Giáp Tết ở bệnh viện
* Ghi chép của NGUYỄN MUỘI
Chỉ cách nhau một cánh cổng, bức tường nhưng bên trong bệnh viện, không khí Tết dè dặt, ít ỏi. Nhắc đến Tết, hầu như bệnh nhân và người nhà chỉ lắc đầu, thở dài bởi cuộc chiến với bệnh tật đã chiếm hết tâm trí.
Rất may, giữa những ngày giá lạnh vừa qua, sưởi ấm lòng bệnh nhân và cả những người nhà của họ không thiếu những tình thân, từ phía những tấm lòng thiện nguyện, và cả từ chính họ với nhau.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu (bìa phải) và Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Nguyễn Tấn Hiểu (giữa) chia sẻ với gia đình bé Trịnh Văn Bảo.
Ngậm ngùi
Dăm ngày nữa là đến giao thừa, ấy vậy mà hơn 50 gương mặt ở “xóm chạy thận” tại BVĐK tỉnh vẫn buồn xo. Nhắc đến Tết, chị Võ Thị Bích Thủy (46 tuổi) trầm giọng hẳn. Chị bảo: “Nhà ở tỉnh Gia Lai, bệnh tình ngày một nặng, tôi sợ mình không đủ sức khỏe để đi về. Hơn nữa, tiền xe cũng là một khoản đáng kể; tôi để dành lo thuốc thang thì tốt hơn”.
Chạy thận đã được 7 năm, hầu như chẳng Tết nào chị Thủy được về nhà, đón giao thừa cùng với gia đình. Cùng chừng ấy năm chị sống trong tủi phận vì không tròn trách nhiệm làm mẹ với hai đứa con. Vậy nên, khi được hỏi có mong con xuống thăm mình vào mấy ngày Tết, chị lắc đầu, nói: “Hai đứa con tự bươn chải, nuôi nhau nên vất vả, thiếu thốn. Tôi chẳng dám mong ước bởi sợ là gánh nặng cho con. Tết này chỉ mong, anh chị em bệnh nhân chạy thận quây quần, hàn huyên với nhau cho qua 3 ngày Tết; mong không có người nào qua đời. Năm rồi, một người ra đi vào đúng mùng Hai Tết”.
Đang túc trực để lo cho người chị bị ung thư giai đoạn cuối, vợ chồng ông Bùi Văn Thọ (55 tuổi, xã Cát Chánh, huyện Phù Cát) hốc hác, phờ phạc. Kể về tình trạng ngày một yếu của chị gái là bà Bùi Thị Phước (57 tuổi), ông Thọ ngậm ngùi: “Chuyện Tết nhất, lễ nghĩa với ông bà tổ tiên, tôi đều cậy hẳn vào con cái. Hai vợ chồng thay phiên nhau ở bệnh viện để chăm chị. Chị tôi ngày một yếu. Mỗi bữa chỉ ăn được một hai muỗng cháo. Dù không biết được là sắp tới sẽ xảy ra chuyện gì nhưng chúng tôi vẫn cố gắng động viên chị. Tết này, đành ăn Tết bệnh viện! Bởi, nếu đưa chị về nhà cho ấm áp, lỡ có chuyện gì, gia đình trở tay không kịp”.
Theo bác sĩ Hồ Việt Mỹ, Giám đốc BVĐK tỉnh, thời điểm này, toàn bệnh viện có trên 1.000 bệnh nhân. Dự kiến, trong dịp Tết, có khoảng hơn 500 bệnh nhân điều trị tại bệnh viện. Các bệnh nhân phải ở lại bệnh viện trong dịp Tết phần lớn là bệnh nhân chạy thận nhân tạo, bệnh nhân ung bướu, bệnh nhân ở khoa Hồi sức cấp cứu...
Bệnh nhân xóm chạy thận tại BVĐK tỉnh nhóm lửa sưởi ấm trong những ngày giáp Tết Mậu Tuất 2018.
Tình thân ấm áp
Ở BVĐK khu vực Bồng Sơn, gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Nhung (40 tuổi, ở xã Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn) đang túc trực chăm sóc cho ông Nguyễn Minh Chính (67 tuổi). “Họa vô đơn chí” khi 20 ngày trước, mẹ chị Nhung vừa bị gãy tay thì hôm rồi, cha chị lại bị đột quỵ trong lúc đi thăm đồng. Anh chị em trong nhà thay phiên nhau chăm sóc cha mẹ. Ông Nguyễn Thanh Lưu, em trai ông Chính, cho biết: “Các con của anh Chính kinh tế không khá giả, những ngày giáp Tết cũng là lúc kiếm được việc làm, có thu nhập cao hơn những ngày thường nhưng các cháu vẫn thu xếp chu toàn cho cha mẹ. Anh trai tôi không nói được nhưng cứ thấy các con hiếu thảo, anh chị em thương nhau là rơm rớm nước mắt”.
Thân thương không kém là tình người nồng ấm giữa các bệnh nhân. Ở bệnh viện, dẫu đã quen nhau 5, 10 năm hay mới chỉ biết nhau vài giờ đồng hồ, cái tình “đồng bệnh tương lân” dễ nảy sinh. Những câu chuyện về hoàn cảnh gia đình, về căn bệnh giống nhau đang phải mang kéo xích gần họ lại.
Tại xóm chạy thận tại BVĐK tỉnh những ngày này, khoảng sân trước nhà lưu trú tình thương xuất hiện thêm một bếp lửa ngoài trời. Bệnh nhân chạy thận và người nhà vây quanh đống lửa, sưởi ấm và trò chuyện. Bệnh nhân Hà Minh Trọng (26 tuổi, ở xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát) cho biết họ thường ngồi cho đến tận khuya, thậm chí là đến sáng hôm sau. Bởi những cơn đau nhức không cho họ ngủ. Một bếp lửa hồng, tí tách cháy trong đêm làm họ thấy ấm lòng, gần gũi. Những câu chuyện, những gợi nhắc về 5, 7 năm trước khi họ mới trở thành thành viên của xóm chạy thận, mấy câu trêu đùa... làm họ tạm quên đi sự tra tấn của bệnh tật. Tình thân, tình thương từ đó lan tỏa ấm áp.
Những ngày cận Tết, bệnh nhân tại các bệnh viện đang đón nhận tình cảm ấm áp của các tổ chức, nhà hảo tâm dành cho. Bên cạnh các chương trình do các nhà hảo tâm triển khai, chương trình “Xuân yêu thương vì bệnh nhân nghèo” của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh phát động và thực hiện đã mang những tình cảm chân thành đến với các bệnh nhân nghèo tại khắp các bệnh viện, TTYT trên địa bàn tỉnh.
“Với tổng kinh phí huy động hơn 2 tỉ đồng, sự đồng hành của rất nhiều đơn vị và nhà hảo tâm, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh mong chia sẻ với những khó khăn của gia đình người bệnh, lan tỏa hơn nữa truyền thống tương thân tương ái trong thời điểm Tết đến xuân về”, ông Nguyễn Tấn Hiểu, Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh trao đổi.
Xúc động trước sự chia sẻ của các nhà hảo tâm, bà Hồ Thị Nại (51 tuổi) đang nuôi cháu ngoại Trịnh Văn Bảo (9 tháng tuổi, bị bệnh xơ gan) tại khoa Nhi BVĐK tỉnh bày tỏ: “Trong lúc cả nhà đang rối rắm, lo lắng, chúng tôi nhận được sự giúp đỡ, động viên của những người tốt bụng. Tình cảm ấm áp của mọi người dành cho sẽ làm gia đình mạnh mẽ hơn”.
N.M