Siết giải ngân vốn vay bằng tiền mặt
Ngân hàng Nhà nước quy định ngân hàng phải sử dụng dịch vụ thanh toán, không dùng tiền mặt để giải ngân vốn cho vay.
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 21 quy định về phương thức giải ngân vốn cho vay bao gồm việc sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, bằng tiền mặt để giải ngân vốn cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước quy định ngân hàng phải sử dụng dịch vụ thanh toán, không dùng tiền mặt để giải ngân vốn cho vay.
Trong trường hợp khách hàng thanh toán cho bên thụ hưởng không có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoặc số tiền vay ghi trong thỏa thuận cho vay có giá trị không vượt quá 100 triệu đồng thì ngân hàng sẽ được xem xét giải ngân cho vay bằng tiền mặt.
Quy định có tính chất siết giải ngân vốn vay bằng tiền mặt này của Ngân hàng Nhà nước được kỳ vọng sẽ tăng cường khả năng giám sát mục đích sử dụng vốn. Khi giải ngân vốn tín dụng qua tài khoản thì việc sử dụng vốn sẽ được kiểm soát ngay từ đầu. Cho nên, khách vay không thể lợi dụng việc vay vốn để đảo nợ từ nơi này sang nơi khác... dẫn đến việc phát sinh nợ xấu, nợ mất khả năng thanh toán như đã từng xảy ra trước đây.
Thông tư 21 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 2.4.2018./.
Theo Hà Trần (VOV.VN)