Góp phần gìn giữ di sản bài chòi: Ðó là niềm hạnh phúc
Khi nói về “công việc hậu đài” của mình: làm chòi tre và một số nhạc cụ bằng tre như sanh sứa, mõ cho hội đánh bài chòi dân gian Bình Ðịnh, anh Nguyễn Thành Phú (45 tuổi) ở Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước chân thành chia sẻ như vậy.
Anh Phú đang khẩn trương hoàn thành bộ chòi tre để kịp cho huyện Tuy Phước tổ chức hội đánh bài chòi tại Chợ Gò Tết này. Ảnh: ĐÌNH TRƯƠNG
Là thợ mộc giỏi nghề ở địa phương, vì trước đây anh Phú từng nhiều năm theo nghề đan tre của gia đình. Khi tỉnh tiến hành phục dựng hội đánh bài chòi cổ dân gian Bình Định (năm 2010) vừa như một ngẫu nhiên thú vị, vừa đúng như việc sắp xếp và anh Phú đã trở thành địa chỉ tin cậy trong việc làm chòi, nhạc cụ tre.
Nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Đào Minh Tâm, đơn vị phụ trách tổ chức hội đánh bài chòi khi ấy, kể: Lần đầu đặt vấn đề nhờ anh Phú làm bộ chòi, ông khá bất ngờ vì cái cách anh nhận lời. Đó là trước khi nhận lời, anh Phú chỉ chăm chú hỏi chuyện mẫu mã, cấu trúc, kỹ thuật làm chòi ra sao để đúng với khuôn mẫu 9 chòi tre phong cách Bình Định mà tỉnh đã dày công nghiên cứu để phục dựng, sau khi hỏi cặn kẽ, anh cam kết giản dị: “Tui kham được món này”! Vậy là nhận lời, không một tiếng màng hỏi công cán. Trong khi gia đình anh có xưởng mộc khá quy mô, đơn hàng làm không kịp… Thì ra, với người thợ mộc chân chất này, đó hơn cả một đơn hàng thông thường, vì mang lại cho anh những giá trị tinh thần lớn lao khác: kỷ niệm niên thiếu, niềm hạnh phúc được góp phần gìn giữ di sản.
Theo anh Phú, ngôi nhà của cha mẹ anh ngày xưa bao bọc bởi những lũy tre và trong nhà từ ông bà đến cha mẹ, con cái đều giỏi đan lát, chẻ hôm, đánh tranh (lũy tre xưa giờ vẫn còn vết tích, với lưa thưa những hàng tre xung quanh xưởng mộc hiện tại của gia đình anh ở Phong Thạnh).
“Cái nghề gia truyền một thời vốn đã lạc hậu hơn chục năm nay giữa thời đại đồ nhựa, đồ kim loại này, nay bỗng nhiên mình có cơ hội ôn nghề, qua đó lại có thể làm được chút gì cho văn hóa truyền thống tỉnh nhà, tôi nhận lời trong tâm trạng bồi hồi và hãnh diện. Những người đặt làm chòi thì nói áng chừng mỗi chòi tối đa 5 người chơi, chòi tải 5 tạ là được; nhưng tui nghĩ hội hay vầy ai không muốn một lần thượng chòi, có thể đông hơn, lượt nối lượt nên tui tự dặn mình phải cố gắng tìm mua được nhiều tre già, dùng tre ngâm, làm các mộng cho thật sít sao để đảm bảo độ bền và an toàn cao, giảm mối mọt. Lần đầu làm, chòi đã xong mà tìm người biết đánh tranh để lợp mái không ra, tui bao luôn khâu chót đó, vừa làm vừa nghĩ phải cấp tốc đào tạo cho vợ con, thợ ở xưởng biết làm đặng sau này còn phụ mình, lòng cứ thấy vui vui…”, anh Phú kể. Ngoài làm chòi, anh còn làm sanh sứa, mõ (đều từ tre) cho hội đánh bài chòi Bình Định.
Mang những tình cảm cá nhân đầy yêu thương, trách nhiệm ấy vào việc làm chòi, quá trình làm qua các năm đã giúp anh rút ra thêm những “kinh nghiệm, cải tiến kỹ thuật”. Ví như ở đợt làm chòi mới nhất mà anh đang làm cho huyện Tuy Phước, sẽ không còn phải làm dấu, đánh số các thanh tre, mộng để tháo, ráp mà có thể “lắp sao cũng trúng”; hay có thể thay hình thức ngâm (tre) vốn mất thời gian bằng xông khói, ưu điểm có thể uốn được, tận dụng những cây, đoạn tre bị cong, vênh mà vẫn đảm bảo độ bền, đẹp… “Tui đã đảm bảo với mấy anh ở huyện và bà con, đợt chòi này (làm cho huyện Tuy Phước) sẽ có độ bền tới 10 năm”, anh Phú phấn khởi nói, chắc như đinh đóng cột.
SAO LY