“Tháng chạp” và “tết”
Đối với người Việt, các từ “tháng chạp”, “tết” từ lâu đã trở nên thân thuộc, gần gũi. Hầu như ai cũng có thể sử dụng chính xác những từ này mà không cần bận tâm chuyện chữ nghĩa. Cho nên, nhiều người không nắm rõ nguồn gốc của chúng. Giáp Tết, xin lạm bàn đôi nét về nguồn gốc của ba từ này.
Tháng chạp. Đây là tháng cuối cùng của một năm âm lịch. “Tháng chạp” là từ Việt gốc Hán. Trong tiếng Hán, tháng 12 của năm âm gọi là “lạp nguyệt” (tháng lạp). Chữ “lạp” (bộ nhục) nghĩa gốc là “cá, thịt ướp, hun khô”. Gọi “tháng lạp” là bởi đây là tháng cuối đông, người Tàu xưa thường làm nhiều thịt, cá hun khô để dành cho cả năm tới (ngày nay vẫn còn món lạp sường). Chữ “chạp” trong tiếng Việt là do đọc chệch chữ “lạp” trong tiếng Hán mà thành. Bởi hai phụ âm /l/ và /ch/ có thể chuyển hóa cho nhau, như học giả An Chi đã chỉ ra (lang chàng, lam chàm, lịch [lạc] chệch [choạc]).
Tết. Theo Từ điển tiếng Việt, “tết” có nghĩa là “ngày lễ hằng năm, thường có cúng lễ, vui chơi, hội hè, theo truyền thống dân tộc”. “Tết” cũng là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn từ chữ “tiết” do đọc chệch mà thành. “Lễ tết” trong tiếng Việt cũng bắt nguồn từ “lễ tiết”. Trong tiếng Hán, “tiết” (bộ trúc), ban đầu có nghĩa là “đốt, lóng”, về sau chỉ các phân đoạn thời gian trong một năm (nhị thập tứ tiết - 24 tiết), rồi phái sinh nghĩa “ngày lễ, ngày tết”. Cho nên, mới có “Nguyên đán tiết” là “Tết Nguyên đán”, “Trung thu tiết” là “Tết Trung thu”,…Nhưng cũng có thuyết cho rằng, “Tết Nguyên đán” không phải là “Tiết Nguyên đán”. “Nguyên đán” theo thuyết này có nghĩa là “ngày đầu tiên” (tức ngày mồng một) của một năm Nông lịch”.
Dù vậy, cả ba từ trên đều là từ Việt gốc Hán. Tuy nhiên, trong quá trình vay mượn, chúng đã được Việt hóa tối đa để trở thành những từ ngữ thân quen trong tâm thức người Việt.
Th.S PHẠM TUẤN VŨ