Kinh tế Bình Ðịnh 2 năm nhìn lại và triển vọng trong năm mới
Bước vào năm 2018, sau 2 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020, nếu đặt trong bối cảnh kinh tế chung của cả nước, kinh tế tỉnh Bình Định đạt tốc độ tăng trưởng khá, hoạt động kinh tế có nhiều khởi sắc. Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) năm 2016 tăng 7,53% (cả nước 6,29%) và năm 2017 tăng 6,72% (cả nước 6,7%); cả 3 khu vực kinh tế đều tăng cao hơn giai đoạn 2011-2015, nhất là khu vực nông, lâm, ngư nghiệp và dịch vụ.
Những kết quả nổi bật
Tuy tốc độ còn chậm, nhưng cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch đúng hướng: tỉ trọng khu vực phi nông nghiệp tăng nhanh; trong khu vực nông - lâm - ngư nghiệp (N-L-NN), thủy sản tăng cao hơn nông nghiệp; trong nông nghiệp, chăn nuôi tăng nhanh hơn trồng trọt. Dịch vụ phát triển đa dạng, tăng cả về quy mô, chất lượng, nhất là ngành du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng... Quy mô xuất khẩu tuy còn nhỏ, nhưng vẫn là điểm sáng của hoạt động kinh tế địa phương.
Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ hơn, nhất là giao thông và hạ tầng đô thị; đời sống và phúc lợi xã hội được cải thiện; thu nhập dân cư tăng; tỉ lệ hộ nghèo giảm, chỉ số phát triển con người tiếp tục được nâng lên.
Những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ hoạt động DN... đã nâng cao chỉ số cạnh tranh địa phương và tạo được niềm tin cho nhà đầu tư (chỉ số PCI năm 2016 xếp 18, đứng thứ 3 trong số 10 tỉnh duyên hải miền Trung, sau Đà Nẵng và Quảng Nam).
Tình hình KT-XH chuyển biến tích cực, hoạt động kinh tế có nhiều khởi sắc, nhiều dự án đầu tư đi vào hoạt động tạo thêm nhiều việc làm và nguồn thu ngân sách địa phương… Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững, Bình Định đang đứng trước nhiều thách thức cần được tập trung giải quyết.
Thách thức đối với mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững
Tuy GRDP tăng trưởng khá, nhưng để đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 8%/năm cho cả 5 năm 2016 - 2020 đang là thách thức lớn. Với mục tiêu trên, trong 3 năm còn lại phải tăng trưởng bình quân trên 8%/năm. GRDP tăng trưởng chậm do khu vực công nghiệp - xây dựng tăng trưởng thấp hơn kế hoạch.
Việc thu hút các DN trong các ngành công nghiệp (CN) chế biến vào các khu CN, khu kinh tế, cụm CN đã được quy hoạch và đầu tư hạ tầng có ý nghĩa rất quan trọng, nhưng tiến độ quá chậm, nhất là các khu CN A và B trong Khu kinh tế Nhơn Hội.
Chất lượng tăng trưởng thấp, do tăng trưởng kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào các yếu tố lao động và vốn, năng suất tổng hợp TFP thấp hơn mức bình quân của cả nước. Chỉ số này đã tăng khá trong 2 năm gần đây, nhưng vẫn còn thấp (năm 2016 TFP cả nước đạt 40,68%, Bình Định khoảng 33%).
Tổng đầu tư xã hội so với GRDP trên địa bàn tỉnh cao hơn so với cả nước. Ví dụ giai đoạn 2011-2015 tỉ lệ đầu tư/GDP của cả nước 31,7% (bình quân giai đoạn 2006-2010 là 39,32%), trong khi Bình Định với các con số tương ứng là 43,63% và 40,2%. Những chỉ báo trên cho thấy tăng trưởng kinh tế của Bình Định chủ yếu là số lượng, còn chất lượng chưa được cải thiện đáng kể.
DN trên địa bàn tỉnh ít về số lượng, nhỏ về quy mô và càng khiêm tốn về thương hiệu, năng lực cạnh tranh. Đến nay, tuy môi trường đầu tư được cải thiện đáng kể (bao gồm thủ tục hành chính; cơ sở hạ tầng, sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính quyền, chính sách thuế, đất đai ưu đãi...), vị trí địa kinh tế thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào..., nhưng Bình Định vẫn chưa phải là điểm đến của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Mọi kỳ vọng còn ở phía trước.
Triển vọng tạo ra làn sóng đầu tư
Kinh tế Bình Định được định hướng phát triển dựa trên 4 nhóm ngành kinh tế trụ cột: CN chế biến dựa vào lợi thế về N-L-NN; ngư nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao; dịch vụ cảng, logistics và du lịch.
Chủ trương của tỉnh là nỗ lực và ưu tiên thu hút đầu tư các ngành CN chế biến gắn với sản phẩm N-L-NN. Cụ thể là CN chế biến thủy hải sản; CN chế biến gỗ (hạn chế dần xuất khẩu dăm gỗ); CN chế biến thức ăn chăn nuôi; CN chế biến thực phẩm… Thu hút các DN là những “con sếu đầu đàn” trong lĩnh vực chế biến N-L-NN làm hạt nhân để quy hoạch phát triển các vùng chuyên canh nông nghiệp, hình thành các “cụm sản xuất nông - CN” .
Khai thác lợi thế cảng biển để phát triển các khu CN, khu kinh tế. Chủ động phối hợp và hỗ trợ nhằm khắc phục sự yếu kém của các nhà đầu tư hạ tầng các khu CN để thu hút các dự án đầu tư CN. Điều chỉnh chức năng Khu kinh tế Nhơn Hội theo hướng giảm diện tích đất CN, tăng diện tích đất dịch vụ và đô thị, gắn với việc quy hoạch đầm Thị Nại và vùng phụ cận của TP Quy Nhơn.
Thế mạnh của Bình Định là cửa ngõ ra Biển Đông, nằm trên con đường hàng hải quốc tế. Cần khai thác thế mạnh về dịch vụ cảng - logistics, mà hiện nay còn nhiều dư địa. Trước hết cần khai thác hiệu quả cảng Quy Nhơn hiện có, gắn với sự phát triển hệ thống cảng cạn (ICD) và hiện đại dịch vụ cảng, tối đa hóa công suất; đồng thời sớm xác định địa điểm và kêu gọi đầu tư xây dựng cảng mới có công suất lớn và đa năng. (Nếu Bình Định không tận dụng được lợi thế về cảng biển sẽ tự đánh mất lợi thế phát triển).
Với sự khởi sắc của hoạt động du lịch trong vài năm gần đây đang có nhiều triển vọng có bước bứt phá để thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây là ngành kinh tế tổng hợp, nên cần có sự phối hợp đồng bộ từ quy hoạch địa điểm, quy hoạch sản phẩm đến đầu tư, quản lý hoạch động trên cả 4 lĩnh vực: lưu trú (bao gồm bất động sản nghỉ dưỡng); dịch vụ hưởng thụ; ẩm thực và mua sắm. Cần chú ý cả du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Xây dựng một chương trình quảng bá du lịch lấy điểm nhấn là “Quy Nhơn - điểm đến du lịch” để quảng bá ra thế giới.
Mặc dù N-L-NN chỉ chiếm khoảng 25% cơ cấu GRDP và đóng góp khoảng 12% vào tốc độ tăng trưởng, nhưng N-L-NN vẫn là cơ sở để tiến hành CN hóa và nền tảng của phát triển bền vững, tăng trưởng bao trùm. Hiện đại hóa ngư nghiệp, nhất là đánh bắt xa bờ và xây dựng “cụm liên kết ngư - CN - thương mại”; đào tạo nguồn nhân lực; đầu tư phương tiện đánh bắt; giải quyết hài hòa mâu thuẫn giữa các ngành kinh tế biển: ngư nghiệp, CN và du lịch; nhất là bảo vệ môi trường biển.
Với những nỗ lực của tỉnh trong việc tạo dựng môi trường, đầu tư kinh doanh thuận lợi, nhất là niềm tin của nhà đầu tư đang mở ra triển vọng thu hút làn sóng đầu tư mới vào Bình Định trong những năm tới, đặc biệt là những ngành lĩnh vực ưu tiên như: CN hỗ trợ; CN chế biến, nguyên liệu N-L-NN của địa phương; khai thác năng lượng mặt trời, năng lượng gió; CN phần mềm...; dịch vụ đào tạo, chuyển giao công nghệ; DN nông nghiệp công nghệ cao có quy mô trang trại phù hợp... đang mở ra nhiều triển vọng trong năm 2018 và những năm tiếp theo.
TRẦN DU LỊCH