Lo Tết ở miền quê
Tết đang về. Phụ nữ ở một số vùng nông thôn còn nhiều khó khăn, nhưng các chị vẫn cố vun vén để người thân, gia đình có được cái Tết tương đối sung túc, đầm ấm, đủ đầy.
Chị Dung, thôn An Hậu, xã Ân Phong, huyện Hoài Ân đang thu hoạch khổ qua bán cho thương lái.
Vun vén, chăm lo
Trong tiết trời se lạnh, chúng tôi rong ruổi về nhiều vùng nông thôn để cảm nhận Tết đến rất gần. Dạo chợ Cảnh Hàng, xã Nhơn Phong, TX An Nhơn, không khí mua sắm Tết khá nhộn nhịp. Các mặt hàng phục vụ cho ngày Tết được bày bán nhiều, từ bánh kẹo, mứt, hạt dưa, hoa giả đến chăn mùng mền... rất đa dạng về chủng loại. Bà Nguyễn Thị Hoa, 50 tuổi, đang bày bán mứt gừng ở chợ, cho biết: “Dù công việc bận rộn nhưng cũng tranh thủ hái ít gừng vườn nhà trồng làm mứt để bán kiếm ít tiền mua sắm Tết. Năm nay, chăn nuôi thất bát quá chẳng xoay được nguồn nào để có thêm thu nhập”.
Trong khi cả xóm đang tụ tập nhau làm mứt dừa, củ kiệu… thì chị Nguyễn Thị Dung, 41 tuổi, thôn An Hậu, xã Ân Phong, huyện Hoài Ân, tất bật hái khổ qua, dưa leo bán cho các thương lái. Mùa này, 2,7 ha trồng các loại la-gim sạch theo công nghệ Vietgap của chị Dung bội thu với giá khổ qua 25.000 đồng/kg, dưa leo 5.000 đồng/kg. Chồng chị Hoa đang chăm sóc các chậu hoa cúc, vạn thọ để bán Tết với giá 15.000- 20.000 đồng/chậu. Chị Dung kể: “Mọi năm, gia đình có thu nhập nhờ chăn nuôi bò, heo nhưng năm nay giá rớt, lỗ nặng. May mà thuê được ruộng vườn chuyển đổi cơ cấu kinh tế, ngoài trồng la-gim, trồng hoa, vợ chồng còn trồng 3.000 m2 cây măng tây theo mô hình của Trung tâm Khuyến nông tỉnh đưa về. Tổng thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm cũng mừng, có nguồn thu để lo cho con ăn học”. Giữa cánh đồng la-gim xanh mướt, chị Dung kể: “Tôi mới bán con bò lấy tiền mua sắm đồ ăn, quần áo cho những người trong gia đình. Giờ chỉ lo thu hoạch la-gim và bán hoa tới 30 tháng Chạp, dành dụm sang năm thuê thêm đất mở rộng trồng la-gim”.
Hy vọng sự đủ đầy
Tết về, trong khi phần đông gia đình lo trang hoàng đón Tết thì đối với những hộ nghèo, việc sắm sửa cho ngày Tết là cả một cố gắng lớn. Bà Đinh Thị Hoa,
81 tuổi, thôn Đại Hữu, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát, đang cố vỗ béo cho con heo duy nhất của gia đình. Ngôi nhà nhỏ của bà tuy đơn sơ nhưng sạch sẽ. Cô con gái lớn đi bán vé số ở TP Quy Nhơn, bà ở nhà với ba đứa cháu ngoại. Trước còn sức khỏe, bà đi bán trứng vịt ngày kiếm cũng được 20.000 - 30.000 đồng, giờ già yếu chỉ biết chăm bẵm nuôi con heo từ nguồn rau cháo vườn nhà. Bà Hoa kể: “Hoàn cảnh khó khăn, tôi được Nhà nước trợ cấp ít tiền dành cho người cao tuổi rồi. Tết về, con gái cũng chỉ ở vài ngày, sửa soạn bàn thờ cúng ông bà, rồi vợ chồng nó lại đi mưu sinh nên cũng chẳng bày biện gì nhiều”.
Đi dọc các xã ven biển những ngày giáp Tết, chỉ gặp đa số người già, phụ nữ và trẻ em. Bởi đàn ông ở đây đều tranh thủ đi biển cuối năm để có thêm thu nhập sắm Tết. Chị Lê Thị Hằng, 43 tuổi, thôn 8 Đông xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, cho biết chồng đi biển gần một tháng nay, chị ở nhà với ba mẹ chồng và 3 đứa con, chờ chồng về đưa tiền đi sắm tết. Chị Hằng kể: “Những nơi khác, chị em đi sắm tết sớm cho gia đình, chớ quê tui chồng đi biển về lúc nào là vợ đi mua sắm lúc đó”. Còn chị Nguyễn Thị Phúc, 32 tuổi, thôn 9, đang ngồi vá lưới cùng chị Hằng thì buồn rười rượi bảo: “Chồng em định đi biển qua Tết mới về. Tối qua, chồng điện bảo mượn tạm tiền mua đồ cho hai đứa nhỏ trước. Năm ngoái, chồng cũng đi biền biệt. Đi làm mấy ngày Tết cũng có tiền nên đành chịu cảnh ăn tết trên biển vậy”.
Về các vùng quê những ngày này, chúng tôi cảm nhận được sự vất vả của người phụ nữ khi phải lo vun vén để có một cái Tết ấm cúng, đủ đầy cho gia đình. Ai cũng hy vọng những khó khăn, vất vả trong năm cũ sẽ qua đi và nhà nhà đón một năm mới vui tươi, tốt đẹp, đời sống của chị em sẽ ổn định và khấm khá hơn.
HẢI YẾN