Tăng cường tuyên truyền pháp luật ở vùng sâu, vùng xa
Đất đang trồng keo nhưng chưa được cấp sổ chủ quyền thì làm thế nào để được khai thác, hay tranh chấp quyền lợi giữa lối đi liền kề cần giải quyết thế nào cho đúng… Đó là một vài thắc mắc tiêu biểu mà người dân tham vấn cán bộ của đoàn trợ giúp pháp lý, thuộc Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước tỉnh, khi đoàn về xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh TGPL cho người dân.
Ông Huỳnh Văn Chưa, Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh, cho biết, công tác tuyên truyền, tư vấn pháp luật, TGPL cho người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh thời gian qua luôn được chú trọng. Hình thức chủ yếu là tư vấn, giải đáp pháp luật, kết hợp tuyên truyền về Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới… và các chính sách, chế độ dành cho người dân tộc thiểu số. Thông qua các hoạt động TGPL, đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng các dịch vụ pháp lý miễn phí, như: Tư vấn pháp luật; Tham gia tố tụng; Đại diện ngoài tố tụng và các hình thức khác theo quy định của pháp luật về TGPL. Quả thật, việc tư vấn tận tình từng sự việc cụ thể sẽ giúp người dân hiểu rõ vấn đề, những thắc mắc của mình, từ đó có hướng giải quyết phù hợp.
Trường hợp gia đình bà Đinh Thị V., (làng K4, xã Vĩnh Sơn) là một ví dụ. Gia đình bà có 4 anh chị em, cách đây không lâu cha bà qua đời, mẹ thì đã mất trước đó và khi cha mẹ bà mất, không để lại di chúc. Tuy vậy, người anh cả lại cho rằng mình là anh cả nên được quyền thừa hưởng toàn bộ tài sản, vì truyền thống gia đình xưa nay vẫn thế. Điều này dẫn đến anh em bất hòa. Trước thắc mắc của bà là anh cả có quyền thừa hưởng toàn bộ tài sản của cha mẹ để lại không, trợ giúp viên đã giải thích rõ các điều khoản mà luật quy định một cách dễ hiểu nhất. Đó là, khi bố mẹ mất không để lại di chúc thì không kể là con trưởng hay con thứ, con trai hay con gái, tất cả đều được hưởng phần di sản bằng nhau. Bà V. chia sẻ: “Tham gia buổi tư vấn hôm nay, anh em tôi tuy không có mặt đầy đủ nhưng cũng phần nào hiểu vấn đề. Sau hôm nay, anh em tôi sẽ có cách giải quyết tốt hơn, giữ được hòa khí trong nhà”.
Thực tế cho thấy nhu cầu tìm hiểu pháp luật trong nhân dân rất lớn. Vì vậy, những buổi tuyên truyền, tư vấn lưu động sẽ giúp người dân có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với thông tin và pháp luật. Trưởng làng K4, ông Đinh Văn Vinh, chia sẻ: “Người dân chúng tôi mong được tổ chức thường xuyên các buổi tư vấn. Vì chúng tôi còn nhiều điều chưa rõ và rất cần được hỗ trợ để hiểu về những vấn đề đang quan tâm”.
Với phương châm “mang pháp luật đến với mọi người”, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã thường xuyên tổ chức các đợt TGPL lưu động tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trong tỉnh. Dịp này, Trung tâm đã tổ chức tư vấn lưu động tại 9 điểm. Ông Huỳnh Văn Chưa cho biết, với hàng chục ngàn văn bản quy phạm pháp luật từ Trung ương đến địa phương được ban hành để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, người dân khó mà tiếp cận hết được. Chỉ có đến tận nơi, tuyên truyền phổ biến cụ thể mới mong trang bị cho họ những kiến thức cơ bản về pháp luật, từ đó giúp họ thực hiện đúng cũng như đảm bảo được quyền lợi chính đáng của mình.
K.ANH