đào tạo có vai trò quyết định. Chất lượng ở đây phải hiểu là sản phẩm được xã hội thừa nhận”.
Vừa rồi, người viết bài có dịp hướng dẫn thực tập một nhóm sinh viên ngành Văn - Tổng hợp của ĐH Quy Nhơn, điều đáng ngạc nhiên là các em cho biết, phần thực tập không còn được tính điểm, không bắt buộc, ai có nhu cầu thì khoa, trường sẽ giới thiệu.
Hết sức hồ nghi, tôi bèn hỏi thăm một giảng viên của ĐH Quy Nhơn, cũng như nhóm sinh viên kia, anh cho biết - phần thực tập không còn nằm trong chương trình chính khóa với những sinh viên thuộc hệ tổng hợp - không riêng gì ngành Văn mà còn ở nhiều ngành đào tạo khác; có nghĩa sẽ không có điểm cho mảng kiến thức này. Nếu sinh viên có nhu cầu, trường sẽ giới thiệu. Nhưng nếu sinh viên không thực tập cũng không sao! Riêng sinh viên ở hệ sư phạm vẫn có phần thực tập bình thường. Và đáng chú ý, phần này có hệ số điểm khá cao.
Mấy năm gần đây, có nhiều thông tin về việc Trường ĐH Quy Nhơn gắn đào tạo với nhu cầu thực tế, đào tạo có địa chỉ. Tháng 10.2017, trường được Bộ GD&ĐT trao giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục. Trong chương trình phát triển giai đoạn 2016-2030, trường đặt mục tiêu hướng tới đạt chuẩn ASEAN (link: http://bnews.vn/xay-dung-truong-dai-hoc-quy-nhon-dat-tieu-chuan-chat-luong-cua-khu-vuc-dong-nam-a/71262.html).
Chúng tôi biết, những năm qua, một số khoa, ngành của Trường ĐH Quy Nhơn rất tích cực trong những hoạt động có tính hướng nghiệp, tổ chức nhiều CLB hỗ trợ sinh viên sáng tạo... Nhưng không phải vì thế mà có thể cho phép cho ra lò những cử nhân chỉ qua một đợt kiến tập có tính tham quan, “cưỡi ngựa xem hoa” mà không có được thực tập một cách nghiêm túc. Thiết nghĩ, trước khi đề ra những mục tiêu to lớn, nên nghĩ đến việc tổ chức sao để sinh viên được thực tập hiệu quả.
Ai từng học đại học đều biết ý nghĩa và giá trị của đợt thực tập quan trọng như thế nào. Trước nỗi lo về sự thưa thớt đầu vào, PGS.TS Đỗ Ngọc Mỹ có cái nhìn khá tích cực “dạy mà khi tốt nghiệp, các cử nhân không đáp ứng được yêu cầu công việc thực tế thì càng lo hơn, vì điều đó ảnh hưởng đến uy tín và cả sự tồn tại của nhà trường trong môi trường cạnh tranh khốc liệt sắp tới”. Vậy thì các cử nhân của Trường ĐH Quy Nhơn sẽ đáp ứng “yêu cầu công việc thực tế” như thế nào; sẽ ứng dụng, sẽ chuyển kiến thức từ giảng đường vào thực tiễn ra sao, một khi việc thực tập được thả nổi. Và đặc biệt khi thái độ của nhà trường với vấn đề thực tập lại hờ hững đến vậy?
TRẦN BÁ PHÙNG