Làng Văn hóa sức khỏe Hà Văn Trên
Xuân đã về với làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh, với tin vui năm 2017, làng lại được công nhận là “Làng Văn hóa sức khỏe”. Tin vui này khiến bà con dân làng rất phấn khởi vì đây là năm thứ 11 liên tiếp, làng Hà Văn trên được công nhận“Làng Văn hóa sức khỏe”.
Một góc làng văn hóa sức khỏe Hà Văn Trên.
Đến làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận, điều đầu tiên mà chúng tôi cảm nhận được đó là không khí trong lành, mát mẻ; sự ngăn nắp, sạch sẽ, gọn gàng. Ông Đoàn Hữu Phước, Trưởng làng cho biết: Làng Hà Văn Trên chỉ có 95 hộ với 360 nhân khẩu, nhưng là nơi sinh sống của 6 đồng bào dân tộc khác nhau. Khi mô hình làng văn hóa sức khỏe mới được triển khai, nhiều người rất dè dặt, nhưng với quyết tâm cao của Ban quản lý làng, Ban vận động xây dựng Làng Văn hóa sức khỏe cộng với công tác tuyên truyền vận động tại các buổi họp làng, qua sinh hoạt hội, đoàn thể, dần dần bà con hiểu được lợi ích của việc xây dựng gia đình văn hóa sức khỏe.
“Các tiêu chí xây dựng làng văn hóa sức khỏe như hơi thở của mùa xuân thổi vào phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng môi trường xanh- sạch-đẹp ở làng Hà Văn Trên, góp phần cùng địa phương sớm hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.”
Ông Nguyễn Sinh Cơ, bí thư chi bộ làng Hà Văn Trên chia sẻ: Nếu chỉ trông chờ cấp trên thì không được, Ban quản lý làng phải chủ động tuyên truyền vận động thường xuyên theo kiểu mưa dầm, thấm lâu. Đặc biệt đảng viên phải tự giác, gương mẫu thực hiện thì bà con mới làm theo.
Không máy móc, rập khuôn, 11 tiêu chí về xây dựng làng văn hóa sức khỏe, Ban vận động đã triển khai, áp dụng một cách linh hoạt, phù hợp với đặc điểm tình hình của làng, quy định từng gia đình phải giữ vệ sinh khuôn viên gia đình mình, đào hố để xử lý rác thải; phân tích cho bà con thấy lợi ích của việc xây nhà vệ sinh tự hoại và nhà vệ sinh nổi, để mỗi gia đình có sự lựa chọn tốt nhất cho mình; hàng tuần chi hội phụ nữ huy động chị em tập trung làm vệ sinh ở nhà rông và đường làng, phân tích để thấy rõ lợi ích của việc chăn nuôi có chuồng trại… từng bước hình thành thói quen giữ vệ sinh môi trường.
Nhờ tích cực trong việc vận động, triển khai thực hiện, ngay từ năm 2006, làng Hà Văn Trên đã đạt các tiêu chí xây dựng làng văn hóa sức khỏe; kết quả ấy không ngừng được nâng lên trong 11 năm qua. Đến nay, các cặp vợ chồng ở độ tuổi sinh đẻ trong làng đều nghiêm túc chấp hành chủ trương kế hoạch hóa gia đình, sử dụng các biện pháp tránh thai, số phụ nữ mang thai đều được đăng ký quản lý, trẻ em trong độ tuổi đều được tiêm phòng đầy đủ, 100% trẻ em đến tuổi đều được đến trường; xây chuồng trại gia súc, gia cầm xa nơi ở để đảm bảo sức khỏe cho các thành viên trong gia đình; 100% hộ gia đình trong làng đều có nhà tắm, hố xí hợp vệ sinh; không còn tình trạng gia đình sử dụng nước sông, nước suối mà 100% hộ dân trong làng đã sử dụng nước sạch từ giếng đào.
Anh Đinh Văn Dũng, một người dân trong làng cho biết: Ở làng văn hóa mới phải là khấm khá hơn, nhà nào cũng khỏe mạnh hơn, bà con trong làng đoàn kết yêu thương nhau, cả làng như một nhà. Bây giờ, ai có cuộc sống khá lên thì tự giác xin ra khỏi hộ nghèo; việc bình xét hộ nghèo trong làng không còn căng thẳng, mà thắm tình đoàn kết, hộ nghèo còn được bà con trong làng động viên, giúp đỡ để cùng thoát nghèo.
Các tiêu chí xây dựng làng văn hóa sức khỏe như hơi thở của mùa xuân thổi vào phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng môi trường xanh- sạch-đẹp ở làng Hà Văn Trên, góp phần cùng địa phương sớm hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
HẠNH PHÚC
Bài viết của tác giả về làng văn hóa này rất hay và rất đúng thực tế. Ai đến làng này hooặc đi ngang qua làng cũng thấy ngay vẻ sạch sẽ của làng, nhà cửa khang trang, xây dựng có trật tự chứ không bừa bộn...Cảm ơn tác giả Hạnh Phúc. Tuy nhiên, tác giả viết tên làng như vậy là chưa chính xác, chắc chắc sẽ gây hiểu nhầm cho nhiều khán giả nếu họ chưa biết đến làng này bao giờ. Hơn 25 năm trước đây, khi Nhà nước thực hiện chính sách định canh-định cư, đưa dân tộc thiểu số từ vùng rừng núi hẻo lánh về gần với đồng bằng, tại xã Canh Thuận này, ban đầu lập làng Hà Văn trên, sau đó lập thêm một làng nữa là Hà Văn dưới. Trên ở đây có nghĩa là phía trên, phía thượng nguồn. Còn dưới, nghĩa là dưới hạ nguồn, dưới thấp hơn. Do đó, khi đọc thì không phân biệt được, chứ viết thì phân biệt được. Cho nên phải viết là làng Hà Văn trên, Hà Văn dưới. Nếu không viết đúng, độc giả hiểu nhầm Hà Văn Trên là tên của vị anh hùng nào đó, hoặc danh nhân nào đó. Xin lưu ý như vậy !