Ôn thi THPT quốc gia năm 2018: Tất bật cùng với Tết
Những ngày này, không khí Tết Nguyên đán rộn ràng khắp nơi, làm náo nức lòng người. Thế nhưng, tại các trường THPT, nhiều thầy cô giáo lại đang khẩn trương hoàn thành việc soạn đề cương ôn tập thi THPT quốc gia năm 2018. Tất cả để sau đợt nghỉ Tết, học sinh có tài liệu ôn thi ngay.
Tất bật và căng thẳng - là không khí chung tại tổ chuyên môn của các trường THPT suốt gần hai tuần qua, sau khi Bộ GD&ĐT công bố các đề minh họa. Trước nỗi lo đề thi THPT quốc gia năm 2018 khó hơn, kiến thức nhiều hơn, thời gian vào học sau Tết cho đến lúc dự thi không nhiều, hầu hết các trường đều lên lịch bắt đầu ôn thi cho học sinh ngay sau Tết.
Hệ thống kiến thức bằng sơ đồ tư duy
Đầu tuần này, sau khi Ban giám hiệu Trường THPT Trần Quang Diệu (Hoài Ân) chỉ đạo các tổ chuyên môn họp bàn xây dựng đề cương ôn tập thi THPT quốc gia, không khí làm việc tại các tổ khẩn trương hẳn. Đến sáng 7.2, đã có 3 tổ chuyên môn - Lịch sử - Công dân - Giáo dục quốc phòng, Ngữ văn- Địa và Vật lý - làm xong đề cương và nộp cho Ban giám hiệu. Theo thầy Bùi Xuân Dũng, Phó Hiệu trưởng nhà trường, qua thăm dò, đa số các tổ đều có chung ý kiến là: sử dụng tài liệu đã xây dựng trong kỳ thi năm ngoái và tập trung nhiều vào việc xây dựng kiến thức lớp 11.
Theo nhận định chung của nhiều giáo viên, các đề minh họa năm nay khó hơn, tính phân hóa cao hơn, lượng kiến thức nhiều hơn khi có cả kiến thức lớp 11. Đặc biệt tại các trường THPT công lập tự chủ, khi mặt bằng học lực học sinh chủ yếu ở mức trung bình thì vai trò hướng dẫn của giáo viên càng thêm nặng nề.
“Năm nay, với những thay đổi trong đề, vai trò định hướng ôn tập, hướng dẫn ôn tập của thầy cô giáo là hết sức quan trọng. Không chỉ nắm kiến thức cơ bản mà học sinh cần giáo viên hướng dẫn cách vận dụng kiến thức hiệu quả. Chẳng hạn với môn Ngữ văn, để làm được câu Ðọc hiểu, giáo viên phải rèn kỹ năng đọc hiểu nội dung văn bản cho học sinh. Phần Làm văn, cần tập trung ôn tập chương trình lớp 11 và chú trọng vào những nội dung có mối liên hệ giữa kiến thức 11 và 12. Cũng trong phần Làm văn, giáo viên và học sinh hết sức chú ý những khoảng giao giữa các chương trình (nâng cao, cơ bản, giáo dục thường xuyên) vì đề thi chung nên nhiều khả năng nội dung đề nằm ở các khoảng này”.
Thầy VÕ CÔNG TRÍ, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn
Theo thầy Võ Ngọc Thư, Tổ trưởng Tổ Sử - Công dân - Giáo dục quốc phòng Trường THPT Trần Quang Diệu (Hoài Ân), đề minh họa môn Lịch sử khó hơn năm ngoái nhiều với gần 30% câu hỏi yêu cầu học sinh phải biết vận dụng kiến thức. Khối lượng kiến thức lớp 11 nhiều, đề minh họa không phải là giới hạn để ôn tập cho học sinh, bên cạnh đó, trong đề này xuất hiện khá nhiều câu hỏi khá hóc búa.
“Kết quả thi môn Lịch sử năm ngoái không được như mong muốn, giờ tăng thêm lượng kiến thức nên ai cũng lo. Học sinh không chỉ thuộc bài mà còn phải nắm vững kiến thức theo hệ thống. Chỉ thuộc rời rạc thì khó mà vận dụng, kết nối. Muốn học sinh làm được vậy, tổ hướng dẫn giáo viên lập sơ đồ tư duy, phân ra từng chủ đề, chuyên đề, từng mảng. Giáo viên dạy ôn tập sẽ làm giáo án soạn theo chuyên đề và làm ra những từ khóa giúp học sinh nhớ lâu hơn”, thầy Thư chia sẻ.
Ôn ngay sau Tết
Ông Lê Văn Dư, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TX An Nhơn) cho biết, các tổ chuyên môn của trường đang tích cực rà soát khối lượng kiến thức lớp 11 để chọn những kiến thức cơ bản ôn cho học sinh. “Các thầy cô sẽ soạn những phần kiến thức của lớp 11 thành đề cương ôn tập cụ thể để qua Tết vừa ôn trên lớp vừa phát đề cương đó cho học sinh về nhà tự ôn”.
Ngay cả những trường công lập tự chủ không đặt nặng việc học sinh phải kiếm được điểm 8, 9 trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới vẫn quyết định phải ôn ngay sau Tết do xác định khả năng tự học của học sinh không thật tốt trong khi cấu trúc đề thay đổi dẫn đến cách ôn tập phải khác.
Thầy Võ Anh Dũng, Tổ trưởng Tổ Toán-Tin Trường THPT Nguyễn Huệ cho hay, năm ngoái chỉ ôn 7 chuyên đề năm lớp 12, năm nay phải ôn thêm các chuyên đề của năm lớp 11. Theo phân phối chương trình của môn Toán lớp 12, giữa tháng 3 là dứt chương trình, sau đó là thời gian ôn tập.
“Ôn lại kiến thức từng phần trước, theo từng chuyên đề, sau đó dành thời gian giúp các em làm quen với đề thi minh họa, đề các năm trước và một số dạng đề tương tự liên quan. Vì vậy mà tranh thủ được càng nhiều thời gian càng tốt”, thầy Dũng trò chuyện.
NGỌC TÚ