Kỷ luật cách chức ông Lê Phước Thanh:
“Cán bộ không liêm chính chắc chắn sẽ lĩnh hậu quả xấu“
Đã một thời gian dài vai trò quan trọng của việc giáo dục liêm chính đối với cán bộ bị lãng quên. Lãnh đạo, người có vị trí cần phải làm gương
Ban Bí thư vừa họp và quyết định thi hành kỷ luật cách chức Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Lê Phước Thanh.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Ngô Huy Cương (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội), đã một thời gian dài chúng ta lãng quên vai trò quan trọng của việc giáo dục liêm chính đối với cán bộ. Những người lãnh đạo, những người có vị trí trong xã hội phải làm gương cho bên dưới.
PGS-TS Ngô Huy Cương cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến mất liêm chính là công tác cán bộ khi bị chủ nghĩa thân hữu chi phối quá mạnh, “quan hệ, nội duệ, tiền tệ, trí tuệ” như người dân ca thán. Điều này cũng đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ ra nhiều thời gian vừa qua. Cán bộ không liêm chính chắc chắn sẽ lĩnh hậu quả xấu.
Dư luận không khỏi bức xúc khi ông Lê Phước Thanh từng giải thích cho sự không gương mẫu, biểu hiện ưu ái, vun vén cho gia đình của mình rằng không hề và không thể can thiệp vào việc bỏ phiếu bổ nhiệm con trai ông làm Giám đốc Sở, bởi các bước đều được tiến hành rất chặt chẽ, đúng quy trình.
Đại tá, Tiến sỹ, Nhà giáo ưu tú Châu Nam Long cho rằng việc bổ nhiệm nếu không được làm đầy đủ các bước thì không thể nói là đúng quy trình. “Quy trình là để xem xét một cách cẩn thận, chặt chẽ đối với người được đề bạt, tránh tùy tiện, lợi dụng đưa người nhà, người thân vào vị trí không cần thiết. Nếu cấp ủy, tổ chức xem xét, đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm đàng hoàng thì tránh được việc tùy tiện, tránh lợi dụng đề bạt để đưa người thân, người nhà vào. Bởi đúng quy trình nhưng thực ra không làm đầy đủ các bước thì không thể đúng quy trình”, Đại tá Châu Nam Long phân tích.
Từ việc kỷ luật ông Lê Phước Thanh, để tránh tình trạng đề bạt, luân chuyển cán bộ, đưa người nhà vào những vị trí không hợp lý, việc thực hiện Quy định số 98 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý cần được đề cao, đặc biệt cần quan tâm đổi mới mạnh mẽ công tác luân chuyển cán bộ, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, công bằng; ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, quan hệ dòng họ, thân quen...
Ông Bùi Đức Phiện, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra, Liên hiệp Giao thông 2, Bộ Giao thông - Vận tải nêu quan điểm ủng hộ việc giám sát chặt chẽ mọi mặt trong quy trình bổ nhiệm, luân chuyển. Theo ông Phiện cần chú ý 3 điểm: thận trọng, tạo điều kiện và phải giám sát công tác Đảng.
Ban Bí thư kỷ luật cách chức Bí thư Tỉnh ủy đối với ông Lê Phước Thanh là bài học cho công tác cán bộ; bài học về trọng dụng “người tài” hay “người nhà”... Đổi mới mạnh mẽ công tác luân chuyển cán bộ sẽ góp phần bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch; ngăn chặn tiêu cực và tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện thực tiễn; tạo nguồn cán bộ lâu dài cho đất nước./.
Theo Lại Hoa (VOV1)