Tăng cường quản lý, giáo dục các đối tượng chậm tiến
Một trong những biện pháp hiệu quả góp phần giảm tỉ lệ vi phạm pháp luật, đang được các cơ quan chức năng chú trọng thực hiện là tăng cường quản lý, giáo dục các đối tượng chậm tiến.
Chủ động phòng ngừa
Là địa bàn cửa ngõ của thành phố, tình hình trật tự an toàn xã hội (TTATXH) diễn biến phức tạp, nhưng nhờ định rõ đối tượng, tình hình và chủ động phòng ngừa, nên TTATXH trên địa bàn phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn, thời gian qua dần ổn định. Thượng tá Võ Tám, Trưởng CA phường, chia sẻ: “Với phương châm chủ động ngăn ngừa, chúng tôi thường xuyên rà soát, lên danh sách các đối tượng có biểu hiện vi phạm và có nguy cơ vi phạm pháp luật để theo dõi và giáo dục, kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng, hoàn cảnh của các đối tượng chậm tiến, từ đó có hướng giải quyết, giúp đỡ hiệu quả”.
Phường Ghềnh Ráng hiện có 32 đối tượng từng vi phạm pháp luật và có nguy cơ vi phạm, giảm phân nửa so với trước đây; các vụ phạm pháp hình sự cũng được điều tra, xử lý kịp thời. Có được kết quả này là nhờ sự vào cuộc tiếp cận, động viên, chia sẻ với các đối tượng chậm tiến của các cấp hội, đoàn thể. Ông Lâm Bình Tân, Hội CCB phường, chia sẻ: “Trên cơ sở tìm hiểu, nắm chắc hoàn cảnh gia đình đối tượng, nguyên nhân dẫn đến vi phạm pháp luật, chúng tôi có hình thức chia sẻ và giúp đỡ phù hợp. Như định hướng, giới thiệu việc làm, vận động tham gia các hoạt động tập thể để tránh xa tệ nạn xã hội. Tùy từng trường hợp mà có cách tiếp cận riêng, nhưng phải giáo dục họ bằng cái tâm thì mới đạt hiệu quả”.
Hay như cách làm của xã Nhơn Mỹ, TX An Nhơn cũng rất hiệu quả. Qua nắm tình hình, thấy các đối tượng chậm tiến trên địa bàn chủ yếu không có việc làm, xã đã chủ động liên hệ với các cơ sở kinh doanh giới thiệu đối tượng đến làm việc. Cụ thể, từ năm 2012 đến nay, xã đã hỗ trợ hàng chục đối tượng thanh thiếu niên chậm tiến có việc làm ổn định, tránh xa những hành vi vi phạm pháp luật.
Trường hợp của anh N.Đ.H (SN 1989, thôn Tân Nghi, xã Nhơn Mỹ) là một ví dụ, do hoàn cảnh gia đình neo đơn, bố mất sớm, mẹ thiếu quan tâm, nên H. dần sa ngã vào những cuộc chơi bời, nhậu nhẹt rồi đánh nhau, gây rối trật tự tại địa phương. Nắm rõ gia cảnh, địa phương đã định hướng và xin việc làm cho H. Quen dần với lao động, nay H. trở thành chủ một trang trại nuôi heo. H. cho biết: “Chính nhờ được quan tâm, động viên kịp thời mà giờ đây cuộc sống của tôi đã khác. Tôi sẽ chăm chỉ lao động để không phụ lòng tin của mọi người”.
Tiếp tục phát huy
Giáp Tết là lúc các ngành, lực lượng chức năng và địa phương tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và hạn chế những hành vi vi phạm, nhất là đối với các đối tượng chậm tiến. Tham gia buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật do CA phường phối hợp với CA tỉnh tổ chức, anh N.M.H. (phường Ghềnh Ráng), chia sẻ: “Khi nhận giấy triệu tập, tôi có chút lo lắng, nhưng khi tham gia buổi tư vấn, trực tiếp nghe các chú, các anh nói về những quy định của pháp luật, tự thấy mình cần tuân thủ pháp luật để có cuộc sống yên vui”.
Không riêng gì phường Ghềnh Ráng, ở nhiều nơi, với phương châm chia sẻ và định hướng, các buổi tuyên truyền diễn ra trong không khí gần gũi, nhẹ nhàng. Sau khi nghe phổ biến, các thành viên trong diện quản lý đã tự nguyện ký cam kết không vi phạm các quy định của pháp luật.
Với quyết tâm quản lý tốt và cảm hóa các đối tượng chậm tiến, lực lượng chức năng, các cấp hội đoàn thể, địa phương đã xác định đúng tình hình và làm tốt công tác dân vận từ cơ sở, nên việc theo dõi, quản lý các đối tượng chậm tiến, có nguy cơ vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh đã thu được kết quả khả quan. Đại tá Nguyễn Đức Nam, Phó Giám đốc CA tỉnh, cho biết: “Với nhiều nội dung mới, hình thức đa dạng, công tác quản lý đối tượng chậm tiến trên địa bàn đã dần mang lại hiệu quả toàn diện. Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp với các hội, đoàn thể để đa dạng hình thức tuyên truyền, đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc để tình hình ANTT ngày càng ổn định”.
KIỀU ANH