Dựng nêu đón Tết tại Hoàng cung Huế
Sáng 8.2 (23 tháng Chạp), lễ Thướng Tiêu (dựng nêu) trong Hoàng cung Huế đã diễn ra tại Thế Tổ Miếu và điện Long An, Đại nội Huế.
Lễ rước nêu - Ảnh: VGP/Thế Phong
Thướng Tiêu là một nghi thức truyền thống của dân tộc và cũng là một nghi lễ quan trọng vào đầu năm mới của triều Nguyễn. Ngoài những quan niệm tâm linh của dân gian, lễ dựng nêu của triều Nguyễn còn có mục đích để báo hiệu ngày Tết đã tới.
Ở Cô đô Huế hiện nay, lễ dựng nêu được tổ chức vào ngày 23 tháng Chạp tại Thế Miếu (từ 9h sáng) và điện Long An (từ 10h sáng). Được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tái hiện lần đầu tiên từ năm 2013, lễ dựng nêu đã trở thành một truyền thống không thể thiếu ở Khu Di sản Huế khi bắt đầu một cái Tết cổ truyền.
Theo truyền thống nghi lễ của triều Nguyễn, cây nêu được dựng trước dinh phủ, đình chùa, trước Điện Thái Hoà và các miếu trong Đại Nội. Cây nêu là một loại cây tre cao, to, chắc và dài chừng 15 m, ngọn còn để nguyên lá. Trên ngọn nêu có buộc bùa đào, ngoài việc ghi tên vị thần, còn treo câu đối Tết điển hình là câu: Tân niên nạp dư khánh/Gia tiết hiệu trường xuân - Năm mới thừa chuyện vui/Tiết đẹp xuân còn mãi.
Nghi thức rước nêu bắt đầu từ cửa Hiển Nhơn với 10 người lính trong trang phục chỉnh tề vác cây nêu. Đội rước nêu khởi hành trong âm thanh của Tiểu nhạc tiến vào Hoàng cung, đến cửa chính của khu vực Thế Miếu và tiến hành nghi thức dựng nêu. Nghi thức được cử hành nghiêm trang. Các nghi thức lễ như nghênh thần, khánh hạ được cử hành trong âm thanh của Đại nhạc. Sau phần lễ, 10 người lính vác nêu tiến hành dựng nêu lên.
Ngay sau khi tổ chức dựng nêu tại Thế Miếu, lễ dựng nêu thứ 2 tiếp tục được tổ chức tại khu vực điện Long An với các nghi lễ tương tự như ở Thế Miếu.
Đặc biệt, năm nay, sau nghi thức dựng nêu tại điện Long An, từ 10h30’, tại khu vực nhà Tế Tửu, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế còn tổ chức chương trình “Hương xưa bánh Tết”, có ý nghĩa là một khởi động đầu năm với những trải nghiệm về hương sắc Tết cũ qua những sắc màu truyền thống.
Chương trình “Hương xưa bánh Tết” bao gồm các âm điệu ca Huế, các trò chơi cung đình và dân gian (đổ xăm hường và bài vụ), trình diễn thư pháp tặng chữ, đặc biệt là hội thi gói bánh chưng, bánh tét... có sức gợi về cái Tết cổ truyền của dân tộc.
Lễ hạ nêu sẽ diễn ra ngày 22.2 (mùng 7 Tết).
Theo Thế Phong (Chinhphu.vn)