Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:
Bình Ðịnh cần quy hoạch mở, phát huy tiềm năng to lớn, vị trí chiến lược
Trong chuyến công tác ngắn ngủi trên đất Bình Định ngày 20.1.2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặt chân đến những nơi muốn đến, nghe những chuyện cần nghe. Và trên hết, đã đưa ra những quyết sách quan trọng và định hướng phát triển lâu dài cho vùng đất mà người đứng đầu Chính phủ nhắc đi nhắc lại - “nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng cán bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh dâng hoa Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành.
Dưới cơn mưa phùn đầu buổi sáng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác của Chính phủ thành kính cúi đầu trước Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành. Lễ dâng hoa thiêng liêng bắt đầu cho chuyến làm việc ngắn gọn nhưng tràn năng suất, đầy hiệu quả.
Nhìn rộng để đi xa
Buổi làm việc giữa đoàn công tác Chính phủ với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh diễn ra vỏn vẹn trong 2,5 tiếng đồng hồ. Theo yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tất cả các ý kiến đều không quá… 7 phút. Ngắn gọn và tập trung, đại diện các bộ, ngành lần lượt phân tích, lý giải và đưa ra kiến nghị đối với từng nhóm vấn đề mà Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng nêu trong báo cáo tóm tắt.
Các thành viên đoàn công tác Chính phủ đều cho rằng Bình Định có tiềm năng to lớn, có vị trí chiến lược trong phát triển KT-XH của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; là cửa ngõ ra biển của các tỉnh Tây Nguyên và Nam Lào, Đông - Bắc Campuchia. Tỉnh có điều kiện thuận lợi để trở thành đầu mối, trung tâm phát triển dịch vụ vận tải, trung chuyển, quá cảnh hàng hóa, dịch vụ cảng biển, logictics… Bên cạnh đó là nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch và kinh tế biển.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng sự phát triển của Bình Định chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Do đó, phải xem xét, tính toán lại ngay từ khâu xây dựng quy hoạch. Việc quy hoạch các ngành kinh tế cần đặt trên quan điểm kinh tế mở nhằm khai thác lợi thế chung của cả vùng, nhất là Tây Nguyên. Điều chỉnh quy hoạch mới phải theo tinh thần nhanh và bền vững, gắn với phòng chống thiên tai; cần tính toán lại quy hoạch Khu Kinh tế Nhơn Hội, “cái gì cần giữ thì giữ, chứ thật sự rất khó lấp đầy diện tích lớn như thế”.
“Phải có giải pháp xử lý hiệu quả xung đột giữa công nghiệp, du lịch, dịch vụ và môi trường. Công tác này phải bắt đầu từ quy hoạch, không để mâu thuẫn cản trở, triệt tiêu lợi thế của địa phương trong phát triển”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đi vào cụ thể, Thủ tướng đặt ra yêu cầu cần quy hoạch quản lý tốt hơn, chặt chẽ hơn 134 km bờ biển quý giá. Quy hoạch phải coi du lịch là lĩnh vực quan trọng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Bình Định trong tương lai không xa. 4 trụ cột kinh tế cần tập trung phát triển là ngư nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao - dịch vụ cảng và logistics - du lịch - công nghiệp chế biến.
“Phát triển giá trị gia tăng trong nông nghiệp nói chung, thủy sản nói riêng là hướng đi mà Bình Định phải cần đặc biệt quan tâm. Trong chăn nuôi cần tập trung cho quy mô công nghiệp, chú trọng mô hình liên kết chuỗi giá trị, cần đi trước một bước trong việc xây dựng các lò mổ tập trung. Bên cạnh phát triển kinh tế, cần đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo người có công; thực hiện tốt hơn công tác giảm nghèo. Chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với nhu cầu của xã hội”, Thủ tướng chỉ rõ.
Nhiều quyết sách “nóng”
Một trong những kiến nghị quan trọng của tỉnh là sớm triển khai dự án kéo điện lưới ra xã đảo Nhơn Châu (TP Quy Nhơn). Nhơn Châu có vị trí chiến lược quốc phòng, trên đảo có 2 lực lượng bộ đội và biên phòng, có hải đăng canh giữ Biển Đông. “Đời sống nhân dân trên đảo gặp nhiều khó khăn do không có điện. Cả xã chỉ có khoảng 500 hộ với 2.500 người dân, nhưng dân số ngày càng giảm dần do muốn di chuyển vào đất liền để làm ăn, sinh sống thuận lợi hơn”, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng tâm tư.
Phải tự lực, phải khát vọng
“Lãnh đạo tỉnh phải có sự quyết tâm, thể hiện khát vọng phát triển với quan điểm tăng trưởng bao trùm. Ðây là nhân tố quan trọng tạo động lực chung cho cả tỉnh”
Thủ tướng
NGUYỄN XUÂN PHÚC.
Ngày 27.10.2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình “Hỗ trợ chính sách phát triển năng lượng và tăng cường tiếp cận năng lượng bền vững khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo” sử dụng nguồn vốn ODA không hoàn lại do Liên minh châu Âu tài trợ. Trong đó có dự án kéo điện lưới quốc gia ra xã đảo Nhơn Châu, với tổng mức đầu tư 350 tỉ đồng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho hay đã trao đổi với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng Công ty Điện lực Miền Trung- đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong việc cấp điện ngầm cho đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) và Cù Lao Chàm (Quảng Nam). “Họ rất sẵn sàng, nếu được giao dự án thì trong vòng 1 năm sẽ triển khai thực hiện được”, ông Hưng thông tin.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thống nhất giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện dự án này, bởi đưa cáp ngầm ra biển cần nhà thầu có kinh nghiệm để tránh xảy ra sự cố. “Phải làm nhanh, cố gắng ngay trong năm 2018 có điện cho bà con”, Thủ tướng chốt vấn đề.
Thủ tướng cũng kết luận nhiều vấn đề quan trọng khác theo đề xuất của lãnh đạo tỉnh và các bộ, ngành: thống nhất chủ trương đầu tư dự án Cảng cá và Khu neo đậu trú bão Tam Quan (Hoài Nhơn); bổ sung khu nuôi tôm công nghệ cao Mỹ Thành (Phù Mỹ) vào quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của cả nước; tiếp tục hỗ trợ kinh phí đầu tư nâng cấp các hồ đập xuống cấp.
Về nguồn vốn cho dự án đầu tư quốc lộ 19 đoạn nối Cảng Quy Nhơn đến quốc lộ 1A - “bế tắc” nhất hiện nay của tỉnh theo lời Chủ tịch Hồ Quốc Dũng, Thủ tướng cho rằng đây là vấn đề thật sự bức xúc. Bởi, trực tiếp thị sát hiện trường, đập vào mắt là cảnh thi công dở dang, máy móc ngưng trệ, trong khi đây là công trình trọng điểm, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân.
Thủ tướng chỉ đạo, trước mắt, cho phép sử dụng nguồn vốn dự phòng ngân sách địa phương và Bộ GTVT để tháo gỡ khó khăn về vốn. Đồng thời, yêu cầu các bộ, ngành liên quan sớm trình Ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án này vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, qua đó được sử dụng nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương ngay từ đầu năm 2019.
NGUYỄN VĂN TRANG
Nhà lãnh đạo thân thiện, gần gũi
Về bản báo cáo do Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng trình bày tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét “khiêm tốn quá”, bởi tình hình KT-XH của Bình Ðịnh thời gian qua là “bức tranh rất sáng”. Cả phòng họp cười vui vẻ. Giữa không khí thoải mái, cởi mở, các đại biểu cùng mở lòng, bàn bạc, đóng góp cho tỉnh. Từ những ý kiến với luận cứ, luận chứng rõ ràng, người chủ trì buổi làm việc mới đưa ra những quyết định quan trọng.
Thủ tướng rất quan tâm đến du lịch, nhấn mạnh trong phát triển du lịch cần phát huy yếu tố đặc sắc của Bình Ðịnh mà ai cũng biết - “đất võ trời văn”. Lúc thăm Quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Quy Nhơn, Thủ tướng kéo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng và Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng lại gần, “mách nhỏ”: “Hôm qua, tôi thấy Phú Yên dọn ra 10 món đặc trưng của họ, thấy ngon đấy. Bình Ðịnh cũng có nhiều thứ đặc sắc, sao không thử làm cái “menu 10 món”? Làm sao để nhắc đến Bình Ðịnh là du khách biết ngay mình có gì ngon chứ!”.
Nói về nhiệm vụ phát triển rừng, Thủ tướng vui vẻ gợi ý phát động phong trào trồng cây. Mỗi người xa quê về trồng 10 cây; trong gia đình mỗi người trồng 2 cây, “trồng đâu cũng được theo quy hoạch, trồng cây gì theo hướng dẫn. Biển trong lành, cây thêm xanh sẽ thu hút mạnh mẽ khách du lịch”. Nhắc tỉnh chuẩn bị tổ chức trang trọng Lễ kỷ niệm 230 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Ðống Ða (1789 - 2019), song Thủ tướng lưu ý: “Cần đẩy mạnh phát triển văn hóa phi vật thể, chứ không phải xây dựng nhiều công trình mới!”.
Ðến dự chương trình “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” của Hội CTÐ Việt Nam tổ chức chiều 20.1 tại huyện Tuy Phước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp trao quà cho từng người dân. Siết tay hỏi han đời sống của bà con sau những đợt mưa lũ nặng nề, Thủ tướng yêu cầu chính quyền địa phương cần lưu ý hơn nữa việc chăm lo Tết cho bà con, “không để bất cứ gia đình nào không có Tết”.