XỬ LÝ RÁC THẢI SINH HOẠT VÀ CHẤT THẢI CHĂN NUÔI TẠI HOÀI ÂN, HOÀI NHƠN:
Gỡ khó cho các địa phương
Thời gian qua, rác thải sinh hoạt và chất thải chăn nuôi chưa được xử lý của một bộ phận người dân ở huyện Hoài Ân và Hoài Nhơn xả thải trực tiếp ra môi trường. Tình trạng này kéo dài nhiều năm, gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến mỹ quan nông thôn và sức khỏe cộng đồng.
Nhân viên Công ty TNHH Chế biến rác thải Duy Anh phân loại rác thải sinh hoạt sau thu gom. Ảnh: T.S
Ô nhiễm môi trường
Theo chính quyền các địa phương, việc thu gom, xử lý rác thải (TG-XLRT) sinh hoạt và chất thải chăn nuôi (CTCN) là vấn đề nan giải. Riêng tại Hoài Ân, bãi chôn rác tạm diện tích 4,7 ha tại xã Ân Tường Đông để xử lý rác sinh hoạt cho toàn huyện đã được quy hoạch nhiều năm qua, nhưng một số người dân địa phương phản đối, nên đến nay vẫn chưa thực hiện quy hoạch nói trên.
UBND huyện Hoài Ân đã chỉ đạo UBND thị trấn Tăng Bạt Hổ cùng 5 xã về đích nông thôn mới và xã Ân Nghĩa - là những địa phương có nguồn rác thải sinh hoạt lớn - xây dựng điểm chôn lấp rác tạm và tổ chức thu gom, xử lý. Song đến nay cũng chỉ có thị trấn Tăng Bạt Hổ và 2 xã Ân Nghĩa, Ân Tường Tây thực hiện. Riêng thị trấn Tăng Bạt Hổ, hiện có 50% rác thải của các hộ gia đình, chợ, cơ quan, đơn vị trên địa bàn được thu gom với khối lượng 5 tấn/ngày.
Việc xử lý CTCN ở huyện Hoài Ân cũng gặp nhiều khó khăn. “Ngoại trừ 3 trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn được ngành chức năng hỗ trợ chế phẩm vi sinh xử lý chất thải, lượng chất thải còn lại của hàng ngàn hộ gia đình chăn nuôi từ 50-100 con heo nằm trong các khu dân cư đều xả thải trực tiếp ra kênh mương hoặc sông, gây ô nhiễm môi trường” - ông Nguyễn Hữu Khúc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoài Ân, cho biết.
Ở huyện Hoài Nhơn, công tác TG-XLRT có chuyển biến khi địa phương đã thực hiện được quy hoạch bãi xử lý, chôn lấp chất thải rắn, nhưng lượng rác thải thu gom và xử lý không nhiều; hoạt động TG-XLRT của DN cũng gặp nhiều khó khăn.
Ông Trần Thái Hùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Chế biến rác thải Duy Anh, ở xã Hoài Thanh, cho biết: Năm 2013 và 2014, Công ty đã đầu tư trên 4,6 tỉ đồng xây dựng nhà máy chế biến rác thải thành phân bón hữu cơ và tổ chức dịch vụ thu gom rác thải tại 4 xã: Hoài Thanh, Hoài Hương, Hoài Hải, thị trấn Tam Quan; song chính quyền địa phương và người dân chưa thực sự quan tâm nên số hộ tham gia dịch vụ không nhiều. Việc thu phí dịch vụ thu gom rác thải rất khó khăn, Công ty thường xuyên bị thua lỗ”.
Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng cùng đại diện các sở, ngành của tỉnh vừa đi kiểm tra thực tế khu vực quy hoạch bãi chôn lấp rác thải tại thôn Thạch Long 1, xã Ân Tường Đông; và hoạt động xử lý, chế biến rác thải của Công ty Duy Anh tại xã Hoài Thanh; đồng thời làm việc với chính quyền huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn về công tác đảm bảo môi trường ở khu vực nông thôn.
Nhân dịp này, ông Hoàng Phi Long, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, đã kiến nghị ngành chức năng của tỉnh hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện bãi chôn lấp rác tạm tại xã Ân Tường Đông; kiến nghị tỉnh cho phép địa phương chuyển rác thải đến khu vực xử lý chất thải rắn của huyện Hoài Nhơn để xử lý và chỉ đạo ngành chức năng của tỉnh khảo sát, xem xét hỗ trợ các dự án đầu tư liên quan đến XLRT, bảo vệ môi trường. UBND huyện Hoài Nhơn và Công ty Duy Anh cũng đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí để tổ chức TG-XLRT tại các khu dân cư trên địa bàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng yêu cầu huyện Hoài Ân và Hoài Nhơn chỉ đạo ngành chức năng, các hội, đoàn thể vận động hội viên và người dân cùng tham gia TG-XLRT sinh hoạt và CTCN theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Riêng huyện Hoài Ân cần phải giải thích, thuyết phục các hộ dân phản ứng việc thực hiện quy hoạch bãi chôn lấp rác thải tạm, quyết tâm thực hiện cho được quy hoạch để giải tỏa một phần rác thải tại địa phương, lượng rác thải sinh hoạt còn lại đưa xuống bãi chôn lấp tại huyện Hoài Nhơn để xử lý. Về CTCN, địa phương phối hợp với ngành chức năng hỗ trợ người dân xử lý.
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Hoài Nhơn có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cho các DN tổ chức thực hiện dịch vụ TG-XLRT ở khu vực nông thôn, không để DN tự bơi như lâu nay. Sở KH&ĐT và UBND huyện Hoài Nhơn xem xét, thẩm định dự án xây dựng nhà máy xử lý 100 tấn rác thải/ngày của Công ty TNHH TM&XD Đa Lộc (tại TP Hồ Chí Minh) đã đăng ký đầu tư tại Hoài Nhơn, báo cáo UBND tỉnh. Các sở, ngành của tỉnh cân đối ngân sách hỗ trợ địa phương và DN thực hiện hoạt động TG-XLRT sinh hoạt và CTCN; xây dựng mô hình, chuyển giao quy trình XLRT, CTCN tại nhà cho dân. Các địa phương có nhiệm vụ nhân rộng mô hình.
PHẠM TIẾN SỸ